Bộ trưởng Nguyễn Quân trao đổi với học sinh, sinh viên sáng 12-10 - Ảnh: Trần Huỳnh |
Bộ trưởng cho rằng năng suất lao động của VN hiện nay chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/15 của Singapore, nếu không có khoa học công nghệ chắc chắn chúng ta sẽ còn giữ mãi khoảng cách rất xa với các nước trong khu vực.
Bốn vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Quân giải đáp:
Tại sao lại là khoa học công nghệ?
Đối với các quốc gia đang phát triển, còn nghèo, trong đó có VN thì khoa học công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Không có khoa học công nghệ chắc chắn năng suất lao động sẽ rất thấp.
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế, nhất là sau khi VN trở thành thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, khoa học công nghệ chắc chắn giữ vai trò rất quan trọng để chúng ta có thể cạnh tranh với các nước phát triển trong TPP, với những quốc gia hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore.
Nếu không phát triển khoa học công nghệ chắc chắn chúng ta sẽ không thể hội nhập thành công, hàng hóa của VN không thể có chất lượng cao, giá thành hạ để cạnh tranh với hàng hóa các nước.
Những người làm khoa học VN có trách nhiệm lịch sử cùng với toàn dân đưa nước ta phát triển. Điều đó khẳng định một lần nữa vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Khoa học công nghệ VN đang ở đâu?
Chúng ta là nước nghèo mới thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người dưới 4.200 USD, trên 2.000 USD). Đầu tư cho khoa học công nghệ của VN còn rất khiêm tốn vì chúng ta là nước nghèo.
Hằng năm Nhà nước dành cho khoa học công nghệ 2% tổng chi ngân sách quốc gia (tương đương 0,5% GDP quốc gia). Nếu nói con số tương đối chúng ta tương đương với các nước trên thế giới, các nước phát triển nhất cũng chỉ dành 0,5-0,6% GDP quốc gia cho khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, chúng ta đang ở thứ hạng rất thấp bởi vì GDP quốc gia VN chưa đạt 200 tỉ USD, 0,5% GDP quốc gia mới chỉ tương đương khoảng 1 tỉ USD. Trong khi các nước trong khu vực con số này lớn hơn rất nhiều.
Hàn Quốc có dân số chỉ bằng một nửa VN nhưng năm 2013 họ dành 4,3% GDP quốc gia cho khoa học công nghệ, GDP của nước này là 1.200 tỉ USD. Như vậy mỗi năm Hàn Quốc dành khoảng 50 tỉ USD cho khoa học công nghệ, mỗi người dân Hàn Quốc dành 1.000 USD cho khoa học công nghệ, còn VN chỉ hơn 10 USD.
Nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ còn vô cùng khiêm tốn. Mặc dù mức đầu tư còn rất thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, không có chế độ đãi ngộ đặc biệt (duy nhất ngành khoa học công nghệ không có phụ cấp). Những người làm khoa học công nghệ VN đã vượt qua chính mình.
Nếu so sánh mặt bằng chung các nước có thu nhập trung bình thấp (năm nay trên thế giới có 31 quốc gia), với mức 2.200 USD gần như VN thấp nhất trong số 31 quốc gia này nhưng chúng ta xếp thứ 2/31 về năng lực đổi mới sáng tạo, về trình độ phát triển khoa học công nghệ và đứng thứ ba trong ASEAN. Đây là con số đáng mừng nhưng để giữ vững vị trí này là thách thức với các nhà làm khoa học.
Chúng ta còn nhiều yếu kém, trong đó có ba yếu kém lớn nhất:
Thứ nhất, đầu tư vào cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Chúng ta rất thiếu phòng thí nghiệm hiện đại, thiếu những viện nghiên cứu, trường ĐH nghiên cứu.
Thứ hai, chúng ta thiếu đội ngũ nhân lực trình độ cao, có khoảng trống giữa các thế hệ làm khoa học.
Thứ ba, số lượng sản phẩm khoa học công nghệ rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực (các bằng sáng chế, các bài báo trên các tạp chí uy tín ISI). Chúng ta sẽ tăng cường đầu tư để có những sản phẩm khoa học ngang với khu vực và thế giới.
Trụ cột đổi mới khoa học công nghệ?
Đổi mới khoa học công nghệ dựa trên ba trụ cột.
Đầu tiên đổi mới đầu tư, huy động nguồn đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ để có đủ nguồn lực phát triển khoa học công nghệ với tỉ lệ phấn đấu tới năm 2020 sẽ có 2% GDP quốc gia (năm đó GDP VN vượt qua 300 tỉ USD) với 6 tỉ USD dành cho khoa học công nghệ (60 USD/đầu người).
Bên cạnh đó, Luật khoa học công nghệ bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước dành ít nhất 3% và tối đa 10% lợi nhận trước thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ.
Các danh nghiệp ngoài nhà nước cũng phải dành một phần lợi nhuận như doanh nghiệp nhà nước cho khoa học công nghệ. Nếu như 111 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc Luật khoa học công nghệ chắc chắn chúng ta có hơn 2 tỉ USD dành cho khoa học công nghệ.
Trụ cột thứ hai là đổi mới cơ chế tài chính. Đây là nút thắt lớn nhất, khó nhất đối với những người làm khoa học. Nhiều nhà khoa học nói với chúng tôi thời gian làm hóa đơn chứng từ nhiều hơn thời gian làm đề tài. Nhiều người rất khốn khổ vì thủ tục thanh quyết toán đề tài nghiên cứu.
Trụ cột thứ ba là chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ khoa học. Nghị định 40 của Chính phủ tháng 5-2014 đã tạo cơ chế và chính sách mới.
Trong đó giao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, tập trung ưu đãi ba đối tượng chính: các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao đề tài cấp quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng. Nếu thực hiện tốt cơ chế đãi ngộ này tôi tin rất nhiều nhà khoa học sẽ có những sản phẩm khoa học xứng tầm đóng góp cho nền khoa học công nghệ của đất nước.
Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta đứng trước cơ hội vô cùng lớn và cũng là thách thức khi hội nhập toàn diện với nền kinh thế giới.
Chúng ta cần nhìn thấy mặt trái của các hiệp định thương mại tự do và những thách thức. Nước ta có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP với tư duy quan liêu bao cấp đè nặng không dễ thay đổi.
Trong mấy năm tới việc đầu tiên là chúng ta phải đổi mới tư duy triệt để, phải có tư duy quản lý khoa học công nghệ, tư duy nghiên cứu khoa học công nghệ là tư duy của kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế.
Chúng ta không thể nghiên cứu như từ trước đến nay, không thể làm khoa học theo cách vẫn làm từ trước đến nay. Phải từ bỏ tư duy lợi ích của cá nhân, của nhóm, của ngành là điều không dễ dàng.
Làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người làm khoa học để họ tự do sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có thu nhập từ nghiên cứu, từ tài sản trí tuệ của họ. Chứ không phải như hiện nay họ chỉ sống bằng tiền lương cơ bản, không có phụ cấp, kết quả nghiên cứu không bán được. Tư duy đánh giá hoạt động khoa học công nghệ bằng hiệu quả chứ không phải bằng chứng từ.
Ba cơ chế đổi mới Một là cơ chế đặt hàng để cho các đề tài nghiên cứu xong không bị bỏ vào ngăn kéo. Người nào đặt hàng nghiên cứu phải chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu và tổ chức ứng dụng vào đời sống, sản xuất. Các cơ quan đặt hàng phải đủ nguồn lực, quyền lực để khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu thì ứng dụng được, đầu tư tiếp tục cho nó để trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ xã hội. Hai là cơ chế khoán chi. Các nhà khoa học khi bàn giao cho nhà nước sản phẩm nghiên cứu của mình đúng với hợp đồng đã ký kết thì nhà nước cho thanh quyết toán, thanh lý hợp đồng mà không cần các chứng từ… Ba là cơ chế quỹ. Với cơ chế này, hệ thống từ quỹ quốc gia đến quỹ các bộ ngành, tỉnh thành các đề tài sẽ được cấp kinh phí ngay sau khi được phê duyệt, ký hợp đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận