26/10/2019 11:55 GMT+7

Bỏ thắp hương, được không?

TẤN KHÔI - HỮU TÌNH thực hiện
TẤN KHÔI - HỮU TÌNH thực hiện

TTO - Thượng tọa Thích Nhật Từ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - vừa tư vấn trên mạng rằng thay vì đốt hương gây ô nhiễm, phật tử, người có tín ngưỡng có thể dùng nhang điện thay thế.

Bỏ thắp hương, được không? - Ảnh 1.

Nhang được thắp liên tục tại chùa Bà Thiên Hậu, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thượng tọa chia sẻ: "Theo tôi, việc nguyện cầu điều thiện lành là nhu cầu, là điều không thể thiếu trong thực hành tâm linh, là ước nguyện chân thành làm tăng trưởng tâm từ - cần được giữ gìn. Tuy nhiên, không nhất thiết là phải gửi cùng khói hương, không nặng về hình thức phải có hương mới thành tựu, mà quan trọng hơn - chúng ta cần gửi cùng cái tâm thanh tịnh, còn gọi là tâm hương".

* Có ý kiến cho rằng việc thắp một nén nhang dâng Phật là cách giao cảm tâm linh, là nét đẹp. Một số tôn giáo khác khi vào Việt Nam cũng thuận theo văn hóa này mà có sự tiếp biến, thượng tọa nghĩ sao về điều này?

- Do nhu cầu thích mùi thơm của người thắp hương nên tạo ra một nguồn cung hương thơm theo thị hiếu mà bất chấp ảnh hưởng về sức khỏe, môi trường. Nếu thắp một cây thì không sao, nhưng thắp nhiều thì gây ô nhiễm môi trường, không tốt cho sức khỏe con người.

Thấy tác hại đó, tôi kêu gọi thay vào thắp hương khói thì thắp tâm hương, tay chắp lên, mặt hướng về Đức Phật, ông bà, các vị có công dâng tấm hương lòng. Khi đó, không gian thờ cũng sạch sẽ hơn, không có khói bụi. Bên cạnh đó, trên bàn thờ cũng có trang trí hương điện tử (tức là thay từ hương khói sang hương điện tử) thì ý nghĩa hương vẫn không mất đi.

Bỏ thắp hương, được không? - Ảnh 2.

Thượng tọa Thích Nhật Từ

* Nếu thắp hương cũng là một văn hóa - chỉ bị biến tướng khi người ta lạm dụng đốt cả bó, hoặc trở nên không an toàn do hương hóa chất - thì việc cần bàn ở đây phải là ý thức thắp hương trong chùa, các nơi thờ tự, ở nhà, cũng như việc kiểm định chất lượng hương trên thị trường, chứ không phải là bỏ hẳn văn hóa này?

- Nhấn mạnh là tôi không đề nghị bỏ hẳn văn hóa thắp hương, mà cần thay thế thắp hương khói bằng thắp hương tâm. Thiết nghĩ tới cửa Phật chủ yếu là dâng tâm hương.

Người dân và phật tử khi đến chùa, thấy trên lư hương đã có hương rồi thì không nên thắp thêm, chỉ chắp tay bái. Nếu chưa có hương và muốn thắp thì chỉ thắp một nén và thắp đúng chỗ. Nhiều người để yên tâm, tới chùa mua bó nhang rồi thắp hết cả bó đó dâng Phật, làm không gian chùa chiền bị ô nhiễm khói hương. Do vậy, tôi cho rằng không nên phí phạm tiền mua hương kiểu đó, dùng số tiền đó để làm phật sự và các hoạt động nhân đạo thì tốt hơn, lợi lạc hơn...

Tác động đến sức khỏe

Theo TS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

(TP.HCM), hiện trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu các loại nhang với nhiều hình thái và mùi thơm khác. Theo đó, nhang có mùi càng thơm thì tác hại càng cao vì chứa nhiều thành phần hóa học và các chất gây hại cho cơ thể mà chúng ta chưa biết hoặc xem thường.

Với những loại nhang có tàn trắng như vôi, như tuyết được làm bằng bột đá vôi (CaCO3) dùng trong xây dựng. Bên cạnh đó, chúng còn được tẩm acid phosphoric (H3PO4) để que nhang cuốn tàn cong đẹp sau khi cháy hết.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhiên - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng TP (TP.HCM) - cho biết trung bình sẽ mất 50-90 phút để đốt một cây nhang. Việc đốt nhang sẽ phát ra khói có chứa các hạt vật chất, các sản phẩm khí cùng các hợp chất hữu cơ khác gây ô nhiễm không khí, bệnh đường thở và các vấn đề sức khỏe. Khi hít phải chất ô nhiễm khói, chúng gây ra rối loạn chức năng đường thở, nguy cơ làm tăng nồng độ IgE trong máu cuống rốn và được chỉ định gây viêm da tiếp xúc dị ứng.

XUÂN MAI

* PGS.TS Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam):

Thắp hương là một nét văn hóa truyền thống

Tôi cho rằng thắp hương là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Nén hương luôn được xem là nén tâm nhang, phương tiện kết nối giữa đời thực và thế giới tâm linh nên luôn được người Việt coi trọng. Những ước vọng tốt đẹp đều được người Việt gửi đến thế giới của tổ tiên, thánh thần thông qua sự liên kết của làn hương khói. Đấy là quan niệm ngàn đời của người dân, dù đúng hay sai đều cần phải được tôn trọng. Chưa kể việc sản xuất hương là một nghề truyền thống, đang nuôi sống rất nhiều lao động ở các địa phương. Chính vì lẽ đó, nếu ai có ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ hình thức thắp hương là ý kiến không phù hợp, cả ở phương diện văn hóa, xã hội và kinh tế.

Tất nhiên, bất kỳ một hành động nào cũng có mặt phải, mặt trái, tích cực, tiêu cực, nhưng không phải vì những yếu tố tiêu cực mà phủ nhận yếu tố tích cực. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh để hạn chế yếu tố tiêu cực, phát huy yếu tố tích cực.

* Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế):

Nên có quy định về việc thắp hương

Hiện tượng thắp hương tràn lan, đặc biệt tại các địa chỉ tâm linh ở các tỉnh phía Bắc như hiện nay là không hay, khiến không gian không trong lành, thậm chí khiến buổi lễ không còn trang trọng.

Có nhiều nơi như ở Huế, người ta đến chùa chiền, lăng tẩm không để thắp hương, mà để vãn cảnh, tham quan. Như chùa Thiên Mụ, thông thường mọi người đến đây chỉ cần bỏ dép bên ngoài đại điện và vào lễ Phật bằng cách quỳ xuống vái lạy tượng Phật để bày tỏ sự tôn nghiêm, chứ không hề thắp hương.

Việc thắp hương đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, nên nếu cấm thắp hương là hoàn toàn không khả thi. Tuy nhiên, dù không cấm được nhưng nếu có sự hướng dẫn, có những quy định cụ thể về việc thắp hương ở các địa chỉ tâm linh, tôn giáo thì hoàn toàn có thể hạn chế được việc thắp hương tràn lan, dẫn đến ô nhiễm không gian như hiện nay. Ở Huế, việc này đã được thực hiện và mang lại hiệu quả khá tốt.

T.ĐIỂU - N.LINH ghi

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam):

Nên hạn chế và kiểm soát chất lượng hương

tran dinh son

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn

Việc thắp hương khởi đầu từ người Ấn Độ, khi hành lễ cúng bái người ta dùng các loại gỗ có hương thơm rồi xông như kiểu xông trầm cùng một số loại lễ vật khác. Khi sang Trung Quốc thì kiểu ấy dần được cải biến thành cây hương để thắp như hiện nay.

Tiếp thu từ Trung Quốc, rất lâu đời rồi, người Việt đã coi hương là một lễ vật vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong hành lễ cúng bái từ chùa, đình, đền miếu đến tư gia... Hương, theo đó, đã trở thành lễ vật không thể thiếu. Thắp hương, theo đó, đã trở thành nghi lễ chính thức của cả dân tộc, gần như là quốc tục.

Còn nhớ trong lịch sử, khi truyền đạo Công giáo sang Việt Nam, người Tây phương thực hiện theo đúng giáo thuyết không thắp hương đã gặp phản ứng rất gay gắt trong nhiều cộng đồng, nhiều giới, đặc biệt là các bậc thông Nho. Sự trở ngại rất lớn trong việc truyền giáo ấy dần dà đã được cải biến, gần đây phía Công giáo cũng đã cho phép tín đồ thắp hương trong thờ cúng tổ tiên ông bà rồi.

Theo tôi, hương đã là văn hóa, không chỉ là phương tiện mà còn là lễ phẩm nữa, cho nên dẹp bỏ việc thắp hương sẽ rất khó được chấp nhận, thậm chí phản ứng mạnh mẽ: trong hành lễ sẽ bị cho là mất đi ý nghĩa tôn kính khi thiếu lễ vật mang tính truyền thống để tỏ lòng thành; trong cơ sở thờ tự sẽ mất đi điểm nhấn quan trọng bậc nhất, cũng là mất đi sự tôn nghiêm nếu không còn bát hương quen thuộc tồn tại từ ngàn đời...

Vấn đề ở đây, theo tôi, không nên đặt vấn đề dẹp bỏ, mà hãy nên tìm cách hạn chế và kiểm soát nó. Để cúng dường trong các chùa, người nhà chùa chỉ nên thắp 3 cây hương tượng trưng cho tam bảo. Ở các đền miếu và bàn thờ tổ tiên tại tư gia, thủ từ và gia chủ chỉ nên thắp 4 cây tượng trưng cho tứ ân phụng thờ... Chỉ nên chọn loại hương có nguồn gốc từ tự nhiên, từ các loại thảo mộc có thể đắt tiền hơn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe; hoàn toàn không nên dùng các loại hương làm bằng hóa chất độc hại ít tiền đang được bán tràn lan. Người đến lễ chùa, đền miếu nếu có đem lễ vật, bao gồm cả hương thì hãy nên để lại cho cơ sở thờ tự điều tiết việc thắp hương, chứ không nên tự mình đốt cả bó khói um mù mịt rất có hại cho sức khỏe như thường thấy hiện nay.

Như thế, trước thực trạng thắp hương tùy tiện, ngột ngạt, mịt mù, độc hại và gây nguy cơ cháy nổ thì nên làm gì? Theo tôi, cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước, đại diện các tôn giáo và các cơ sở thờ tự... Về phía Nhà nước, việc kiểm soát chất lượng hương, tránh sự độc hại làm tổn hại đến sức khỏe của người dân là việc rất cần làm. Đồng thời có sự ngồi lại với đại diện các tôn giáo, các nhà nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn kèm theo những cảnh báo cần thiết liên quan đến việc thắp hương gửi đến các cơ sở thờ tự và tuyên truyền rộng khắp trong xã hội. Về phía các chùa, đền miếu rất nên hướng dẫn, thậm chí nhắc nhở các tín đồ trong việc thắp hương hành lễ thế nào cho đúng, hợp lý. Công việc này ban đầu có thể bắt gặp một vài phiền toái, nhưng lâu dần sẽ thành nếp, thành thói quen...

THÁI LỘC ghi

Đốt nhang, cháy rừng Ngự Bình Đốt nhang, cháy rừng Ngự Bình

TTO - Vào khoảng 9g30 sáng nay 26-6 đã xảy ra một vụ cháy rừng thông cảnh quan núi Ngự Bình, một thắng cảnh nổi tiếng tại Huế.

TẤN KHÔI - HỮU TÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên