11/08/2021 20:54 GMT+7

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ máy thở giá 455 triệu, kê khai lên 960 triệu

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Loại máy thở model 2000 EVO5 (do Mekics của Hàn Quốc sản xuất) được Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế An Sinh nhập khẩu bình thường bán chỉ 455 triệu đồng, nhưng kê khai trên Cổng công khai y tế là 960 triệu.

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ máy thở giá 455 triệu, kê khai lên 960 triệu - Ảnh 1.

Kết cấu chi tiết máy thở bị "đội giá" - Ảnh: THANH TÂM

Theo công văn gửi Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế An Sinh, Bộ Y tế yêu cầu công ty làm rõ việc "thổi giá" loại máy thở kể trên: giá bán hiện tại công ty cung cấp cho các đơn vị là 455 triệu đồng, nhưng giá kê khai trên Cổng thông tin công khai y tế là 960 triệu đồng.

Bộ Y tế đề nghị công ty khẩn trương, nghiêm túc rà soát và có báo cáo giải trình lý do công bố giá cao đột biến, chênh lệch 210% so với giá bán, gửi Bộ Y tế trước ngày 13-8.

Nếu trước thời gian trên công ty không giải trình, Bộ Y tế sẽ thực hiện tạm dừng tài khoản thông tin công bố giá của công ty trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Trước đó, từ chiều 11-8, mạng xã hội đã xôn xao về thông tin "công khai đội giá máy thở": loại máy thở model 2000 EVO5 của Mekics (Hàn Quốc) sản xuất, Công ty An Sinh nhập khẩu báo giá bán cho các đơn vị là 455 triệu đồng, nhưng công khai giá trên Cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế tới... 960 triệu. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một đại lý bán loại máy này cho biết giá bán thực tế (đã có lãi) của loại máy EVO5 chỉ là 425 triệu đồng. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, nên giá nhiều loại thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 đang tăng cao và khan hiếm hàng. 

Nhưng việc đội giá như kể trên là quá cao, nhất là giá nhập khẩu (giá CIF) theo thông tin ban đầu chỉ trên 1/2 giá bán thực tế hiện nay.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 9-2020 bộ bắt đầu khởi động Cổng thông tin công khai giá dịch vụ y tế, trong đó có giá trang thiết bị, do trước đó nữa các bệnh viện, cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế không có kênh thông tin để so sánh giá, dẫn đến việc mua sắm trang thiết bị mỗi nơi một giá, năm 2020 đã có nhiều tỉnh thành phải trả lại thiết bị vì mua giá cao.

Thông tin về giá trên cổng này do doanh nghiệp tự kê khai, Bộ Y tế "hậu kiểm". Đây là lần đầu tiên phát hiện vụ việc có thiết bị "công khai" mức giá hơn gấp đôi giá bán thật.

Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật Vụ ‘bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ cứu sản phụ’: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

TTO - Ngay sau khi Sở Y tế TP.HCM và các cơ quan chuyên môn rà soát và kết luận không có sự việc bác sĩ rút máy thở của mẹ để cứu sản phụ mang thai đôi, tài khoản "Trần Khoa", đăng đầu tiên câu chuyện trên, đã đóng tài khoản Facebook.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên