Trailer phim Bán đảo (Peninsula)
Bom tấn Bán đảo (Peninsula) chiếm phần lớn suất chiếu tại rạp từ 20-7 này, đẩy các phim còn lại chia nhau "miếng bánh" ít ỏi. Trước đó, giới phát hành kỳ vọng một phim bom tấn giúp kéo khán giả đến rạp. Điều không ngờ là bom tấn đó đã xuất hiện nhưng kéo khán giả cho riêng mình.
Theo số liệu của Box Office Vietnam (ghi nhận sáng 20-7), số suất chiếu Bán đảo trong ngày 20-7 là hơn 2.663 suất. Cùng thời gian này, Pee Nak 2 có 198 suất, Bằng chứng vô hình gần 65 suất và Đỉnh mù sương gần 37 suất.
Số suất chiếu Bán đảo so với Đỉnh mù sương gấp hơn 70 lần. Con số còn có thể thay đổi. Dự kiến, các phim Việt sẽ sớm rời rạp trong tuần này.
Chiếu sớm hẳn một tuần - bước đi táo bạo
So với kế hoạch ban đầu, Bán đảo đẩy lịch chiếu lên hẳn một tuần, bao gồm cả sneak show (chiếu sớm) và chính thức.
Do chiếu sớm quá ăn khách, nhà phát hành tại Việt Nam quyết định công chiếu luôn từ 22-7 (thay vì 24-7 như kế hoạch ban đầu) và vẫn chiếu sớm trong hai ngày 20, 21-7. Như vậy về bản chất, Bán đảo đã ra rạp từ 17-7.
Tài tử nổi tiếng Kang Dong Won đóng chính trong Bán đảo - Ảnh: NEXT
Việc Bán đảo lên lịch chiếu sớm từ 17-7 như một cú đánh trực diện vào Đỉnh mù sương, phim Việt khởi chiếu từ 17-7. Sau đó Đỉnh mù sương bổ sung lịch chiếu sớm từ 15-7.
Tại Hàn Quốc, phim đạt 1 triệu vé chỉ sau 4 ngày công chiếu, theo Yonhap. Còn tại Việt Nam, sau dịp cuối tuần đầu tiên, phim đạt gần 25 tỉ đồng.
Sức hút của thương hiệu Train to Busan
Nhiều người nói nếu không quảng bá gắn với cái tên Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử, 2016), Bán đảo đã không bị so sánh và chê bai về chất lượng. Nhưng mặt khác, nếu không gắn với Train to Busan, Bán đảo chẳng thể gây sốt ngay từ trước khi ra mắt.
Vài tháng trước khi ra rạp Việt, Bán đảo được quảng bá với tư cách "Train to Busan 2". Đây là cách truyền thông của phim ở mọi thị trường, không riêng Việt Nam, khi tên quốc tế của phim là Train to Busan Presents: Peninsula (Chuyến tàu sinh tử giới thiệu: Bán đảo).
Train to Busan góp phần không nhỏ trong việc kéo khán giả cho Bán đảo tuần đầu tiên - Ảnh: NEXT
"Tôi nghĩ thương hiệu Train to Busan chiếm 50% lý do thành công của Bán đảo - anh Nguyễn Quốc Khánh, đại diện rạp CGV, nhận định - Sau khi xem phim, khán giả sẽ chia thành hai nhóm. Một là nhóm dễ tính, thấy mãn nhãn với hiệu ứng kỹ xảo của phim. Hai là nhóm khó tính, họ sẽ khó chịu vì thấy phần hai không liên quan đến phần một".
Dù sao, chứng tỏ thương hiệu Train to Busan rất quan trọng với Bán đảo, giúp phim đạt doanh thu tốt ở Hàn Quốc và Việt Nam, những thị trường đã đón nhận Train to Busan trước đây. Nếu coi điện ảnh là hàng hóa thì bán hàng dựa vào thương hiệu cũng là điều dễ hiểu và hợp lý.
Phim Việt chưa đủ sức hút về chất lượng và thương hiệu
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, phim Việt cũng phải tự trách mình vì nhiều lẽ. Trước và trong khi cơn sốt Bán đảo ập đến, phim kinh dị hài Thái Lan Pee Nak 2 (Ngôi đền kỳ quái 2), bất chấp nội dung dở tệ vẫn kịp thu gần 27 tỉ đồng.
Bằng chứng vô hình và Đỉnh mù sương là hai phim khá mới cho thị trường sau COVID-19, chứ không phải phim "tồn kho" như một số phim Việt trong tháng 5 và 6. Nhưng cả hai phim đều thuộc thể loại không quá quen thuộc đối với khán giả Việt: phim giật gân tâm lý (Bằng chứng vô hình) và phim võ thuật (Đỉnh mù sương).
Đỉnh mù sương gặp khó vì đối đầu trực diện với Bán đảo - Ảnh: GALAXY
Hai thể loại này chưa tạo dựng được thương hiệu trong lòng khán giả, do đó chưa phải lựa chọn an toàn. Hơn nữa, chất lượng phim cũng gây tranh cãi. Bằng chứng vô hình được khen vì sự chỉn chu về kỹ thuật và dàn diễn viên lăn xả nhưng kịch bản bị coi là điểm yếu lớn.
Tương tự với Đỉnh mù sương, phim khá bắt mắt về võ thuật nhưng thiếu triết lý đằng sau các trường phái, phe cánh (như ở những thương hiệu phim võ thuật nổi tiếng) và có kịch bản quá ngô nghê.
Riêng với Bằng chứng vô hình, có nhiều vấn đề đặt ra như "Tại sao chọn kịch bản gốc không quá xuất sắc của Hàn Quốc để làm lại?" và "Có nên xem lại về hướng đi của dòng phim làm lại ở Việt Nam?".
Bằng chứng vô hình thuộc thể loại giật gân, thể loại còn khá mới với điện ảnh Việt - Ảnh: CJ
Thị hiếu khán giả: cuộc tranh cãi bất tận
Khi khán giả chọn Pee Nak 2 thay vì phim Việt, người ta có thể đổ lỗi cho thị hiếu vì Pee Nak 2 là một phim dưới trung bình về kỹ thuật và nội dung. Nhưng khi khán giả chọn Bán đảo, một phim đạt tầm 6/10 điểm, khó có thể lấy thị hiếu ra để giải thích.
Cảnh phim Peninsula
Đơn giản là khán giả chọn một thương hiệu lớn, dòng phim bom tấn anh hùng - xác sống an toàn, dàn diễn viên đẹp, nếu gây thất vọng thì cũng không quá lớn. Và dù đó mới là một bom tấn Hàn Quốc, chưa phải là những thương hiệu Hollywood nổi tiếng với người Việt như Fast & Furious hay phim Marvel, khán giả vẫn sẽ chọn dòng phim này thay vì phim Việt.
Thị hiếu khán giả Việt có thể không quá tệ khi trong đa số trường hợp, họ vẫn chọn phim xem được. Nhưng dường như vẫn tồn tại một "định kiến vô hình" nào đó với phim Việt, chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận