Bảng điện tử trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiển thị thông báo vụ TNGT tại km45+950 và ký hiệu cắt giao thông một làn đường vào sáng 16-4 |
7g ngày 16-4, bốn nhân viên bước vào phòng điều hành nhận ca trực. Đây được xem là “trái tim” của toàn bộ tuyến đường cao tốc khu vực phía Nam trong tương lai vì toàn bộ hình ảnh trên đường suốt 24/24 giờ sẽ được truyền về trung tâm này xử lý.
Trước mắt, trung tâm chỉ mới nhận hình ảnh của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Còn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang chuẩn bị lắp camera, bảng điện tử; dự kiến khoảng một năm nữa toàn bộ hình ảnh trên tuyến này cũng sẽ được truyền về đây.
Liên tục cảnh báo
9g, qua màn hình máy tính, nhân viên Nguyễn Quý Nhi phát hiện một xe khách loại 29 chỗ ngồi màu đỏ, biển số 51B-029... đang chạy hướng TP.HCM - Tiền Giang dừng đột ngột ở giữa làn đường khẩn cấp và làn 120 km/giờ khu vực km33+300.
Nghi ngờ xe bị chết máy, anh điều khiển camera ở gần đó zoom lại gần để quan sát. Xác định xe bị chết máy, anh gọi điện thông báo cho lực lượng tuần tra đường cao tốc, CSGT và xe cứu hộ biết để xử lý.
Trong khi mọi người đang giám sát chặt chẽ việc cứu hộ chiếc xe khách thì đột nhiên anh Nhi nói như hét: “Một ôtô bảy chỗ màu trắng bị nổ vỏ quay ngược đầu và đâm vào dải phân cách. Hướng Tiền Giang đi TP.HCM”.
Lúc này là 9g31. Vừa điều khiển camera quay cận cảnh chiếc xe bị nạn, anh Nhi vừa bấm điện thoại thông báo cho cứu hộ, đội tuần tra và CSGT biết để đến hiện trường giải quyết.
Anh Phạm Quang Trung thao tác trên máy tính xác định vị trí xảy ra tai nạn rồi gõ thông báo: “Km30+050 có xe gặp tai nạn. Lái xe chú ý giảm tốc độ” rồi cho hiện lên bảng điện tử trên đường cao tốc, hướng Tiền Giang đi TP.HCM. Chừng 10 phút sau, một xe cứu hộ và lực lượng tuần tra có mặt đặt cảnh báo và kéo xe đi.
10g20, anh Nhi lại làm mọi người giật mình: “Lại có tai nạn nữa. Hai xe đâm vào dải phân cách. Một xe bảy chỗ và một xe 16 chỗ. Để xem chính xác chỗ nào... Rồi. Tại km45+950 địa phận Tiền Giang, gần cầu vượt số 10. Hướng TP.HCM - Trung Lương”.
Các nhân viên còn lại lập tức dán mắt vào màn hình, điều khiển camera quan sát zoom lại vị trí vụ tai nạn. Anh Nhi lại bấm điện thoại thông báo cho CSGT, đội tuần tra... như lập trình. Xong, anh quay sang nói với Trung: “Hai xe nằm bít hết làn trong cùng rồi. Thông báo cắt giao thông làn này nhanh lên. Thông báo có tai nạn ở đoạn này, yêu cầu lái xe giảm tốc độ”.
Mỗi khi trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương xảy ra sự cố hay tai nạn giao thông, các nhân viên trực tại Trung tâm quản lý, điều hành giao thông khu vực phía Nam gần như phải đứng làm việc.
Họ vừa điều khiển camera từ xa qua máy tính, vừa liên lạc với các bộ phận làm nhiệm vụ trên đường cao tốc, thông báo cho lái xe biết hướng đi để tránh ùn tắc nếu có tai nạn nghiêm trọng, ghi nhật ký và lưu trữ hình ảnh toàn bộ diễn biến vụ việc.
Suốt quá trình lực lượng chức năng giải quyết vụ việc, họ còn phải quan sát hết hình ảnh của tất cả camera trên tuyến cao tốc truyền về.
Theo dõi tình hình giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: V.TR. |
Hiện đại
Theo anh Ngô Minh Nhựt, do tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương có nhiều đoạn chưa lắp đèn chiếu sáng nên camera ở những đoạn này gần như bị mù, việc quan sát rất khó khăn.
Thường sự cố xảy ra ở những khu vực này thì CSGT, đội tuần tra nhận được thông tin trước rồi báo cho trung tâm xử lý.
Anh Nhựt kể khoảng 1g ngày 28-3, anh đang trực thì nhận được điện thoại của đội tuần tra đường cao tốc cho biết tại km13 có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách Phương Trang và xe tải, có người chết.
Anh Nhựt và đồng nghiệp điều khiển camera ở gần đó zoom lại hiện trường nhưng do khu vực này không có đèn, chỉ thấy lờ mờ nhờ đèn xe chạy ngược chiều chiếu vào.
Tuy nhiên hình ảnh xe cộ ùn tắc tại vị trí xảy ra tai nạn thì nhìn thấy rõ. Anh kể tiếp: “Chúng tôi liền đưa thông báo lên bảng điện tử nội dung có tai nạn tại km13+100 hướng Tiền Giang đi TP.HCM.
Yêu cầu lái xe chuyển hướng khẩn cấp ra quốc lộ 1 tại trạm thu phí Bến Lức và Tân An kèm theo ký hiệu cắt giao thông toàn tuyến hướng Tiền Giang đi TP.HCM. Vẫn chưa yên tâm, chúng tôi tiếp tục cho hiển thị thông báo trên bảng điện tử trên quốc lộ 1 cấm xe từ Tiền Giang vào đường cao tốc”.
Các thông tin cảnh báo xuất hiện dày đặc trên hệ thống bảng điện tử ở đường dẫn và đường cao tốc có hiệu quả rất nhanh. Chỉ vài phút sau, lượng xe đổ về khu vực xảy ra tai nạn giảm dần. Qua camera, anh Nhựt và đồng nghiệp thở phào nhẹ nhõm thấy các loại xe đổ ra quốc lộ 1 tại trạm thu phí Bến Lức.
Trong tình huống này, nếu tài xế không nhận cảnh báo từ xa qua bảng điện tử thì sẽ xảy ra kẹt xe nghiêm trọng do xe không thể quay đầu, cũng không thể đi tiếp. Công tác cứu hộ, đưa người bị thương đi cấp cứu, giải phóng mặt đường sẽ vô cùng khó khăn do diễn ra vào ban đêm. Vụ tai nạn này làm một người chết và 10 người bị thương.
Dự án xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) có vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng, trong đó vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc là 625 tỉ đồng (30 triệu USD), còn lại là vốn đối ứng của VN.
Dự án bao gồm hai hợp phần: trung tâm quản lý, điều hành đặt tại huyện Bình Chánh, TP.HCM và hệ thống giám sát giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Dự kiến cuối tháng 4-2015 nhà thầu Samsung sẽ bàn giao hợp phần trung tâm quản lý, điều hành cho Bộ GTVT tiếp nhận khai thác.
Anh Lê Ngọc Thanh, trưởng nhóm kỹ thuật của nhà thầu Samsung, cho biết trên toàn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã lắp đặt 38 camera, kể cả đường dẫn ở hai đầu TP.HCM và Tiền Giang; 44 bảng điện tử các loại để thông báo tình hình giao thông trên tuyến và hướng dẫn lái xe cách thức lưu thông sao cho an toàn, thuận lợi nhất.
Toàn bộ camera và bảng điện tử được kết nối với Trung tâm quản lý, điều hành giao thông khu vực phía Nam bằng cáp quang dài 79km.
Trung bình cứ 2km có một camera độ phân giải cao và có thể zoom để xem hình ảnh xe bị sự cố ở cách đó 1km. Toàn bộ thiết bị điện tử trên tuyến đều được điều khiển tại trung tâm này. Cũng theo anh Thanh, các thiết bị trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã xác định được vận tốc của tất cả xe chạy trên đường, ở mọi vị trí.
Phủ kín hệ thống giao thông thông minh Theo Tổng cục Đường bộ VN, đến cuối năm 2014 VN đã có 529km đường cao tốc, đang triển khai thi công 507km. Tại khu vực phía Nam có 114km đã hoàn thành, trong đó tuyến TP.HCM - Trung Lương dài 40km, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km và Liên Khương - Đà Lạt dài 19km. Có năm tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành đến năm 2020 gồm: Bến Lức - Long Thành (55km), Trung Lương - Mỹ Thuận (54km), Mỹ Thuận - Cần Thơ (38km), Dầu Giây - Phan Thiết (98km) và Dầu Giây - Liên Khương (190km). Ngoài ra còn bảy tuyến cao tốc khác với chiều dài 858km sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Theo quy hoạch, tất cả tuyến cao tốc đều sẽ có hệ thống giao thông thông minh (ITS). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận