Tuyển U23 Việt Nam đã có một cuộc vượt khó tuyệt vời để đến với chức vô địch - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Đó là chia sẻ của ông TRẦN QUỐC TUẤN - quyền chủ tịch VFF - với Tuổi Trẻ vào ngày 28-2.
* Vì sao VFF quyết định cử đội U21 tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022 chứ không phải U23, thưa ông?
- Đội tuyển U23 VN tham dự giải này đều là các cầu thủ trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 21. Trong 2 năm vừa qua, nhiều giải đấu, đặc biệt là là hệ thống các giải trẻ trong nước và quốc tế, đã bị đình trệ hoặc bị hủy bỏ, dẫn tới việc các cầu thủ trẻ đã không có điều kiện để thi đấu cọ xát.
Các cầu thủ tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022 thuộc lực lượng các đội tuyển trẻ từ U19 đến U22, từng trải qua 6 đợt tập trung để chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế, trong có cả giải Toulon tại Pháp hồi cuối năm 2020 đầu năm 2021.
Tuy vậy, dịch COVID-19 đã khiến mọi kế hoạch đều lỡ dở. Điều này khiến các cầu thủ không có cơ hội thi đấu để tích lũy kinh nghiêm, nâng cao trình độ.
Từ thực tế đó, VFF đã tận dụng giải U23 Đông Nam Á 2022 nhằm tạo điều kiện cho các cầu thủ lứa tuổi từ 18 đến 21 nói trên tham dự.
Đây cũng là nguồn lực lượng bổ sung cho vòng loại World Cup 2026, khi các nước Đông Nam Á có cơ hội cạnh canh suất dự VCK sau quyết định của FIFA tăng từ 32 lên 48 đội.
Các cầu thủ này cũng sẽ tham dự Asiad 19 Hàng Châu vào tháng 9 tới, từ đó sẽ có sự chuẩn bị chủ động cho SEA Games 32 năm 2023.
Năm 2022 có 4 giải đấu dành cho đội U23 gồm: U23 Đông Nam Á, SEA Games 31, Asiad 19, VCK U23 châu Á 2022. Do vậy, việc phân tách hai lực lượng khác nhau cho 4 giải đấu này sẽ giúp chúng ta giải quyết được đồng thời nhiều bài toán về chuyên môn.
* VFF đã chuẩn bị gì để lứa cầu thủ U23 VN vừa giành ngôi vô địch Đông Nam Á dự Asiad 19, thưa ông?
- Việc tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022 đã là một phần trong kế hoạch hướng tới Asiad 19. Trước đó, trong năm 2021, lứa cầu thủ này cũng đã liên tục được tham gia vào các đợt tập trung, tập huấn do HLV Philippe Troussier trước đây đề nghị, với trên dưới 40 cầu thủ được triệu tập cho mỗi đợt tập huấn.
Đó cũng là lý do khi đội U23 VN rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng trong quá trình tham dự giải U23 Đông Nam Á 2022 vì COVID-19 và được bổ sung tổng cộng 10 cầu thủ mới thì 10 cầu thủ này đã hòa nhập rất nhanh với các đồng đội bởi họ đã được tập trung tập luyện cùng nhau tại các đợt tập trung trong 2 năm qua.
* Trong những năm qua, VFF đã có nhiều kế hoạch chuẩn bị dài hơi, bài bản cho bóng đá trẻ, bóng đá nữ, đội tuyển quốc gia để có được thành quả như hôm nay. Ông có thể chia sẻ về quá trình này?
- Trong những năm vừa qua, bóng đá VN đã đạt những thành tích đáng ghi nhận và phải tiếp tục duy trì hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Muốn vậy, các đội tuyển cần phải thường xuyên góp mặt tại các giải đấu cao nhất tương ứng với các độ tuổi.
Bóng đá VN ở sân chơi 11 người đến nay mới chỉ có một lần lọt vào FIFA U20 World Cup 2017. Dù không vượt qua vòng bảng nhưng việc được thi đấu với các đối thủ đẳng cấp thế giới giúp các cầu thủ trẻ VN có sự tích lũy rất lớn về kinh nghiệm và trưởng thành lên rất nhanh.
Đó cũng là một trong những tiền đề giúp bóng đá VN gặt hái những thành công liên tiếp sau đó, tạo ra nguồn cảm hứng rất lớn đối với đời sống bóng đá trong nước.
Tại vòng loại World Cup 2022, việc lọt vào đến vòng loại cuối cùng đã giúp đội tuyển VN có cơ hội thi đấu với những đội tuyển "tinh anh" của bóng đá châu Á - điều mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội.
Do vậy, bóng đá VN cần tiếp tục có giải pháp đồng bộ để phát triển. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước, sự ủng hộ của các CLB thì phải tận dụng nguồn lực tài trợ, quan hệ quốc tế... để góp phần đảm bảo tốt nguồn lực phục vụ các đội tuyển.
Chẳng hạn, thông qua chương trình hợp tác giữa VFF và Nhật Bản, VFF và Hàn Quốc, từ năm 2017 đến nay các đội tuyển trẻ U16, U19 nam và nữ thường xuyên có các chuyến tập huấn tại 2 quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á.
Qua đó, các cầu thủ đã thể hiện những tiến bộ rõ nét về chuyên môn. Hiện tại, VFF cũng đang tiếp tục mở rộng mối quan hệ với những nền bóng đá mạnh của châu Á như Saudi Arabia, UAE... với những chương trình hợp tác rất cụ thể và hiệu quả dành cho phát triển các đội tuyển.
* Khi hầu hết đội tuyển U23 tại Campuchia bị nhiễm COVID-19, ông đã làm gì để gỡ khó cho đội?
- Tại giải đấu vừa qua, U23 VN đã phải đối diện với thử thách chưa từng có. Không chỉ thiếu hụt lực lượng vì COVID-19, chúng ta còn phải ra sân thi đấu với đội hình gồm những mảnh ghép không trọn vẹn.
Nhiều cầu thủ đã phải thi đấu không đúng với vị trí sở trường, những cầu thủ được mời thay thế đã phải rất nỗ lực để hòa nhập trở lại một cách nhanh nhất với lối chơi chung của đội.
Vượt lên tất cả, toàn đội đã chiến thắng nghịch cảnh bằng tinh thần nỗ lực đến cùng và xuất sắc giành ngôi vô địch.
Quan điểm của VFF là luôn bám sát tình hình của các đội tuyển, có chỉ đạo kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của một tổ chức thành viên khi tham gia vào các hoạt động bóng đá quốc tế.
Đồng thời cũng thể hiện và lan tỏa giá trị tinh thần của VN, đó là nỗ lực đến cùng và không từ bỏ, như những gì chúng ta đã thể hiện tại VCK Giải nữ châu Á để giành tấm vé lịch sử tham dự World Cup 2023 và mới đây là thành tích vô địch tại Giải U23 Đông Nam Á 2022.
Ông Tuấn có nhiều đêm không ngủ
Ông Trần Quốc Tuấn chúc mừng đội trưởng Dụng Quang Nho ở lễ mừng công tuyển U23 VN - Ảnh: ANH KHOA
Để chi viện 10 cầu thủ sang Campuchia khi hầu hết đội hình U23 VN đã bị nhiễm COVID-19, ông Trần Quốc Tuấn và các bộ phận chuyên môn của VFF nhiều đêm không ngủ để lo thủ tục, hỗ trợ các cầu thủ lên đường.
Cá nhân ông Tuấn còn liên tục kết nối với Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) để đề xuất hỗ trợ đội tuyển U23 VN.
Sau trận bán kết với Timor Leste, ông Tuấn thức đến 1h sáng để điện thoại cho tổng thư ký AFF Winston Lee đề nghị cho U23 VN bổ sung lực lượng để đấu chung kết với Thái Lan. Nỗ lực trên mọi mặt trận, chiếc cúp mà đội tuyển U23 VN mang về là thành quả của đội tuyển, VFF và bóng đá VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận