28/10/2020 18:27 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ít thương vong nhờ chủ động di dời dân

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Chưa có cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh suốt 6-7 tiếng đồng hồ. Bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm nay 28-10, tốc độ gió như chúng ta đứng ở đây (Đà Nẵng - PV) là cấp 10, giật cấp 11-12, cho thấy sức tàn phá của cơn bão này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ít thương vong nhờ chủ động di dời dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: HỮU KHÁ

Chiều tối 28-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đã có trao đổi thông tin bước đầu về cơn bão số 9 và các biện pháp khắc phục, ứng phó với nước sông ở Quảng Ngãi đang dâng cao.

Khoảng 10 vạn ngôi nhà dân tốc mái

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bộ trưởng Cường nói: "Cơn bão số 9 đã chính thức hoành hành ở khu vực miền Trung, suốt từ Thừa Thiên Huế kéo dài vào Phú Yên, ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh thành Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và phía bắc Bình Định. Chưa có cơn bão nào mà thời gian lưu gió mạnh suốt 6-7 tiếng đồng hồ. Bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm nay 28-10, tốc độ gió như chúng ta đứng ở đây (Đà Nẵng - PV) là cấp 10, giật cấp 11-12, cho thấy sức tàn phá của cơn bão này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ít thương vong nhờ chủ động di dời dân - Ảnh 2.

Cây ngã trên đường Bạch Đằng (Đà Nẵng) - Ảnh: HỮU KHÁ

Đặc biệt, cơn bão này đi cùng với gió lớn trên quy mô rộng và mưa lớn kéo dài suốt từ tối hôm qua cho đến hôm nay. Có những nơi mưa trên 200mm liên tục. Thậm chí Quảng Ngãi cả tỉnh đều mưa to.

Khối lượng công việc chúng ta khẩn trương, tích cực ứng phó trong vòng 2 ngày là một công việc khổng lồ. Thứ nhất chúng ta đã chủ động tổ chức di dời dân ở vùng nguy hiểm tới 400.000 người ở 6 tỉnh trọng điểm. Ngoài ra kêu gọi tàu thuyền của ngư dân với 45.000 tàu với tổng số 300.000 lao động trên biển ngày lập tức vào bờ. Chúng ta phải tổ chức di dời ở 188.000 lồng bè và cả những thiết chế hạ tầng trên bờ, các hoạt động kinh tế của 6 tỉnh trọng điểm tạm thời đóng cửa vào tối hôm qua và ngày hôm kia.

Đó là một khối lượng công việc khổng lồ. Hiện số liệu thiệt hại về người chưa có ghi nhận thương vong. Tuy nhiên, có 2 tàu của Bình Định với 26 người hiện nay mất tích đang trên đường tránh bão. Với cơn bão này gây thiệt hại vô cùng lớn. Cho đến giờ phút này khoảng 10 vạn ngôi nhà dân, hạ tầng đã bị tốc mái hỏng hóc… Các thiết chế kinh tế, các công trình khác bị hư hại.

Đến giờ phút này, có thể nhận định rằng với một cơn bão đặc biệt nguy hiểm trong 20 năm nay xảy ra vào đúng vùng lũ chồng lũ nhưng với sự ý thức, trách nhiệm, cả hệ thống chính trị, toàn bộ người dân vào cuộc, thực hiện nghiêm túc từ ban chỉ đạo từ trung ương đến ban chỉ huy cấp địa phương nên thiệt hại đã giảm đến mức tối thiểu. Do đó chúng ta có được kết quả ban đầu thấp tỉ lệ thiệt hại con người. Đây là vốn quý nhất, còn lại của cải vật chất tới đây chúng ta sẽ có đánh giá sát hơn. Chúng tôi cho rằng cơn bão này chúng ta đã ứng phó đồng bộ và đã có những kết quả bước đầu.

Di dời tiếp người dân ở hạ du để tránh lũ

* Theo ông, những việc làm tiếp theo là gì để khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lớn có thể gây ra lũ lịch sử sau bão?

- Hoàn lưu bão gây gió rất lớn, cấp 9, cấp 10, thậm chí tâm điểm còn cấp 11. Bão còn hoạt động nhiều giờ nữa, thậm chí cả đêm hôm nay. Do đó, công tác an toàn cho người dân sơ tán với 400.000 dân là biện pháp hàng đầu. Chúng ta đảm bảo đời sống cho dân, an toàn, không bị ảnh hưởng rủi ro.

Thứ hai toàn bộ tàu thuyền đã neo trú trong khu neo đậu thì phải đảm bảo an ninh, an toàn. Nếu như sơ sẩy thì lại xảy ra rủi ro, thậm chí chìm tàu ngay khu neo đậu của chúng ta. Thứ 3 là việc nảy sinh bức xúc nhất hiện nay là lũ các sông, đặc biệt là sông Vệ (Quảng Ngãi) đã lên trên báo động 3. Những giờ tới tiếp tục lên cao thậm chí lên trên báo động 3 là 1m.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ít thương vong nhờ chủ động di dời dân - Ảnh 3.

Nhà anh Phạm Lăng, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sập hoàn toàn sau bão - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vậy công tác tập trung số 1 ứng phó là di chuyển di dời tiếp người dân ở hạ du ở lưu vực Nam Trung Bộ để đảm bảo an toàn. Công việc này phải tiến hành khẩn trương, ngay từ giờ phút này. Thậm chí trong đêm để không xảy ra thương vong. Cùng với đó, gió vẫn rất lớn nên vẫn tập trung công tác ứng phó để tất cả những cơ sở hạ tầng chung, từ nhà dân, công trình phúc lợi, công trình nhà nước cố gắng đảm bảo đến mức an toàn cao nhất.

Bên cạnh đó, khu vực Tây Nguyên còn tiếp tục mưa lớn, gió lớn do vậy phải nêu cao cảnh giác với phương châm 4 tại chỗ. Chứ nếu không thiệt hại của Tây Nguyên sẽ không kém phần so với miền Trung. Chúng ta phải tập trung vận hành các hồ chứa, vận hành một cách khoa học, chặt chẽ vì hiện nay vẫn còn tiếp tục gây mưa trong 1-2 ngày tới.

Đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ, đây là khu vực hệ thống hồ của chúng ta về thủy điện, thủy lợi đã đầy nước và tổn thương, hư hỏng qua 3 đợt lũ vừa rồi. Vùng Nam Trung Bộ, ví dụ như Quảng Ngãi thì các sông ở lưu vực rất đầy. Hệ thống hồ cũng đầy nếu xảy ra vấn đề gì nữa thì dễ gây ra hậu quả khôn lường với vùng này.

Chúng ta phải đồng bộ, không chủ quan, công tác ứng phó phải tiếp tục đến khi nào bão hoàn thành. Sau đó, chúng ta tập trung tái thiết, phục hồi.

Nhà dân, cây xanh, cột điện... ven quốc lộ 1 xơ xác sau bão số 9 Nhà dân, cây xanh, cột điện... ven quốc lộ 1 xơ xác sau bão số 9

TTO - Cơn bão số 9 đi qua, nhiều nhà dân, nhà xưởng... ven quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi bị gió quật xơ xác. Hàng loạt nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh, cột điện bị bật gốc, gãy đổ...


HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên