Phần mặt đường bị sụt lún và nứt nẻ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc triển khai thi công dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 3,1km và bề rộng mặt đường từ 30-50m (tùy theo đoạn) với tổng kinh phí gần 473 tỉ đồng.
Mục tiêu chính là khắc phục hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông thuận lợi, đặc biệt là đảm bảo thoát nước, tạo mỹ quan khu vực.
Tranh cãi máy bơm khi triển khai dự án
Một trong những nguyên nhân gây ngập cho tuyến đường này thời gian qua được cho là tình trạng lún nền đường. Việc lún nền đường không đồng đều nhau dẫn đến hệ thống cống thoát nước cho toàn bộ tuyến đường bị gãy khúc, không liên thông, thu hẹp khẩu độ cống...Vì vậy khi mưa lớn, nước không thoát kịp và ngập nước kéo dài.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc sửa chữa hệ thống thoát nước được thực hiện bao gồm xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến nhằm đảm bảo khả năng thoát nước cho lưu vực. Cụ thể đối với đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến ranh cầu Thủ Thiêm, giữ nguyên hệ thống thoát nước theo hiện trạng nhưng nâng cao miệng giếng thu nước dân sinh, cải tạo lại cửa thu nước cho phù hợp với cao độ mặt đường.
Đối với đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến nút giao dưới dạ cầu Sài Gòn, do khu vực này bị lún nhiều, hệ thống thoát nước không còn đảm bảo nên sẽ xây dựng hệ thống thoát nước mới nằm dưới lòng đường. Đồng thời xử lý lấp hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước, tránh lún sụp trong quá trình khai thác.
Hệ thống chiếu sáng, dải cây xanh hai bên lề đường cũng sẽ được cải tạo lại cho phù hợp với cảnh quan đô thị xung quanh.
Câu hỏi được đặt ra là dự án này liệu có xử lý triệt để tình trạng ngập nước cho tuyến đường, đồng thời "siêu máy bơm" chống ngập còn duy trì hay không?
Trả lời câu hỏi này, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) cho biết dự án sẽ xử lý chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh trong lưu vực 30-35ha. Còn công trình "siêu máy bơm" chống ngập nước cho lưu vực khoảng 70ha, không liên quan đến dự án.
Trước đó, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho rằng việc sử dụng máy bơm chống ngập là giải pháp tình thế, còn việc sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh mới xử lý triệt để chống ngập nước lâu dài.
"Mặt khác, trong thời gian thi công dự án trên thì siêu máy bơm vẫn vận hành. Khi công trình nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh xong, các cơ quan chức năng phải đánh giá lại hiệu quả rồi sau đó mới đề xuất giữ siêu máy bơm lại để dự phòng hay chuyển đi vị trí khác để chống ngập", một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP nói.
Nâng cao mặt đường có ảnh hưởng nhà dân?
Hiện nay người dân không chỉ than phiền tình trạng ngập nước gây khó khăn đi lại mà còn lo ngại việc sửa chữa bù lún đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ nâng cao mặt đường so với nền nhà. Bởi vì tuyến đường này được xây dựng từ năm 1997 và hoàn thành vào năm 2002, khi vừa đưa vào sử dụng đường đã bị lún và bị ngập nước.
Năm 2003, UBND TP đã chỉ định Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm định chất lượng đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo đó, đơn vị này xác định toàn tuyến đường bị lún từ 5cm đến hơn 1m. Trong đó, đoạn lún nhiều nhất là đoạn dẫn lên cầu Văn Thánh 2, nguyên nhân lún do nền đất yếu.
Đến năm 2005, đoàn kiểm tra của Bộ Giao thông vận tải xác định mức độ lún tăng cao nhất là đoạn từ cầu Văn Thánh 2 và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, lún 0,4-0,9m. Đến năm 2010, các cơ quan chức năng xác định đường Nguyễn Hữu Cảnh lún nặng hơn.
Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến giáp cầu Văn Thánh 2 lún 0,8m, đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lún khoảng 1,2m.
Ngoài việc tuyến đường được thi công trên nền đất yếu, việc xuất hiện hàng loạt công trình nhà cao tầng dọc hai bên đường cũng được cho là nguyên nhân khiến tuyến đường này bị lún nặng thêm. Hiện hầu hết nhà hai bên đều có nền đường cao hơn mặt đường hiện hữu.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, việc sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế sẽ khôi phục cao độ thiết kế trước đây, đảm bảo yêu cầu chống ngập nhưng đồng thời cũng phải hài hòa với các khu dân cư ở hai bên tuyến và phù hợp với cao độ san nền quy hoạch.
Về xử lý việc lún nền đường đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, phương án cải tạo sẽ thực hiện gia cố bằng trụ ximăng. Đối với đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, xây dựng tường chắn có mặt cắt chữ U (sàn giảm tải kết hợp với tường chắn)...
Trong khi đó, giải thích về việc nâng cao mặt đường này, một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết tùy theo đoạn đường bị lún bao nhiêu sẽ được bù lún bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc nâng cao độ mặt đường sẽ được tính toán phù hợp với quy hoạch và theo nguyên tắc không gây ảnh hưởng nhiều đến nhà dân ở hai bên đường.
Con đường tai tiếng
Đường Nguyễn Hữu Cảnh do Công ty sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM làm chủ đầu tư dự án. Ngay khi đưa tuyến đường này vào sử dụng năm 2002 đã xảy ra hàng loạt sự cố như toàn tuyến bị ngập nước khi mưa và ngập nặng khi triều cường.
Cũng trên tuyến đường này, hàng loạt công trình thuộc dự án đều có sự cố. Tháng 4-2002 xảy ra sự cố hai đường chui đầu cầu Văn Thánh bị lún. TP yêu cầu các đơn vị liên quan chịu kinh phí sửa chữa. Đầu năm 2003 hoàn thành sửa chữa hai đường chui dưới cầu. Liên quan đến công trình này, một số cán bộ các đơn vị liên quan phải ra hầu tòa.
Tháng 7-2004, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện hư hỏng cục bộ ở đầu dầm và mố cầu Văn Thánh 2. Sau đó đến tháng 8-2007 tiến hành sửa chữa cầu Văn Thánh 2 với kinh phí 141 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận