20/03/2005 17:04 GMT+7

Bốn cánh tay chèo chống với đời

Bài, ảnh: CHINH ĐÔNG
Bài, ảnh: CHINH ĐÔNG

TT - Sông Hồng mùa cạn nước, những con thuyền của làng vạn chài Thụy An, xã Tráng Việt (Mê Linh, Vĩnh Phúc) phải nằm co cụm cạnh bến Đẹp thôn.

hEVLwTwF.jpgPhóng to
Hai chị em Vinh, Sen đang chèo thuyền đi thả đó tôm
TT - Sông Hồng mùa cạn nước, những con thuyền của làng vạn chài Thụy An, xã Tráng Việt (Mê Linh, Vĩnh Phúc) phải nằm co cụm cạnh bến Đẹp thôn.

Buổi sáng mà vạn chài im ắng như đang ngủ, mấy đứa trẻ đang chơi bi trên bãi cát mắt đăm đăm nhìn khách lạ. Thấy chúng tôi hỏi thăm nhà ông Phan Đình Oanh, đứa trẻ lớn nhất bọn à lên một tiếng: “Các chú tìm nhà ông Oanh “da cam” phải không, đi theo cháu!”.

Cha và con

“Gia đình tôi, bố mẹ sinh ra được ba anh em trai. Năm 1950, Pháp khủng bố mạnh xã Tráng Việt vì nơi đây đã từng đặt nhà in của Trung ương Đảng, là nơi có nhiều cơ sở cách mạng. Ba anh em tôi đều vào du kích. Em út của tôi từng giữ chức đội trưởng du kích vạn chài, sau chú ấy vào bộ đội - Ngồi trong khoang thuyền chật hẹp, ông Phan Đình Oanh trầm giọng kể - Em tôi vào bộ đội được một năm sau thì chú ấy hi sinh ở chùa Non Nước (Ninh Bình). Tôi và anh tôi ở nhà đưa bộ đội qua sông diệt bốt Bồng (Đan Phượng, Hà Tây) và tải gạo, đạn cho các đơn vị đóng quân ở Việt Trì. Sau hòa bình vài năm, tôi lại xung phong đi bộ đội”.

Đến đây ông Oanh im lặng. Gặng hỏi hồi lâu, cặp mắt mờ đi và chòm râu bạc rung rung, ông nói ông chỉ nhớ được rằng mình đã cùng đồng đội vào được đến Tây nguyên. “Cánh rừng ấy trơ trọi lắm, không có lá cây, không có tiếng chim... Tôi ốm một trận tưởng chết. Sau đó tôi ra Bắc, cấp trên cho tôi giải ngũ, trở về vạn chài”.

Ngày vợ chồng ông sinh đứa con đầu tiên, vạn chài như im lìm, đứa bé sinh ra không như những đứa trẻ khác. Nó có cái chân như chân vịt của thuyền máy và... cong. Bà Đọn vợ ông nhìn ông rồi nhìn con khóc ròng. Mấy năm sau, vợ chồng ông sinh tiếp đứa thứ hai, bà đỡ làng chài đón đứa bé gái mới chào đời đêm ấy thét lên một tiếng hãi hùng. Ông nhảy vào khoang thuyền. Trời ơi, hai chân đứa bé đưa lên cao như vẫy chào!

10 năm hai lần lên bờ

Hơn 40 năm qua, gia đình ông Oanh cứ bập bềnh trên sóng sông Hồng như một tổ chim trôi dạt. Gia đình ông mưu sinh bằng nghề đánh cá sông nhưng bây giờ tàu bè chạy nhiều, dòng sông cạn, tôm cá ít.

Vạn chài nơi ông sinh ra và lớn lên có những gia đình hàng xóm của ông khá giả do biết làm nghề nuôi cá lồng. Hiện đã có gần 80% số hộ mua được đất, xây được nhà trên bờ. Còn gia đình ông kiếm được đồng nào cứ dành dụm để chữa bệnh cho con, luôn sống trong cảnh túng thiếu.Gần 10 năm qua, ông Oanh nhớ ông chỉ có hai lần được lên bờ. Đó là mùa đông năm 2001, trước ngày 22-12, xã Tráng Việt long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp. Ông được hội cựu chiến binh xã tặng một bộ đồ quân nhân, mũ kêpi. Ông được đứng trong hàng ngũ những cựu chiến binh của địa phương đi đón danh hiệu anh hùng cho quê hương. Và lần nữa cũng cuối năm ấy, ông lên bờ để đưa vợ về cõi vĩnh hằng.

Chúng tôi lấy làm lạ vì hôm nay ba bố con ông Oanh không có một thứ giấy tờ gì tùy thân. “Không còn nữa vì bao lần thuyền đắm, thuyền lật do mưu sinh trên sông nước. Còn hai đứa con gái tôi, chúng nó có đi đâu mà làm giấy tờ - ông Oanh giải thích - Từ hồi sinh ra chưa lần nào chúng được lên bờ, mà lên bờ chúng đi thế nào được”.

Từ hồi vợ mất, ông Oanh xuống sức hẳn. Ba năm trước, sau một lần đánh cá trên sông con thuyền mục nát suýt chìm vì tay chèo yếu sức của ông, ông không dám đi xa nữa mà chỉ quanh quẩn ở khúc sông xóm vạn chài định cư. Năm 2002, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Mê Linh tặng gia đình ông 10 triệu đồng để tu sửa con thuyền mục nát này.

DBqh8chy.jpgPhóng to
Ông Oanh nhìn theo hai con đi kiếm sống
Khát vọng lên bờ

Ông Oanh bây giờ chỉ nằm trong khoang thuyền, tuổi 78 và căn bệnh nhức nhối vô hình đang tàn phá cơ thể ông. Nguồn sống duy nhất hiện nay là trông đợi ở bốn cánh tay của hai người con gái tật nguyền. Hằng ngày, cứ đến 15g, Vinh và Sen lại chèo chiếc thuyền nhỏ đi thả đó tôm dọc xóm vạn chài.

Đến 18g, hai chị em về nhà ăn cơm tối và ngủ lấy sức để đến 3g sáng hôm sau, hai chị em lại trở dậy chèo thuyền đi đổ đó tôm cho kịp sáng có người đến đón mua. Hôm chúng tôi đến, chị Vinh khoe sáng nay chị vừa bán 200g tôm được 6.000 đồng, “cũng đủ gạo ngày nay anh ạ” - chị nói.Ông Oanh cho biết có hôm sóng to, đến 7g sáng mà không thấy các con về ông sốt ruột vô cùng. Những lần như thế, chị Vinh và chị Sen đành cứ để cho sóng đánh thuyền dạt vào đâu thì dạt, sáng hôm sau mới lại chèo về. “Có hôm may gặp được người làng thì họ kéo về cho” - chị Sen kể.Phó chủ tịch UBND xã Tráng Việt Ngô Văn Xiêm nói: “Chuyện ông Oanh là nạn nhân chất độc da cam cả vùng ai cũng biết. Gia đình ông là gia đình nghèo nhất xã hiện nay nhưng chúng tôi cũng chưa biết phải làm gì. Giá như ông có miếng đất nho nhỏ cũng được, chúng tôi sẽ đi quyên góp để xây nhà tình nghĩa”. 1m2 đất cũng gần bạc triệu rồi nên ông Oanh chẳng bao giờ dám nghĩ tới!Hai chị Vinh, Sen tíu tít khoe trước hôm 8-3 vừa qua, bà Phan Thị Đễ, em họ của ông Oanh, đến thăm thấy ba cha con sống cực quá, bà đã viết đơn giúp hai chị gia nhập Hội Phụ nữ xã Tráng Việt rồi yêu cầu hai chị điểm chỉ vào (vì hai chị không biết chữ). Chị Sen bảo với tôi: “Thế là chúng em đã có nơi lo cho chúng em “sau này” rồi, khi ấy chúng em mới đích thực được lên bờ!”. Rồi chị chỉ bức ảnh treo trên vách khoang thuyền, nói: “Em đã đặt người làm ảnh em rồi đấy anh ạ”. Nghe chị Sen nói mà tôi chợt rùng mình. Rời khỏi khoang thuyền của gia đình ông Oanh, mắt tôi mờ đi vì mưa bụi giăng kín mặt sông. Tôi tin rằng họ vẫn sống và tiếp tục sống như thế, nhưng không thể hình dung được một ngày kia khi người cha trụ cột của gia đình đổ xuống, con thuyền mỏng manh ấy sẽ đưa hai người con gái tật nguyền trôi dạt về đâu...

Bài, ảnh: CHINH ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên