Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân giúp dân xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đóng bao cát để chằng mái nhà - Ảnh: LÂM THIÊN
Tại khu vực thôn Phú Hòa (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), hàng chục công an, bộ đội, dân quân đã phụ giúp người dân xúc cát vào bao, di chuyển đến các hộ dân để chằng chống, gia cố nhà cửa.
Các lực lượng chức năng cũng phụ giúp người dân di chuyển phương tiện tàu, thuyền lên bờ an toàn.
Bộ đội xúc cát vào bao giúp dân chằng chống nhà cửa - Ảnh: LÂM THIÊN
Các dân quân giúp dân kéo tàu lên bãi - Ảnh: LÂM THIÊN
Bà Nguyễn Thị Hai (ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) cho biết: "Nghe có siêu bão, sức tàn phá rất lớn nên từ sáng giờ cả làng này đổ ra bờ biển xúc cát để bỏ lên mái nhà chằng cho chắc.
Nhờ có các anh công an, bộ đội và dân quân hỗ trợ nên bà con cũng đỡ vất vả. Xúc cát chằng mái nhà xong, các anh còn giúp bà con gia cố, sắp xếp lại nhà cửa. Chúng tôi rất cảm kích".
Chiến sĩ Huỳnh Quang Trực ở Huyện đội Phù Mỹ cho biết anh cùng nhiều đồng đội đã được lệnh đến khu vực biển Mỹ Đức để giúp dân giảm thiểu thiệt hại bão số 4 có thể gây ra.
Bộ đội biên phòng Bình Định thông báo lệnh cấm biển và kêu gọi người dân trên các lồng bè nuôi hải sản ở Quy Nhơn chủ động chằng néo, rời bè khi có yêu cầu - Ảnh: NGỌC CHU
Còn ở khu vực biển Quy Nhơn, lực lượng bộ đội biên phòng cũng có mặt thường xuyên hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn, thông báo lệnh cấm biển và tuyên truyền để người dân không được ở trên tàu thuyền, lồng bè khi bão sắp đổ bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng (thứ hai từ phải qua) kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại cảng cá Quy Nhơn - Ảnh: NGỌC CHU
Trong ngày 26-9, lãnh đạo tỉnh Bình Định đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 tại một số địa phương.
Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - đã kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 tại cảng cá Quy Nhơn và một số địa phương ven biển.
Còn ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 4 tại thị xã Hoài Nhơn và 2 huyện An Lão, Hoài Ân.
Kiểm tra công tác ứng phó với bão tại cảng cá Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn), ông Tuấn yêu cầu lãnh đạo địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
"Đây là siêu bão lớn nhất trong vòng 5, 10 năm qua. Vì vậy bà con và chính quyền địa phương không được chủ quan, lơ là.
Ở những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao, chính quyền địa phương phải sơ tán người dân đến nơi an toàn, cao ráo như trụ sở UBND các xã phường, trường học..." - ông Tuấn chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn động viên người dân vùng có nguy cơ sạt lở ở huyện An Lão thực hiện sơ tán ngay khi có yêu cầu của chính quyền địa phương - Ảnh: LÂM THIÊN
Tại huyện An Lão, ông Tuấn đã đến nơi có nguy cơ sạt lở cao là khu vực núi Gai (thôn Trà Công, xã An Hòa).
Đây là nơi có 178 hộ dân đang sinh sống. Ông Tuấn động viên người dân khi có yêu cầu của chính quyền, bà con cần tuân thủ, sơ tán ngay đến nơi tránh trú an toàn.
Ông Tuấn cũng chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ di dời khẩn cấp 150 hộ dân đang sinh sống gần khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, triều cường ở xã Mỹ Đức đến nơi an toàn.
Cũng trong ngày 26-9, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4, do ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân vệ tỉnh Bình Định - làm trưởng ban, và ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định - làm phó ban.
Ban chỉ đạo tiền phương của tỉnh Bình Định đặt tại trụ sở UBND phường Tam Quan Bắc của thị xã Hoài Nhơn.
Kon Tum: Khẩn trương sơ tán dân các vùng có nguy cơ sạt lở
Các tuyến đường dân sinh tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) bị sạt lở sau những cơn mưa lớn vừa qua - Ảnh: TRẦN HƯỚNG
Tỉnh Kon Tum nằm ở cực Bắc của Tây Nguyên, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của bão Noru, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất cao.
Để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn, ông Lê Ngọc Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - yêu cầu UBND 10 huyện triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối… có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... để chủ động sơ tán người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum cho biết hiện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đang triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đặc biệt các huyện như Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông… vùng xa tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ quét, sạt lở đất... đã lên phương án theo từng xã chủ động sơ tán dân.
Các địa phương cũng đang chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt...; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.
VĂN HƯỚNG
Tàu Trường Sa 12 hỗ trợ tàu cá Bình Định bị mắc cạn trên biển
Do ảnh hưởng của bão, sóng to gió lớn khiến tàu cá Bình Định bị mắc cạn - Ảnh: LÊ QUYỀN
Ngày 26-9, tàu Trường Sa 12, Hải đội 411, Lữ đoàn 955 (Vùng 4 Hải quân) đang thực hiện nhiệm vụ trên biển thì nhận được lệnh đi cứu hộ tàu cá Bình Định mang số hiệu BĐ 98759-TS bị mắc cạn. Tàu do ông Nguyễn Như Thuần làm thuyền trưởng, chủ tàu là ông Bùi Văn Măng.
Tàu cá xuất bến ngày 16-9, từ Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, đang hành nghề đánh cá tại khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa, do sóng to gió lớn nên tàu bị dạt vào khu vực bãi cạn Ba Đầu, tại vị trí cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 8 hải lý về hướng bắc, cách mép xanh bãi Ba Đầu khoảng 800m.
Sau khi tiếp cận và khảo sát, lực lượng hải quân đã hạ xuồng đưa 4 ngư dân và tài sản về tàu Trường Sa 12 an toàn. Sau đó, cán bộ chiến sĩ trên tàu đã tổ chức sơ cứu và chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân.
Hiện tại, vì khu vực tàu bị mắc cạn có sóng gió to nên các ngư dân xác định để sau bão sẽ có phương án kéo tàu ra. Theo khảo sát của tổ xuồng tàu Trường Sa, hiện tại tàu cá không bị thủng, máy móc bình thường.
MINH CHIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận