Thông tin trên được PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết sáng 22-6.
Ông Quang cho biết trước đây khoa hồi sức tích cực chống độc không tiếp nhận ca mắc bệnh tay chân miệng nặng nguy kịch nào trong 2 tuần. Tuy nhiên 2 tuần gần nhất, trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng, nguy kịch nhập viện liên tục. Riêng ngày 21-6, khoa liên tục tiếp nhận 5 ca mắc tay chân miệng nặng.
Được các bác sĩ dốc sức cứu chữa, nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đã hồi phục sức khỏe tốt, trong đó có những trường hợp nguy kịch phải lọc máu cấp cứu.
Điển hình bệnh nhi T.T.A. (nữ, 14 tháng tuổi, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế) nhập viện lúc 2h40 ngày 15-6 vì giật mình chới với. Bệnh nhi 3 ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng. Sau đó A. bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình.
Tại khoa nhiễm, bệnh nhi giật mình nhiều kèm run chi, được chẩn đoán tay chân miệng nặng (độ 2B), điều trị thuốc IVIG, Phenobarbital nhưng bệnh diễn tiến nhanh đến suy hô hấp, ngưng thở nên được đặt nội khí quản và chuyển ngay xuống khoa hồi sức tích cực để thở máy.
Tại khoa hồi sức tích cực, bệnh nhi trụy tim mạch với mạch nhanh > 200 lần/phút và tụt huyết áp đe dọa tính mạng. Các bác sĩ hồi sức đã dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu cho bệnh nhi.
Lọc máu là phương pháp điều trị hiệu quả góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi tay chân miệng nặng, nhưng đây là một kỹ thuật rất khó do bệnh nhi tay chân miệng thường là trẻ nhỏ (bé 14 tháng, 11kg) nên việc tiếp cận mạch máu rất khó khăn và tình trạng bệnh nặng diễn tiến nhanh nên dễ thất bại.
Sau khi lọc máu, tình trạng bệnh nhi cải thiện tốt với sự ổn định sinh hiệu và chức năng các cơ quan. Sau 48 tiếng đồng hồ lọc máu, bệnh nhi được cai máy lọc máu, sau đó cai máy thở vào sáng 21-6. Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở tốt, không tổn thương các cơ quan.
Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng
Trước diễn biến của bệnh tay chân miệng, trong hôm nay 22-6, Bộ Y tế dự kiến thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch tại TP.HCM. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn, dự kiến giám sát một trường mầm non, một cụm dân cư và Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Ngày 23-6, đoàn công tác Bộ Y tế sẽ làm việc cùng UBND TP.HCM.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đã vào mùa và đang tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Đối với các bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi bệnh nhi có kèm dấu hiệu giật mình chới với.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt…
Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận