03/07/2022 16:33 GMT+7

Bộ Xây dựng: Nhiều lần đôn đốc di dời các cơ quan khỏi nội thành Hà Nội

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TTO - Bộ Xây dựng cho biết thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tổ chức di dời theo quy hoạch, đơn vị này đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương, Hà Nội di dời các cơ quan ra khỏi nội thành.

Bộ Xây dựng: Nhiều lần đôn đốc di dời các cơ quan khỏi nội thành Hà Nội - Ảnh 1.

"Rừng" chung cư trên đường Lê Văn Lương làm tăng mật độ dân cư - Ảnh: QUANG THẾ

Tại cuộc họp báo chiều 1-7 do UBND TP Hà Nội tổ chức thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 2-2022, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi xung quanh kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng về đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị "băm nát".

Ông Phạm Quốc Tuyến, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, cho rằng Thủ tướng đã có quyết định giao Bộ Xây dựng thực hiện việc di dời các cơ quan ra ngoài thành phố, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Bộ Xây dựng có thông tin phản hồi cho biết, căn cứ Luật thủ đô 2013, Thủ tướng ban hành quyết định số 130 ngày 23-1-2015 về "biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND TP Hà Nội".

Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan trung ương), trình Thủ tướng phê duyệt, giám sát việc tổ chức thực hiện di dời theo quy hoạch.

Bộ Xây dựng: Nhiều lần đôn đốc di dời các cơ quan khỏi nội thành Hà Nội - Ảnh 2.

Ngột ngạt do "nhồi nhét" nhiều chung cư - Ảnh: QUANG THẾ

Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan trung ương thuộc đối tượng quy hoạch (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan trung ương các đoàn thể) để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể.

Bộ Xây dựng đã tổ chức "cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể khu trụ sở làm việc các bộ, ngành, trung ương" tại khu vực Tây Hồ Tây, từ đó đang chỉ đạo hoàn thiện đồ án quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành trung ương, dự kiến báo cáo Thủ tướng xem xét phê duyệt trong năm 2022.

Bộ này cho biết đã có văn bản nhiều lần đôn đốc các bộ, ngành trung ương và Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ được giao về việc di dời theo quy hoạch.

Trước đó ngày 6-6, Tuổi Trẻ Online có bài "Quy hoạch đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Hà Nội bị ‘băm nát’ thế nào?" đưa tin về kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và hàng loạt chủ đầu tư dự án có liên quan đến quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, TP Hà Nội.

Nội dung kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Đây là trục giao thông chính phía tây nam thủ đô Hà Nội, chạy qua địa bàn 4 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Việc cấp phép nhồi nhét loạt chung cư cao tầng bám sát hai bên đường đã dẫn tới tình trạng tắc đường triền miên trên trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu những năm qua.

Quy hoạch đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Hà Nội bị ‘băm nát’ thế nào? Quy hoạch đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Hà Nội bị ‘băm nát’ thế nào?

TTO - Cấp phép nhồi nhét chung cư cao tầng, vượt tầng, xây dựng sai phép tràn lan, không bố trí đủ đất trồng cây xanh, xây công trình công cộng... là những sai phạm điển hình “băm nát” quy hoạch hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, TP Hà Nội.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên