28/03/2017 05:29 GMT+7

Bóng đá là sự sống ở Afghanistan

HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Đã có thời điểm người dân Afghanistan tưởng chừng không còn cơ hội được xem đội tuyển nước nhà thi đấu nữa. Những cuộc nội chiến liên miên giai đoạn thập niên 1980-1990 khiến họ hầu như bị xóa sổ khỏi đấu trường thể thao quốc tế.

Các cầu thủ trẻ ở Afghanistan tập luyện trên bãi hoang vắng tương đối an toàn cho họ. Ảnh: Getty Images

Từ năm 1984-2002, Afghanistan không tham dự bất kỳ một đấu trường thể thao quốc tế nào. Hàng loạt cầu thủ danh tiếng của Afghanistan những năm đó cũng phải chạy ra nước ngoài để tìm kiếm một môi trường thi đấu chuyên nghiệp và trên hết là sự an toàn.

Ali Askar Lali, một cựu danh thủ của Afghanistan phải giã từ quê hương sang tị nạn ở Đức, kể trên tờ Al Jazeera (Qatar): “Tôi là một tuyển thủ quốc gia, một sinh viên với rất nhiều giấc mơ. Thật khó khăn khi phải bỏ lại mọi thứ ở phía sau và bắt đầu một cuộc đời mới. Nhưng khi đó cuộc sống của tôi gặp quá nhiều nguy hiểm. Tôi đã bị bắt đến hai lần và thật là một phép mầu khi không bị giết”.

Sau nhiều năm tha hương, thi đấu ở các đội bóng thuộc những giải hạng thấp của Đức, Lali đã trở lại quê nhà để tiếp tục giấc mơ: phát triển bóng đá Afghanistan. Nhiều năm qua, cựu danh thủ 58 tuổi này làm việc ở LĐBĐ Afghanistan (AFF) và hiện tại đang nỗ lực vận động để ứng cử chức chủ tịch trong cuộc bầu cử được tiến hành vào tháng 4 tới. “Mơ ước của tôi là có thể mở đường cho các cầu thủ trẻ thoải mái chơi bóng, đó là một sự đền bù cho chính tôi”.

Nhưng chưa cần đến những cuộc cải cách lớn lao, bóng đá đã là một thứ bất diệt ở Afghanistan, bất kể những cuộc chiến tranh tàn khốc, những nguy cơ bị xả đạn vào bất kỳ lúc nào tại các nơi công cộng, và cả những cơn đói. Hashmatullah Barakzai, một tiền đạo hàng đầu ở Giải vô địch quốc gia Afghanistan (APL) hiện tại, kể về cuộc sinh tồn khốc liệt của mình: “Khi còn nhỏ, rất nhiều hôm tôi phải tập luyện với cái bụng đói, không có nổi bữa ăn sáng lẫn ăn trưa. Nhiều bạn bè của tôi đã phải giã từ giấc mơ vì điều đó. Dưới chế độ Taliban, mọi thứ không thể nào lường trước được. Khi tôi chơi bóng cùng bạn bè trong khu phố, ba và ông nội phải đứng cạnh để canh chừng cho chúng tôi. Rất nhiều trận đấu chuyên nghiệp ở thời điểm đó phải tạm hoãn nửa chừng vì các cuộc nổ súng”.

Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, những giấc mơ bóng đá vẫn không chết. Năm 2003, Afghanistan trở lại đấu trường bóng đá quốc tế và đánh dấu bằng chiến thắng 2-1 trước Kyrgyzstan ở vòng loại Asian Cup. Những cậu bé sinh ra trong thời chiến như Barakzai rồi cũng trưởng thành. Dù vậy, rất ít các cầu thủ xuất sắc của Afghanistan chọn cách gắn bó lâu dài với giải đấu quốc nội như tiền đạo sinh năm 1987 này.

Trong đội ngũ được HLV người Đức Otto Pfister triệu tập cho cuộc đối đầu với VN lần này, chỉ có 7 cầu thủ đang đá ở giải quốc nội. Phần lớn các cầu thủ còn lại đều đang thi đấu ở châu Âu, trong đó có Milad Salem - người được Transfermarkt định giá cao nhất đội (khoảng 200.000 euro) trên thị trường chuyển nhượng - hiện đang thuộc biên chế của Frankfurt. Nhưng dù thi đấu ở bất kỳ đâu, tất cả những tuyển thủ này đều có chung một giấc mơ. “Chúng tôi muốn mang lại nụ cười cho đồng bào của mình, chúng tôi sống là để giúp họ được tự hào và vui vẻ” - tiền đạo Amredin Sharifi nói.

HUY ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên