19/08/2017 13:44 GMT+7

Bộ GD-ĐT và 'hành động thật sự'

ĐẠI DƯƠNG
ĐẠI DƯƠNG

TTO - Chỉ có thể hành động thật sự cùng với Chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động mới có thể tạo được sự thay đổi trong ngành GD-ĐT nói riêng, cũng như các ngành, các lĩnh vực khác.

*** Error ***
Năm học mới, ước mơ mới, gửi gắm mới.  Ảnh: Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM trong ngày tựu trường năm học 2017-2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải hành động thật sự” - đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 17-8, bàn về công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm. Nhân chỉ đạo của Phó thủ tướng, bạn đọc Đại Dương góp thêm ý kiến về việc tăng chất lượng ngành sư phạm và đổi mới giáo dục. 

Nhiều chính sách, chủ trương đổi mới giáo dục

Nhiều năm qua, với mong muốn phát triển bền vững GD-ĐT nước nhà, ngành chủ quản luôn tập trung vào các vấn đề như: đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đổi mới kiểm tra, đánh giá; quản lý giáo dục trong bối cảnh hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...

Công bằng mà nói, ngành cũng tạo được một số thay đổi. Nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ để GD-ĐT hoàn thành sứ mạng được giao phó trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vẫn chưa tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc; chưa xứng đáng với niềm tin và mong ước của dân, của Đảng dành cho GD-ĐT.

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để Bộ GD-ĐT có cơ sở pháp lý làm căn cứ thực hiện những nhiệm vụ nói trên. Có thể dẫn ra ở đây như:

- Đảng có nghị quyết TW II (khóa VIII); nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

- Quốc hội có nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; nghị quyết 88/2014/NQ-QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Chính phủ có quyết định 711/QĐ-TTG phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”; nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Tuy nhiên, với những chính sách, chủ trương, chương trình quan trọng đó, ngành GD-ĐT đã vận dụng đầy đủ, đã hành động hay chưa?

Chỉ hành động thật sự mới tạo thay đổi

"Chỉ có thể hành động thật sự cùng với Chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động mới có thể tạo được sự thay đổi trong ngành GD-ĐT nói riêng, cũng như các ngành, các lĩnh vực khác, nhằm đưa đất nước phát triển bền vững"

Tôi khá bất ngờ khi đọc thông tin được báo chí đưa về cuộc họp giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT ngày 17-8: Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.

Một trong những mục tiêu của đề án này là đến năm 2020 sẽ đào tạo bổ sung tăng thêm khoảng 60.000 giáo viên. Vậy mà, năm 2016 tổng chỉ tiêu được bộ giao cho các cơ sở sư phạm đã xấp xỉ 60.000 người - xem như đã “hoàn thành trước thời hạn” mục tiêu Thủ tướng giao trong 4 năm.

Thế nhưng, năm 2017 Bộ GD-ĐT vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu đào tạo - tuyển sinh vào một số trường sư phạm, điểm rất thấp có nguyên nhân từ đấy.

Khi góp ý cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ai cũng băn khoăn vấn đề đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên - nhạc trưởng chỉ huy bản giao hưởng đổi mới. Vậy mà Bộ GD-ĐT lại chưa dành sự quan tâm đúng mức, chưa đưa ra được chương trình hành động thiết thực cho vấn đề này. Chuẩn giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý mới nghe đâu vẫn còn nhiều tranh cãi, bất đồng ý kiến...

Từ thực tế nói trên, tôi càng thấm thía nhắn nhủ của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Bộ GD-ĐT phải hành động thật sự”. Vâng, chỉ có thể hành động thật sự cùng với Chính phủ liêm chính - kiến tạo - hành động thì mới có thể tạo được sự thay đổi trong ngành GD-ĐT nói riêng, cũng như các ngành, các lĩnh vực khác nhằm đưa đất nước phát triển bền vững.

Khó khăn của GD-ĐT thời gian qua, những bất cập - hạn chế - yếu kém có nguyên nhân khách quan, nhưng dường như chủ yếu vẫn là những nguyên nhân đến từ sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Sự đầu tư nguồn lực của đất nước cho GD-ĐT chưa thể nói là đủ đầy, song trong tình hình đất nước còn khó khăn thì sự đầu tư ấy về định lượng, về tình cảm là không hề nhỏ.

Tiếc rằng, sự ưu ái cả về vật chất và tinh thần ấy khi về đến ngành giáo dục đã không được sử dụng tốt để mang lại hiệu quả cao.

Lỗi này không thể đổ cho ai. Xin nói thêm, ở cơ sở, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên tuy có cố gắng nhưng họ cần phải được định hướng về tư duy - niềm tin - hành động, để chuyển động theo một hướng ưu tiên: hướng đổi mới trong thời kỳ diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đầu máy của con tàu giáo dục

Nhiều chỉ thị, thông tư hướng dẫn, các phong trào thi đua được Bộ GD-ĐT triển khai về các cơ sở giáo dục trong cả nước, nhưng chỉ có thể tạo thay đổi toàn diện khi đầu máy của con tàu giáo dục có lực kéo đủ lớn.

Năng lượng để tạo ra và duy trì lực kéo (có cường độ lớn) là sự nhiệt tình - kỷ cương - minh bạch - kết nối - sáng tạo - vì lợi ích chung.

Năm học mới 2017-2018 chỉ còn mấy ngày nữa là bắt đầu. Năm học mới, ước mơ mới, gửi gắm mới, văn hóa bao đời nay và ở đất nước nào cũng thế. Với tôi, tha thiết một mong ước: phải hành động thật sự từ bộ - tư lệnh ngành GD-ĐT!

ĐẠI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên