19/11/2023 09:56 GMT+7

Bỏ tiền làm cải lương để 60 tuổi vẫn được đóng bà hoàng tuổi 20

NSƯT Lê Tứ từng tâm sự: "Nghệ sĩ cải lương yêu nghề giờ muốn có vai diễn trọn vẹn, đầy đủ nội tâm để mong rèn nghề, đa số phải xúm vào tự bỏ tiền làm vở. Nói cách khác phải bỏ tiền túi để được làm nghệ thuật".

Vở Cô đào hát của sân khấu cải lương mới Đại Việt, một sân khấu luôn được đánh giá cao vì cố gắng dàn dựng những vở diễn nghệ thuật nghiêm túc, chất lượng - Ảnh: LINH ĐOAN

Vở Cô đào hát của sân khấu cải lương mới Đại Việt, một sân khấu luôn được đánh giá cao vì cố gắng dàn dựng những vở diễn nghệ thuật nghiêm túc, chất lượng - Ảnh: LINH ĐOAN

1. Điều Lê Tứ nói không phải cá biệt mà là thực trạng chung trong tình hình hoạt động biểu diễn của nhiều loại hình, đặc biệt là cải lương, vẫn còn nhiều khó khăn. Hai năm gần đây, sàn diễn cải lương có phần nóng hơn với nhiều suất diễn cháy vé.

Có thể kể như sô diễn của Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long, sân khấu Chí Linh - Vân Hà, đoàn Vũ Luân... Thế nhưng xét kỹ lại thì mỗi đoàn cũng chỉ dám một, hai tháng diễn một suất, hoặc chịu chơi hơn thì một tháng hai suất.

Chưa đoàn nào có khả năng diễn định kỳ hằng tuần. 

Các suất diễn cháy vé nhiều khi vẫn nghiêng về giải trí, khai thác tuồng Tàu để bán được nhiều vé, có cơ hội tái đầu tư. Nhiều đoàn làm vở nghiêm túc hầu hết lỗ... sặc gạch.

Nghệ sĩ Chí Linh của đoàn Chí Linh - Vân Hà với nhiều vở diễn được khen cũng hụt một vở từ 5-10 triệu. 

Nghệ sĩ Trường Giang của sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang cho biết mỗi lần muốn dựng vở là anh chuẩn bị tinh thần lỗ khoảng 40 triệu.

Sân khấu cải lương mới Đại Việt dựng vở nào cũng được khen, mà vở nào thu cũng không đủ bù chi. Có vở bù tới 150 triệu đồng. Sàn diễn cải lương khó khăn nhưng thực tế một số ngôi sao cải lương rất... giàu.

Bởi họ chỉ cần chạy một sô ca lẻ đã có thể kiếm vài chục triệu. Trong khi tập một vở cải lương mất cả tháng, diễn chừng 1, 2 đêm, cát sê thì ít ỏi.

Thế nhưng, nghệ sĩ có lòng với nghề thì biết chạy sô ca lẻ chỉ kiếm tiền, họ không nỡ nhìn nghề bị mai một vì không có nổi vai diễn nhiều chiều để khai thác, phát huy khả năng.

2. Ở mặt khác, cũng có một số người tự bỏ tiền dựng vở. Không chỉ nghệ sĩ cải lương, còn là doanh nhân mê cải lương, người từng tham gia nghệ thuật nhưng không nổi bật, giờ có chút tiền đổ ra làm vở.

Và hầu hết đã bỏ tiền dựng vở là họ phải đóng vai chính bất chấp khả năng, bất chấp tuổi tác, bất chấp ngoại hình... Bởi thế, nhiều người làm nghề và khán giả dở khóc dở cười với một cặp vợ chồng ở tuổi 60 nhưng làm vở nào cũng đóng chính.

Người chồng vào vai vua nhưng không có kinh nghiệm đóng cổ trang, tay chân thừa thãi, chẳng chút phong thái. Ở tuổi 60, người vợ vẫn vào vai bà hoàng ở tuổi ngoài 20.

Có cảnh bà hoàng quỳ xuống bên cạnh vua mà đứng lên mấy lần không nổi vì có lẽ khớp gối người già. Xem vở mà khán giả ngán ngẩm vì phải... tưởng tượng nhiều quá.

Ngộ là những người này đi đâu cũng tự đặt mình "vị trí bề trên", cho rằng mình đang đóng góp để vực dậy sàn diễn. Câu cửa miệng là "Tôi yêu nghệ thuật".

Thế nhưng yêu kiểu đó chỉ là yêu bản thân vì họ làm vở chỉ cốt để tôn vinh mình để sàn diễn chịu hậu quả của những sản phẩm cẩu thả, hời hợt.

Trong khi một số người đang cố gắng làm nghề tử tế để lấy lại niềm tin của công chúng thì những vở diễn, những người mang danh "làm nghệ thuật" trà trộn như thế này có thể làm hại sân khấu.

Bởi có khán giả xem vở của họ về đã cảm thán: "Nghe quảng cáo vở đoạt huy chương này, huy chương kia vậy mà vô coi thất vọng. Vở nhạt nhẽo. Nghệ sĩ hết người sao cứ đưa "người già" vào đóng công chúa, hoàng hậu xinh đẹp. Cứ vầy, sân khấu chết là đúng rồi".

Đừng thấy khán giả đông mà tưởng cải lương sống!Đừng thấy khán giả đông mà tưởng cải lương sống!

Đó là lời cảm thán của nghệ sĩ Bạch Long trong tọa đàm "Vai trò của cải lương tuồng cổ TP.HCM từ 1975 đến nay" - do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức vào sáng 27-9.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên