17/09/2008 06:12 GMT+7

Bối rối với bữa ăn mầm non

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Trong khi hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM đã rục rịch tăng tiền ăn từ đầu năm học mới nhằm chống chọi với cơn “bão giá”, thì còn khá nhiều trường mà phụ huynh là công nhân hoặc lao động nghèo, mỗi bữa ăn cho trẻ vẫn loay hoay trong vài ngàn đồng...

aWK1Mkhz.jpgPhóng to
Bữa trưa của lớp chồi ở Trường mầm non Tuổi Xanh (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: L.TRANG
TT - Trong khi hầu hết các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM đã rục rịch tăng tiền ăn từ đầu năm học mới nhằm chống chọi với cơn “bão giá”, thì còn khá nhiều trường mà phụ huynh là công nhân hoặc lao động nghèo, mỗi bữa ăn cho trẻ vẫn loay hoay trong vài ngàn đồng...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Bữa trưa của các cháu tại Trường mầm non Tuổi Xanh (Q.4) khá đạm bạc nhưng ngon mắt, với mỗi bàn ăn một tô cơm, một tô canh thịt bằm nấu khoai tây, cà rốt, món thịt kho và thanh long tráng miệng. Mỗi bữa trưa như thế này, suất ăn của mỗi cháu là một tô cơm với thức ăn mặn, một tô canh và một miếng thanh long.

Nằm chật chội trong con hẻm nhỏ phường 16, Q.4, phụ huynh của trường này hầu hết là lao động nghèo hoặc công nhân ở địa bàn các phường 14, 15, 16, 18 và một số phụ huynh ở Q.7. Sau kỳ họp phụ huynh đầu năm, mức tiền ăn thỏa thuận giữa phụ huynh và ban giám hiệu là bữa sáng 5.000đ, bữa trưa và bữa xế 15.000đ (tăng 3.000đ so với đợt hè).

Loay hoay với bữa ăn cho trẻ

Cô Nguyễn Thị Bạch Tuyết, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dù mức tiền ăn 15.000đ/ngày nhưng đó vẫn là gánh nặng đối với phụ huynh ở khu vực này. Nhiều phụ huynh đã phải viết đơn xin trả góp tiền ăn, khi 70.000đ, khi 100.000đ, vì không có đủ tiền đóng theo tháng”.

Biết phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn và không có nhiều thời gian chăm sóc con, nhà trường nhận luôn phần bồi dưỡng sữa cho các cháu. Bữa trưa và bữa xế đều gói gọn trong số tiền 15.000đ, hai cô cấp dưỡng phải “cân, đong, đo, đếm” sao cho hôm nay ăn ngon thì hôm sau bớt đi một chút và thay đổi các món ăn sao cho vừa phong phú để các cháu đỡ ngán, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng nhưng không được quá số tiền ăn cho phép.

Ở các quận 6, 7, 8, 9, Thủ Đức và các huyện ngoại thành, tiền ăn ở một số trường mầm non vẫn duy trì ở mức 12.000-14.000đ/học sinh, bao gồm cả bữa sáng và sữa cho cháu. Giá cả các loại thực phẩm, dầu, gạo tăng gần gấp đôi, giáo viên phụ trách bán trú gặp rất nhiều khó khăn khi phải tính toán tiền chợ. Trong khi đó, số phụ huynh lo ngại về dinh dưỡng cho con mình và đề nghị tăng tiền ăn để đảm bảo dinh dưỡng chỉ là thiểu số so với số phụ huynh có thu nhập thấp mà với họ, tiền trường là gánh nặng từng ngày, từng giờ.

Giảm khẩu phần hay tăng học phí

Tại Trường mầm non 19-5 (Q.8), cô Nguyễn Thái Hiệp, phó hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Gạo tài nguyên mà trường dùng nấu cho các cháu lúc trước là 11.000đ/kg, bây giờ đã là 16.800đ/kg; cá, tôm, thịt cũng đội giá; dầu ăn tăng từ 27.800đ/lít lên 37.800đ/lít, chưa kể tiền sữa mỗi tháng ngốn gần 10 triệu đồng. Ban giám hiệu nhà trường phải trực tiếp tính toán, cân đối bữa ăn cho trẻ để đảm bảo dinh dưỡng nhưng vẫn rất chật vật, song mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ”.

Dự định cuối tháng mười, ban giám hiệu sẽ xin ý kiến phụ huynh để tăng tiền ăn của các cháu thêm 2.000đ/ngày, bổ sung vào phần ăn trưa và ăn xế cho học sinh, dù con số 14.000đ/ngày (gồm bữa sáng, yaourt, bữa trưa, bữa xế, sữa) vẫn không thấm thía gì so với mức giá cả thực phẩm ngoài thị trường cũng như mức tiền ăn của các trường tư thục chất lượng cao, với mỗi suất ăn hằng ngày lên tới 25.000-30.000đ/học sinh.

Trừ các trường mầm non tư thục chất lượng cao, các trường công lập và nhóm trẻ gia đình hầu hết đều bối rối khi phải tính toán bữa ăn hằng ngày cho trẻ, nhất là những trường mà phụ huynh đều là lao động nghèo. Tại nhóm trẻ gia đình 67/1 Phạm Ngọc Thạch (Q.3), hai mẹ con cô Nguyễn Thị Thắm và Lý Phương Hồng - chủ nhóm trẻ với gần 30 học sinh này - hằng ngày đều trực tiếp đi chợ chọn thực phẩm để vừa đảm bảo thực phẩm tươi, ngon, vừa đảm bảo vấn đề tài chính.

Cô Hồng tâm sự: “Nhiều phụ huynh thấy giá cả leo thang đã đề nghị được tăng tiền ăn cho cháu, nhưng chúng tôi biết nhiều gia đình phụ huynh khác còn khó khăn. Với mức tiền ăn này, nhiều lúc giáo viên cũng phải bớt phần lương của mình, nhưng tuyệt đối không cắt giảm khẩu phần của các cháu”.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên