Thí sinh và phụ huynh đến rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Ý kiến đề xuất tách hai kỳ thi được đưa ra tại Hội thảo về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức vào ngày 28-10. Lý do các chuyên gia đưa ra là gộp chung hai kỳ thi không có cùng mục đích đã lộ rõ những điểm yếu.
Vì sao nên tách ra?
Theo PGS Văn Như Cương, chủ tịch hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nguyên nhân tạo nên những rối răm trong kỳ thi “hai trong một” vừa qua là do Bộ GD-ĐT đã “ôm” lấy công việc, thay vì giao việc cho các cấp làm.
Mặt khác, PGS Văn Như Cương đánh giá việc hợp nhất hai kỳ thi không có cùng mục tiêu đã tạo ra những khó khăn trong việc đánh giá học sinh.
Ví dụ đề thi có 10 câu, trong đó 6 câu đầu vừa sức tốt nghiệp THPT (tạm gọi phần A), 4 câu sau khó hơn để sàng lọc thí sinh vào ĐH (tạm gọi phần B). Nếu xảy ra trường hợp hai thí sinh cùng có 6 điểm nhưng một người làm được 6 câu phần A, không làm được câu nào phần B và một người làm được 4 câu phần A, 2 câu phần B thì việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ như thế nào?, PGS.Văn Như Cương băn khoăn.
Từ những phân tích này, PGS Văn Như Cương cho rằng phải quay lại xem xét hai kỳ thi như trước kia nhưng “với quan điểm khác”.
Cụ thể là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do Sở GD-ĐT các tỉnh, thành chủ trì và làm rất gọn nhẹ, xem như kỳ thi học kỳ 2 của lớp 12.
Có cùng quan điểm này, PGS.TS Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông cho rằng nên tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT các địa phương chủ trì.
Đồng tình, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp cho rằng Bộ GD-ĐT không nên “ôm” vì có “ôm” cũng không thể chuẩn hóa được trên cả nước.
Kỳ thi ĐH sẽ giao quyền tự chủ cho các trường ĐH tuyển sinh theo cách thức, phương án, tiêu chí của họ là ý kiến chung của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp, PGS.TS Bùi Thiện Dị và PGS Văn Như Cương.
Ngoài ra, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp còn nêu ý kiến không nên quy định điểm sàn. Điểm sàn chung nhất chính là điểm tốt nghiệp THPT, còn lại sẽ do trường ĐH tự chủ.
“Ở các nước lớn, bao giờ cũng có một dịch vụ nào đó tổ chức kỳ thi nhưng điểm thì để các trường tự xử lý. Dịch vụ đó có thể do Nhà nước tổ chức hoặc một tổ chức nào đó mà Nhà nước tin tưởng”, GS Lâm Quang Thiệp nói.
Ủng hộ có…
Ngọc Ân, học sinh lớp 11 tại một trường THPT ở quận 3, TP.HCM cho biết mình thích “kỳ thi gộp” hơn vì đảm bảo sự tiện lợi về nhiều mặt. Tuy nhiên, Ân cũng cho rằng nếu giữ nguyên cách làm như kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH vừa qua thì “tội cho phụ huynh, học sinh vì phải chạy hồ sơ mệt mỏi quá”.
Một học sinh lớp 12 của trường Marie Curie cũng nhìn nhận việc chỉ thi một lần sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ra đề “vừa sức” và theo em học sinh này, như vậy sẽ có lợi hơn thay vì một kỳ thi đề quá dễ và một kỳ thi đề quá khó như trước đây.
Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào các trường ĐH năm 2015 còn nhiều “chệch choạc” nhưng một vị phụ huynh ở Q.10 (TP.HCM) vẫn cho rằng “một kỳ thi vẫn hay hơn”.
Tuy nhiên, phụ huynh này cho rằng nên cho các trường ĐH, CĐ quyền tự chủ nhiều hơn trong tuyển sinh, “Bộ GD-ĐT đừng can thiệp sâu vì thực tế vừa rồi cho thấy nhiều điều vô lý, bất cập quá”, phụ huynh này nói.
Nhưng băn khoăn không ít
Học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu. |
Ở góc nhìn đối lập, H., một học sinh lớp 12 ở Cần Thơ cho rằng hai kỳ thi vẫn tốt hơn vì “phân loại được học sinh rõ ràng, chính xác hơn”, H. nói.
Anh Nguyễn Minh Tuấn cũng đồng tình phương án tách thành hai kỳ thi vì vào ĐH là kỳ thi thật sự, phải đấu tranh, vượt qua nhau để được vào học ngành mình yêu thích. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT đơn thuần chỉ là kỳ sát hạch, không giới hạn số người đậu.
Bạn đọc Mai Dũng cũng nhất trí với ý kiến tách vì hai kỳ thi có mục tiêu và mức độ khác nhau rất xa.
“Nhập hai kì thi một cách cơ học là không thể được”, bạn đọc viết.
Không nói ủng hộ tách hay nhập, một vị phụ huynh chỉ than thở rằng: “Con tôi năm nay lớp 12 chuẩn bị thi rồi. Càng đọc, tôi càng lo lắng. Tại sao lắng nghe ý kiến của mọi người, mọi ngành? Đưa ra mọi kịch bản, sau đó tổng hợp rồi hãy quyết định thay đổi? Và một khi đã thay đổi rồi thì phải hoàn thiện sao cho xã hội bớt tốn kém, bớt khổ sở, bớt lo lắng? Không biết rồi kỳ thi sắp tới con tôi và những cháu như con tôi sẽ ra sao đây? Tôi hoang mang lắm”.
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kỳ thi ĐH, CĐ như trước đây?
Thầy Nguyễn Duy Linh (giáo viên trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM) nêu ý kiến nên bỏ hẳn kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét tốt nghiệp và giữ nguyên kỳ thi ĐH như trước đây. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc TTO.
“Đề thi vừa rồi quá dễ, tính phân loại không cao, đạt điểm 6,7 dễ. Trong khi các năm trước, với đề thi ĐH, đạt điểm 5 đã khó rồi”, thầy Linh nhận xét.
Việc quay trở lại hai kỳ thi độc lập, thầy Đồng Sỹ Lư (TP.HCM) nhận xét đó là cách làm lạc hậu và “làm rối học sinh, rối giáo viên và rối phụ huynh”. Thầy Lư cho biết nhiều học trò của thầy cứ phân vân không biết đến năm mình thi sẽ thế nào, có thay đổi gì không.
Đồng tình với quan điểm chỉ nên tổ chức một kỳ thi vì giảm được áp lực cho mọi phía nhưng thầy Đồng Sỹ Lư (TP.HCM) kiến nghị đề thi phải có tính phân loại cao hơn để chọn được học sinh trung bình, khá, giỏi.
“Nếu làm như năm đầu tiên thì không phân loại được học sinh khá, các trường khó tuyển sinh lắm. Bộ GD-ĐT đừng “ôm” nhiều quá, nên giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ là được”, thầy Lư nói.
Gọi “kỳ thi hai trong một” là không đúng bản chất Gọi “kỳ thi hai trong một” là một cách nói chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất của kỳ thi THPT quốc gia. Bản chất là hết 12 năm học, phải có thang đánh giá học sinh đứng ở đâu. Việc đánh giá đó dùng vào hai mục đích. Một là các trường THPT, các Sở GD-ĐT sử dụng để xét tốt nghiệp THPT (kết hợp với đánh giá trong quá trình học). Hai là làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng tuyển sinh. Do đó, đây không phải là kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng không phải kỳ thi tuyển sinh ĐH và càng không phải là kỳ thi “hai trong một”. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ tự chủ quyết định. Bộ GD-ĐT không bắt buộc các cơ sở giáo dục ĐH phải lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Các trường hoàn toàn được tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh của mình. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS Văn Như Cương
>> PGS.TS Bùi Thiện Dụ
>> GS.TSKH Lâm Quang Thiệp
>> Thầy Đồng Sỹ Lư
>> Phụ huynh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận