30/10/2013 15:11 GMT+7

Bổ sung 24 ngàn tỉ đồng làm đường Hồ Chí Minh từ vốn trái phiếu Chính phủ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 cho việc thông tuyến hai làn xe đường Hồ Chí Minh là hơn 103.682 tỉ đồng. Do vậy, Chính phủ đề nghị bổ sung 24.003 tỉ đồng cho dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

mWwvMs2J.jpgPhóng to
Nhiều gói thầu đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên phải dừng thi công do chưa bố trí được vốn - Ảnh: NGUYỄN CHUÔNG

Sáng 30-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng (thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ) đã trình Quốc hội tờ trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trong báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, với đề xuất tăng tổng chiều dài toàn tuyến lên 3.183km (tăng 16 km, trong đó tuyến chính điều chỉnh giảm 168 km, nhánh Tây tăng 184 km) Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường nhận thấy việc điều chỉnh chiều dài của tuyến về cơ bản không làm thay đổi tính chất của dự án và sai số chỉ là 0,5% là có thể chấp nhận được.

Về vốn đầu tư: theo các số liệu kèm theo tờ trình của Chính phủ, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến 2 làn xe (bao gồm cả việc hoàn thành một số đoạn cao tốc và xây dựng cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh) là khoảng 103.682 tỉ đồng. Đến nay mới bố trí được 40.763 tỉ đồng, còn thiếu 62.919 tỉ đồng, trong đó huy động theo hình thức BT là 22.700 tỉ đồng, BOT là 16.216 tỉ đồng. Như vậy còn thiếu 24.003 tỉ đồng, Chính phủ đề nghị bố trí bổ sung từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường nhận thấy việc xác định các nguồn vốn nêu trên là tương đối rõ và là điều kiện quan trọng để đảm bảo thực hiện thông tuyến như kiến nghị điều chỉnh. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư và nhu cầu vốn cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 là rất lớn, nên tính cả vốn cho việc thực hiện các dự án đường ngang kết nối với đường Hồ Chí Minh thì yêu cầu về vốn là một thách thức không nhỏ cần được cân nhắc kỹ.

Để phù hợp với khả năng bố trí vốn trái phiếu Chính phủ từ nay đến năm 2016, Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường nhất trí ưu tiên hoàn thiện đoạn qua Tây nguyên (quốc lộ 14) với số vốn khoảng 10.000 tỉ đồng. Khoảng 14.000 tỉ đồng sẽ được bố trí tiếp sau năm 2016 để hoàn thành các đoạn, tuyến còn lại.

Theo Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, chất lượng một số đoạn, tuyến của dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn nên dễ bị xuống cấp, sạt lở. Một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm yêu cầu thoát lũ... Việc quy hoạch và thực hiện dự án mới chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đường, chưa chú trọng phát huy hiệu quả tổng hợp. Hiệu quả khai thác ở một số đoạn, tuyến đến nay chưa cao, lưu lượng xe vận tải còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, đo đạc đất đai giải phóng mặt bằng thiếu chính xác, thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh liền kề, giữa địa phương và Ban quản lý dự án. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của người dân khi phải di dời để lấy mặt bằng thi công, dẫn đến tình trạng nhân dân khiếu kiện kéo dài, thậm chí ngăn cản không cho nhà thầu thi công.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên