09/08/2016 15:23 GMT+7

Bỏ quá khứ "nhiễm HIV" lại phía sau, cuộc đời còn phía trước

VŨ THỦY - TIẾN LONG
VŨ THỦY - TIẾN LONG

TTO - Người ta thường nghĩ, nhiễm HIV đồng nghĩa với cái chết, là cuộc đời mong manh chỉ còn sống cho qua ngày chờ lúc nằm xuống.

Người làm công đã về hết, chị B.H và ông xã đang chăm cho số heo còn lại chờ xuất trại - Ảnh: VŨ THỦY

Nhưng chị L.T.B.H (31 tuổi, quê Lâm Đồng) vẫn đang sống những ngày tháng đầy yêu thương và khát vọng sống ở trang trại chăn nuôi do chính cô gầy dựng sau những ngày tháng điêu đứng vì trót mang hai chữ “nhiễm HIV”.

Cô gái nhiễm HIV và trang trại yêu thương

Chị từng một cô gái ngỗ nghịch ở tuổi mới lớn. 17 tuổi buồn chán vì bố mẹ lo làm ăn, hay cãi vã, bỏ học lên Sài Gòn học làm tóc để rồi sa vào hút, chích. Chị không biết mình nhiễm HIV từ bao giờ, cũng không biết HIV là gì dù nhiều bạn bè lần lượt chết mà chẳng rõ lý do.

Gần 8 năm trời, chị sống không biết tới ngày mai, vùi tuổi trẻ của mình trong cơn say ma túy - những thứ mà đã sa vào thì cầm chắc không có lối thoát cho đến ngày mẹ chị mắc bệnh nặng. Trước đó, bà đã tìm đủ cách, từ trói, xích chân tay, chị vẫn trốn vào Sài Gòn. Ngày bà vào nhập viện cấp cứu ở Chợ Rẫy, chị nuôi mẹ nhưng vẫn tìm ma túy. Chỉ đến khi vào phòng mổ bà dặn dò: “Nếu mẹ vào mà không ra nữa thì mẹ chỉ mong một điều là con bỏ ma túy đi. Mẹ chỉ mong con hạnh phúc…”. “Tôi đã hứa”, mắt chị rơm rớm nhớ lại khoảnh khắc cầm tay mẹ. Điều mà mẹ mong mỏi nhất thì chị đã làm được. Chị không còn nghiện nữa - đoạn tuyệt với quá khứ.

Cuộc đời cũng mở vòng tay khi chị gặp lại người bạn học ở quê nhà. Đám cưới như trong mơ. Hai tháng sau chị mang bầu. Những ngày bầu bí đầy hạnh phúc, chờ mong từng ngày để đón con. Nhưng nếu cuộc đời này có điều gì khiến chị có thể chết lặng thì đó chính là ngày con gái chị cất tiếng khóc chào đời. Bác sĩ thông báo chị nhiễm HIV.

Cuộc đời đảo lộn, chị như rơi vào vực sâu tối đen. Nhưng dẫu sao vẫn còn phép màu dành cho chị: chị không lây cho chồng, cho con. “Khi bố mẹ chồng trả về cho gia đình, mình đã bình thản hơn nhiều. Bởi cơn sợ hãi lớn nhất là lây cho con, cho chồng đã qua rồi”, chị kể. Bố chồng chị là công an, thường ngày đã nghiêm khắc, khó tính vô cùng. Họ không chấp nhận được. Chị bình thản nhắc lại: “Mình cũng phải thông cảm cho họ. Họ sốc quá mà. Bản thân mình còn không tin nổi”.

Ngay khi biết chồng chị không nhiễm, cả gia đình anh đã giữ anh rất kỹ, anh đi đâu bố anh cũng theo từng bước. Bố chồng chị thậm chí làm hồ sơ để đưa anh xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc nhưng anh nhất quyết ở lại. Bản tính mạnh mẽ, chị không giấu diếm chuyện mình nhiễm, chỉ một tháng sau chị lập nhóm người nhiễm để tham gia vào hệ thống điều trị bằng thuốc ARV. “Gia đình mình không bỏ mình nên chẳng còn gì sợ hãi”, chị bảo.

Chị B.H (giữa) trên sân khấu lễ trao giải thưởng “Dải băng đỏ” 2015 - Ảnh: TIẾN LONG

Chồng chị sau những ngày tháng khủng hoảng, bằng tình yêu vô bờ, anh bình tâm về lại bên vợ con mặc bao lời can ngăn. Muốn tìm một nơi bình yên cho cả hai người, anh xin vào làm thú y ở Ninh Thuận và chị theo anh. 26 tuổi, hai vợ chồng trẻ chỉ có bàn tay trắng đưa nhau xuống Ninh Thuận nắng cháy. Con gái khi thì ở bên ngoại, thỉnh thoảng lại qua bên nội. Lương tháng của anh 5-7 triệu, chị làm tóc, hai vợ chồng dành dụm được 100 triệu thì quyết tâm mở trại. “Có gì bán hết, mở dần, mở dần vì mình không có tiền như người ta. Từ khi mở vợ chồng đã vay gần 800 triệu nhưng trong vòng 2 năm đã trả nợ hết”, chị kể.

Chị bận tối mặt, tối mũi với trại heo, hết lứa này đến lứa khác. Đến giờ mỗi tháng thu nhập từ trại heo của chị đều đặn 50-60 triệu đồng, còn anh vẫn đi làm thú y. Anh chị sống hạnh phúc, cả hai chú tâm làm ăn và chị vẫn sống khỏe mạnh nên bố mẹ chồng cũng từ từ chấp nhận. Con gái đã đến tuổi đến trường, giờ không chịu xa mẹ nên ở luôn với bố mẹ, thỉnh thoảng anh chị vẫn đưa con về thăm ông bà. “Hai ông bà cũng mấy lần bảo vợ chồng chị đưa con về lại Lâm Đồng làm ăn nhưng hiện tại vợ chồng đang làm ăn tốt nên sau này mới về”, chị H bảo.

Chị B.H (giữa) trên sân khấu lễ trao giải thưởng “Dải băng đỏ” 2015 - Ảnh: TIẾN LONG

Đứng lên từ bùn đen

Câu chuyện của chị L.N (38 tuổi, ngụ Nhà Bè) ngỡ có thể viết thành phim: Bỏ nhà từ Vĩnh Long lên Sài Gòn từ năm 17 tuổi, làm gái, nghiện ma túy, nhiễm HIV, ly hôn hai người chồng. Trải qua bao gió bụi cuộc đời, nhục nhã, tủi hờn đủ cả, cánh cửa cuộc sống tưởng đã khép lại với chị cho đến khi chị quyết định thay đổi nó.

Khi còn là nữ sinh cấp 2, nhà nghèo luôn đóng học phí trễ nên thường bị gọi lên đứng dưới cột cờ nên chị nghỉ học. 14 tuổi chị bê một cái xề bán đường, bột ngọt, tiêu tỏi vòng vòng quanh chợ, rồi đi làm phục vụ quán phở. Một lần cãi cọ với người nhà chủ quán, chị lẳng lặng bắt xe ôm lên phà Bắc Mỹ Thuận, leo lên xe đi Sài Gòn.

Những ngày đầu ở Sài Gòn chị chỉ xin bán giày dép ở chợ rồi một chị bán hàng rủ đi bán cà phê. “Lúc đó chỉ nghĩ ở dưới quê bán quán phở, giờ bán cà phê cũng giống nhau, lương cao hơn bán dép. Đâu biết nó xa vời như bây giờ”, chị N. kể. Bạn bè rủ rê thử ma túy, chị nghiện ngập lúc nào chẳng hay. Nghiện rồi thì bán cà phê đâu đủ kiếm tiền chơi, chị theo bạn đi làm ở quán bia ôm. Cuộc đời của đứa con gái miền tây cứ thế trượt dài.

22 tuổi, chị lấy chồng chỉ để tìm một chỗ dựa. Chồng triền miên với những chuyến xe đường dài, chị vẫn mê man trong làn khói trắng. Cho đến tận lúc biết đang mang trong mình một sinh linh bé nhỏ. Đứa trẻ có một sức mạnh vô hình thôi thúc chị quyết tâm từ bỏ heroin. Con ra đời, khỏe mạnh, chị cũng cai nghiện được, cuộc đời chị như có chút nắng ấm. Nhưng cũng là lúc chị bắt đầu phải trả giá cho lối sống sai lầm trong quá khứ. Hai vợ chồng chị đều bị phát hiện nhiễm HIV. Chuỗi ngày ấy đầy khó khăn. Mặc dù con gái may mắn không nhiễm nhưng chị cứ nghĩ mình sẽ chết nên phó mặc con cho nhà chồng, tình cảm vợ chồng cũng nhạt nhòa dần, chị bị chồng thường xuyên đánh đập. Họ ly hôn sau 8 năm chung sống.

Những ngày chới với khi biết mình nhiễm bệnh, chị L tìm đến những nhóm đồng đẳng. Ly hồn chồng, chị vào sinh hoạt ở nhóm “Bạn tôi và chúng ta”, bắt đầu uống thuốc ARV điều trị HIV, tuân thủ điều trị nghiêm ngặt và làm công việc của một đồng đẳng viên hỗ trợ phụ nữ bán dâm và con em của những cặp vợ chồng có HIV.

Chị gặp người đàn ông thứ hai - cũng là một người nhiễm HIV khi anh đang bệnh thập tử nhất sinh, phải ngồi xe lăn. Lúc đó chị làm ở đội chăm sóc tại nhà, hằng ngày đến vệ sinh, tập vật lý trị liệu cho anh. Họ gắn bó với nhau. Khi anh may mắn từ cõi chết trở về, họ kết hôn. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Chẳng bao lâu chị phát hiện anh lại ngựa quen đường cũ, chơi ma túy đá. “Ma túy đá khiến người ta ham muốn nên anh cặp với một người phụ nữ hay chơi cùng. Thỉnh thoảng ảnh còn rủ tôi chơi. Tôi rất sợ mình sẽ quay về con đường cũ nên còn thương anh nhưng tôi cũng đành ra đi”, chị kể về cuộc hôn nhân chóng vánh với người chồng thứ hai.

Chị đã từng nghĩ cuộc đời mình có lẽ chỉ còn những ngày đơn độc cho đến khi chết đi vì bệnh tật, không nghĩ rằng có một ngày lại được yêu thương. Anh nghiện hơn chục năm và nhiễm HIV, có cô con gái nhỏ 11 tuổi, vợ anh cũng nghiện ngập và đã mất. Chị là đồng đẳng viên thường hay lui tới nhà anh để hỗ trợ anh và con gái. “Có cái duyên là ngay lần đầu gặp tôi con bé đã gọi là mẹ”, chị kể.

Gặp nhau bên vực sâu cuộc đời, họ nảy nở yêu thương. Đám cưới diễn ra vào đầu năm 2015. Chị làm công việc hỗ trợ người nhiễm, anh xin vào làm ở công ty, cuối tuần anh thường cùng chị tham gia vào các hoạt động cho người nhiễm, đưa con cái đi chơi công viên, đi du lịch xa như bao cặp vợ chồng khác.

Đợi gặp chị vào buổi chiều muộn trong căn nhà của ba mẹ chồng. Chị vẫn còn đang mải miết ngoài đường để lo thủ tục cho một trẻ OVC (trẻ bị ảnh hưởng bởi cha mẹ nhiễm HIV) đăng ký tạm trú để chuẩn bị nhập học. Về đến nhà, chị lại lui cui nấu bữa cơm tối đợi con đi học về. Chồng chị thì lăng xăng phụ chị vo gạo, lặt rau, bỏ đồ vào máy giặt. Bữa ăn đơn sơ nhưng ngọt lành với món trứng chưng củ cải muối, canh rau dền và đậu que xào thịt. “Ba má chồng hiền lắm. Ba làm bảo vệ, coi kho nên tối ngủ lại công ty. Ba thích ăn cơm nhà nên tối nào mình cũng tranh thủ mua đồ về nấu rồi má ghé về đưa cơm cho ba". Từ lúc nào đó, chị đã quen với cái nếp sống thường ngày có vẻ buồn tẻ nhưng đối với chị lại là những giây phút thật bình yên và hạnh phúc.

Chị L. cặm cụi nấu bữa ăn tối cho cả nhà - Ảnh: VŨ THỦY

 “Lúc mới biết mình nhiễm chỉ mong mình sống được 5 năm, vậy mà 11 năm đã trôi qua. Đến giờ tôi vẫn sống khỏe mạnh, chưa hề có dấu hiệu bị kháng thuốc”, chị kể. Mấy năm nay, chị đã luôn nỗ lực sống tích cực, nỗ lực thay đổi. Chị bỏ thuốc lá, thay đổi hình ảnh, cách ăn mặc, không còn mặc áo hai dây, rồi chị học word, excel, nhờ người dạy tiếng Anh. Với công việc cộng đồng giúp đỡ người nhiễm và chị em bán dâm, chị được đi tập huấn khắp nơi: Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang cho đến Thái Lan, Myanmar - những nơi mà thậm chí trong mơ chị cũng không nghĩ mình được đặt chân đến. Chị thuyết phục người mới nhiễm bằng chính hình ảnh của mình. Quá khứ đã ở lại phía sau.

VŨ THỦY - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên