Đứng trước biến động nhân sự và chảy máu tài năng vào đầu năm 2024, CLB bóng đá nữ TP.HCM đã được Sở Văn hóa Thể thao nhanh chóng xúc tiến lộ trình thành lập công ty cổ phần và tìm nhà tài trợ đồng hành theo mô hình chuyên nghiệp như bóng đá nam.
Tâm thế mới của bóng đá nữ TP.HCM
Là cái nôi của bóng đá nữ Việt Nam, CLB nữ TP.HCM cũng là đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử. Được thành lập từ năm 1998, bóng đá nữ TP.HCM có 12 lần vô địch quốc gia. Trong đó có 5 lần vô địch liên tiếp (từ 2019-2023), 3 lần liên tiếp vô địch Cúp quốc gia (2020-2023).
Dù là "đàn chị" của bóng đá nữ Việt Nam nhưng khi đứng trước xu thế chuyển nhượng chuyên nghiệp, CLB nữ TP.HCM không tránh khỏi bất an khi các trụ cột lần lượt ra đi. Theo đó, lần lượt Nguyễn Thị Mỹ Anh, Lê Hoài Lương xin chuyển về CLB Thái Nguyên năm 2022. Đến đầu năm 2024, bộ ba Trần Thị Thu, Nguyễn Thị Bích Thùy và thủ môn Trần Thị Kim Thanh cũng nói lời tạm biệt.
Ngay lập tức, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM và Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) phải ngồi lại tìm ra phương án tốt nhất để duy trì vị thế bóng đá nữ của mình. Với sự đồng hành âm thầm suốt hơn 10 năm qua của Công ty cổ phần Thái Sơn Nam, giờ đây đơn vị này đứng ra tài trợ 15 tỉ đồng/3 năm cho CLB nữ TP.HCM.
Ông Nguyễn Nam Nhân, phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, chia sẻ: "Xu thế bóng đá nữ càng ngày càng chuyên nghiệp hóa. Với việc thành lập Công ty cổ phần Bóng đá nữ TP.HCM, đây là một hành trình mới với một tâm thế mới và định hướng mới cho bóng đá nữ TP.HCM trong tương lai".
Sử dụng nguồn tiền tài trợ thế nào?
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, nguồn tài trợ từ nhà tài trợ chính hoàn toàn là để tập trung vào công tác tập luyện và thi đấu của CLB nữ TP.HCM. Trong đó có việc giữ chân các cầu thủ trụ cột, mua sắm cầu thủ mới để duy trì sức mạnh và truyền thống của bóng đá nữ TP.HCM.
Bài học từ sự ra đi của 5 cầu thủ trụ cột trước đó đến một phần là do đội bóng không có đủ kinh phí cũng như cơ chế phù hợp để giữ chân họ. Khi Công ty cổ phần Bóng đá nữ TP.HCM được thành lập, nó sẽ giúp lãnh đạo và ban huấn luyện cải thiện những hạn chế để đi lên mô hình chuyên nghiệp.
HLV Đoàn Thị Kim Chi nói: "Tôi mong muốn với sự thay đổi này, các nữ cầu thủ TP.HCM sẽ được nhận thêm tiền hỗ trợ hằng tháng. So với mặt bằng chung, tiền công và tiền ăn của các em khá thấp. Việc tập luyện và thi đấu tốt giúp các em cải thiện thu nhập là động lực mới để các em an tâm theo nghề".
HLV Kim Chi cũng đề xuất phương án chuyển nhượng cầu thủ như bóng đá nam. Bên cạnh đó là khả năng mời lại tiền đạo Huỳnh Như, biểu tượng của CLB nữ TP.HCM, sau khi cô kết thúc hợp đồng 2 năm ở CLB Lank tại Bồ Đào Nha. Đây là những cách thức chuyên nghiệp khi đội bóng có nguồn tài chính ổn định.
Không chỉ dừng lại ở mức tài trợ từ một đơn vị, bài toán cho các cấp lãnh đạo là làm sao càng có nhiều doanh nghiệp chung tay góp sức cùng phát triển bóng đá nữ TP.HCM.
Ông Nam Nhân tính toán đến năm 2025-2026, ngân sách đội bóng phải có từ 10 tỉ trở lên và càng nhiều càng tốt. Từ đó, CLB nữ TP.HCM tiếp tục duy trì mục tiêu giữ vững danh xưng là đội bóng hàng đầu Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận