19/11/2014 09:18 GMT+7

Bộ máy kém, Bộ trưởng cần “ra đường”

TT - 445 ý kiến bạn đọc bàn luận câu chuyện “Bộ trưởng Thăng nên ở nhà hay “chạy ra đường” với trên 90% ủng hộ việc các bộ trưởng cần đi thực tế nhiều hơn.

Tiến độ làm hầm Phú Gia (Thừa Thiên - Huế) đã được đẩy nhanh sau cuộc kiểm tra và ra “tối hậu thư” của Bộ trưởng Đinh La Thăng ngày 25-7-2014 - Ảnh: Nguyên Linh
Tiến độ làm hầm Phú Gia (Thừa Thiên - Huế) đã được đẩy nhanh sau cuộc kiểm tra và ra “tối hậu thư” của Bộ trưởng Đinh La Thăng ngày 25-7-2014 - Ảnh: Nguyên Linh

* Quá nhiều việc “vụn”

Ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng bộ trưởng mà cụ thể là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nên ở nhà nhiều hơn vì có thể thông qua cấp phó, bộ máy để đốc thúc công việc.

Ông Kiêm nói rất đúng về nguyên tắc, nhưng chỉ có điều là chưa đúng lúc, bởi với cơ chế như hiện nay, với tinh thần đạo đức công vụ của nhiều cán bộ công chức như hiện nay, thực tế có quá nhiều việc “vụn” như ông Kiêm nói nhưng chẳng có ai chịu giải quyết.

Thử hỏi với vai trò là tư lệnh ngành mà cứ ngồi ở nhà “chỉ tay năm ngón” thì làm sao giải quyết được việc. Rất mong Bộ trưởng Đinh La Thăng “xông pha” để các công trình xây dựng đúng tiến độ, có chất lượng.

MINH BẠC

* Ra đường để không nghe “báo cáo láo”

Theo tôi, không chỉ một Bộ trưởng Đinh La Thăng mà tất cả bộ trưởng phải ra đường, có vậy đất nước mới thoát cảnh hành chính quan liêu trì trệ, tham nhũng và trên nói dưới không nghe. Ra đường không có nghĩa là cầm tay chỉ việc mà là sâu sát, kịp thời chấn chỉnh công việc và chính sách, tránh kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và đưa ra những văn bản “từ trên trời rơi xuống”.

Bây giờ ở đâu, ngành nghề nào cũng bị dân kêu, vậy mà cuối năm đơn vị nào cũng hồ hởi phấn khởi nhận các danh hiệu khen thưởng! Ra đường nên là mệnh lệnh, là lương tâm, trách nhiệm của các vị lãnh đạo trong thời buổi hiện nay.

Ra đường để biết sự nhiễu nhương của cấp dưới, để biết sự vận hành của bộ máy địa phương ì ạch, lỗi thời và quan cách như thế nào. Nếu chỉ ở trong phòng máy lạnh nghe các báo cáo đẹp như mơ, các con số hoàn hảo để rồi cứ mãi tự hào, tự đắc như lâu nay thì đất nước này 10 năm, 20 năm nữa cũng chưa thể theo kịp người ta.

ĐÔNG TRÂN

* Cần xây dựng bộ máy hiệu quả

Rõ ràng việc Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp đi nắm tình hình sâu sát cơ sở, đi xử lý giải quyết những công việc có tính “nóng” của ngành mình đã mang lại những hiệu quả tích cực hơn rất nhiều.

Ngành giao thông như nhiều ngành khác cũng có bệnh quan liêu, bệnh thành tích, báo cáo láo khá phổ biến. Nếu tư lệnh ngành không sâu sát, không trực tiếp sẽ không có chuyển biến.

Theo tôi, cách làm như Bộ trưởng Thăng là cần thiết và các bộ trưởng nên học tập, nhất là những ngành đang có nhiều vấn đề yếu kém. Tuy nhiên, vấn đề là xây dựng bộ máy và sử dụng bộ máy như thế nào để không phải xuống trực tiếp cơ sở nhiều mà vẫn nắm được tình hình, giải quyết được công việc mới là quan trọng.

Nguyên thủ các quốc gia lớn vẫn có thời gian chơi thể thao, những kỳ nghỉ ngơi, trong khi cán bộ ta nhiều người nói công việc bộn bề, bù đầu bù tóc, không có kỳ nghỉ... Tất cả là do bộ máy vận hành không hiệu quả.

LÊ NGUYÊN

Vi phạm nguyên tắc “chính danh”

Chỉ có 17 ý kiến (trong tổng số 445 ý kiến phản hồi) đồng tình với ý kiến của ông Cao Sĩ Kiêm và băn khoăn với cách “chạy ra đường” của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nhóm ý kiến này cho rằng: bộ trưởng cần tạo ra cơ chế chứ không chạy ra đường giải quyết vụn vặt.

Bộ trưởng phải chạy ra đường chứng tỏ các vị cấp dưới của ông có vẻ thiếu năng lực...

Trong số đó, bạn đọc Mạnh Đức viết: “Khi xảy ra thảm họa thì cần sự có mặt tại hiện trường của cán bộ đầu ngành là tất yếu. Nhưng người tư lệnh ngành chỉ nên vi hành để nắm bắt thực tiễn, sau đó xây dựng các quyết sách phù hợp, đó mới đúng chức năng của tư lệnh.

Chỉ những vụ việc nóng bỏng tư lệnh mới trực tiếp xử lý, còn lại giao cho các tướng lĩnh đảm nhận.

Tướng lĩnh nào không hoàn thành chức trách thì trảm tướng, thay tướng khác. Làm tư lệnh mà cứ xen vào việc của cấp dưới là không nên, vì gây ra hai hệ lụy: thứ nhất là cấp dưới ỷ lại, né tránh, đùn đẩy việc lên trên; thứ hai là gây sự thụ động cho cấp dưới khi điều hành các chức năng nhiệm vụ của chính mình.

Cách đây mấy ngàn năm cổ nhân đã đúc kết và đưa ra thuyết chính danh là vậy, vi phạm nguyên tắc chính danh thì sự việc sẽ trở nên bấn loạn.

H.H.

75,8% bạn đọc ủng hộ bộ trưởng ra hiện trường

Tuổi Trẻ Online đã đưa ra thăm dò nhanh là: Theo bạn, một bộ trưởng nên dành thời gian, với ba phương án: 

1. Ra hiện trường, xử lý việc cụ thể. 2. Ở văn phòng, đưa ra quy chế, chính sách. 3. Ý kiến khác.

Tính đến 15g ngày 18-11, đã có 7.345 lượt tham gia thăm dò này, với: 5.571 lựa chọn phương án 1 (ra hiện trường, xử lý việc cụ thể), 1.033 chọn phương án 2 và 741 lựa chọn ý kiến khác.

C.D.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên