Theo Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), nước ta đã qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993 và 2003).
Trong đó cải cách chính sách tiền lương năm 1993 đã thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2003 tiếp tục điều chỉnh, cải cách.
Nhờ đó, tiền lương của cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện.
5 bảng lương mới
Song theo Bộ Nội vụ, chính sách tiền lương hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương.
Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.
Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Để khắc phục những hạn chế, Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết 27/2018 về cải cách chính sách tiền lương.
Trong đó, xác định tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống của người lao động và gia đình người hưởng lương...
Nghị quyết nêu 6 nội dung cải cách chính sách tiền lương, gồm:
Xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành.
Gồm 5 bảng lương, trong đó 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập) từ trung ương đến cấp xã.
1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, trong đó 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
Bổ sung chế độ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp).
Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương phù hợp với quy định của bảng lương mới. Thứ 5 là nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương.
Quản lý tiền lương và thu nhập. Trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện; áp dụng tiền lương tăng thêm; khoán quỹ lương.
Nhiều giải pháp căn bản, quan trọng cải cách tiền lương
Theo Bộ Nội vụ, để thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo nghị quyết 27 từ ngày 1-7-2024 thì xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm là giải pháp căn bản mang tính tiền đề.
Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã.
Phối hợp với Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương xây dựng đề án danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy trong quân đội và công an trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị tiếp tục hoàn thiện danh mục vị trí việc làm theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Chính phủ đã được ban hành.
Bên cạnh đó các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Đây là giải pháp rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương đồng bộ.
Cùng với đó quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Trong đó, có các nguồn từ tăng thu, nguồn dư của địa phương, nguồn ngân sách trung ương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận