28/03/2021 17:19 GMT+7

Bộ trưởng Tô Lâm: 'Bảo vệ an ninh quốc gia là đảm bảo cuộc sống người dân'

N.AN
N.AN

TTO - Bảo vệ an ninh quốc gia là đảm bảo cho cuộc sống của người dân được an toàn, tự do, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh là hàng đầu.

Bộ trưởng Tô Lâm: Bảo vệ an ninh quốc gia là đảm bảo cuộc sống người dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giới thiệu chuyên đề 'Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia' - Ảnh: NK

Với chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia" tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chiều 28-3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình mới của an ninh toàn cầu đã làm thay đổi nhận thức mới.

Trước đây an ninh truyền thống là bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thì lần này ta xác định an ninh toàn cầu, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống. Vấn đề bảo vệ an ninh con người cũng được nêu ra, tức là mọi con người cần được bảo đảm an toàn, tự do.

"An ninh con người là trung tâm, là mục tiêu phấn đấu, đảm bảo cho sự phát triển chính trị, xã hội. Bảo vệ an ninh quốc gia là bảo đảm cho cuộc sống của người dân" - ông Tô Lâm nhấn mạnh.

Đại hội XIII đưa ra tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030, theo đó xác định định hướng nhiệm vụ quốc phòng với tầm nhìn dài hạn, nên để thực hiện mục tiêu an ninh con người thì việc xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh là hàng đầu.

Bởi theo Bộ trưởng Công an, nếu xã hội không có kỷ cương kỷ luật, tội phạm hoành hành, thì người dân mất niềm tin nên việc xây dựng kỷ cương là để tạo ra môi trường, lòng tin của người dân với Đảng, chế độ được củng cố.

Theo đó, văn kiện Đại hội XIII xác định các quan điểm chỉ đạo trong đó đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc. Xác định phương hướng là kiên trì với chủ nghĩa xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia gắn với an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng và xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh bên ngoài lãnh thổ.

Về kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh tinh thần chủ động phòng ngừa, chuẩn bị chủ động về mọi mặt, sẵn sàng giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, tính chiến đấu thường xuyên liên tục, gắn chặt xu thế hòa bình ổn định một cách bền vững.

Cụ thể, với phòng chống tội phạm phấn đấu giảm 5% tội phạm, không chỉ khám phá và vạch trần mà phải ngăn chặn tội phạm, xử lý nguy cơ, xung đột, mâu thuẫn trong từng làng, xã, không để mâu thuẫn xung đột là nguyên nhân cho tội phạm.

Chiến lược giải pháp thực hiện trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Công an, đảm bảo an ninh quốc gia là sự vững mạnh, trường tồn của Đảng. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước, là tổng thể các biện pháp xây dựng, củng cố tiềm lực, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại các hoạt động xâm phạm…

Phương châm chỉ đạo nhấn mạnh việc đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết các vụ việc phức tạp từ cơ sở, điều tra xử lý tội phạm phải kiên quyết, thận trọng, khách quan, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm và không để xảy ra oan sai…

Theo đó, những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra như tăng cường bảo vệ của Đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của người dân, bảo vệ vững chắc an ninh, chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…

Tránh tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị

Kết thúc 2 ngày làm việc của hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng.

Theo đó, có 5 vấn đề lớn được ông Nghĩa nêu ra là cần quán triệt sâu sắc ý kiến các chỉ đạo, nắm vững những quan điểm lớn, những nội dung cơ bản, nội dung mới và cốt lõi trong các văn kiện đại hội.

Tiếp tục tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ. Trong đó lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, đảm bảo hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện trên cơ sở có tính chiến đấu cao, thể hiện ý chí, quyết tâm khát vọng vươn lên. Gắn với tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước.

Các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu, lý luận chính trị bám sát nghị quyết và các văn kiện, xây dựng nội dung, cập nhật, bổ sung hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận sát với từng đối tượng. Gắn với đó là việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện thường xuyên.

Thượng tướng Phan Văn Giang: Biển Đông diễn biến căng thẳng, thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Thượng tướng Phan Văn Giang: Biển Đông diễn biến căng thẳng, thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo

TTO - Tình hình Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi cần phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài với chiến lược, sách lược mềm dẻo, đúng đắn.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên