Bỏ đề xuất xử phạt xe không chính chủHà Nội sẽ phạt xe không chính chủ từ 15-4Hướng dẫn đăng ký xe đã chuyển nhượng qua nhiều người
Phóng to |
Người dân làm thủ tục sang tên đổi chủ ôtô tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo nghị định 71 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 34/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chủ xe môtô, xe máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện bị phạt tiền 800.000-1,2 triệu đồng, với chủ ôtô mức phạt 6-10 triệu đồng. Nhưng dự thảo của nghị định để thay thế nghị định 71 và các nghị định khác có liên quan đã bỏ quy định trên.
Theo một thành viên ban soạn thảo, bỏ quy định trên vì có 10 bộ, cơ quan ngang bộ, 16 địa phương, 5 tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp đồng thuận với đề nghị không quy định xử phạt với hành vi không chuyển nhượng quyền sở hữu xe.
Quy định hiện hành về đăng ký xe chưa xác định rõ việc chuyển quyền sở hữu thuộc trách nhiệm của ai (người cho, tặng hay người được cho, tặng; người bán hay người mua) nên khó xác định đối tượng xử phạt, là kẽ hở nảy sinh lạm dụng trong việc thi hành công vụ.
Dự thảo nghị định cũng không quy định xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm (MBH) không đạt chuẩn, mũ nhái. Lý do là Luật giao thông đường bộ chỉ quy định người đi môtô, xe máy phải đội MBH, còn việc sản xuất, buôn bán MBH giả, nhái, kém chất lượng thuộc vi phạm về chất lượng hàng hóa nên cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý ở khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh để ngăn chặn từ gốc.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định đã bỏ quy định phạt chủ xe “không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định” (nghị định 71 hiện quy định phạt chủ xe môtô, xe máy 800.000-1,2 triệu đồng, chủ ôtô 6-10 triệu đồng cho hành vi trên). “Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng việc đóng phí cho xe thuộc quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Vì vậy việc không mua phí, không nộp phí sẽ được xử lý theo các quy định trong lĩnh vực phí và lệ phí” - một thành viên ban soạn thảo giải thích.
Một điểm mới trong dự thảo là quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân và 6-10 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) trên xe, hoặc gắn nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định.
Dự thảo lần này vẫn giữ quy định phạt tiền lái xe 2-3 triệu đồng nếu điều khiển xe kinh doanh vận tải không gắn hộp đen hoặc gắn nhưng không hoạt động. Liên quan đến quy định này, ông Nguyễn Văn Thuấn - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT - đơn vị chủ trì xây dựng nghị định) - cho biết việc xử phạt chủ xe không đảm bảo các quy định về an toàn của xe là cần thiết.
Còn với lái xe vẫn phải chịu phạt vì khi điều khiển xe, lái xe phải có trách nhiệm kiểm tra xem chiếc xe đó có đảm bảo an toàn kỹ thuật không, các thiết bị có hoạt động đúng chức năng chưa. Nếu xe chưa đảm bảo an toàn, các thiết bị trên xe chưa đảm bảo yêu cầu thì lái xe có quyền từ chối lái chiếc xe đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận