13/10/2016 10:32 GMT+7

Bộ đội biên phòng nhường ăn sáng cho trẻ em biên giới

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Các anh nhịn ăn sáng hai ngày cuối tuần để có năm bữa ăn sáng cho những đứa trẻ đi học. Đều đặn bốn năm nay họ nấu bữa sáng cho bọn trẻ.

Các em học sinh với bữa ăn sáng do bộ đội biên phòng Lóng Sập nấu  
Ảnh: M.LĂNG
Các em học sinh với bữa ăn sáng do bộ đội biên phòng Lóng Sập nấu - Ảnh: M.LĂNG

“Việc làm của đồn mình nhỏ nhưng mong rằng các cháu cảm nhận được tình cảm của các chú bộ đội mà ham học hơn để thay đổi phần nào cuộc sống

Thiếu tá ĐÀO MẠNH TƯỞNG

4g30 ở đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La). Nhiệt độ ở đây xuống chỉ còn 17 độ C trong khi tại Hà Nội 31 độ. Hai chiến sĩ Cà Văn Lúng (21 tuổi, người dân tộc Thái) và Cút Văn Thắng (19 tuổi, người Khơ Mú) đang lui cui người lo đốt lò hơi, người vo gạo, lấy thức ăn để trong tủ đông lạnh.

Vừa vo gạo, chiến sĩ trẻ Cà Văn Lúng vừa nói: “Hôm nay mình nấu khoảng 8kg gạo. Số lượng gạo không cố định mà có ngày nhiều, ngày ít, nhín gạo và thức ăn nấu cho các cháu”. Chiến sĩ người Khơ Mú tên Cút Văn Thắng thì bảo: “Các chú bộ đội ăn gì, các cháu ăn nấy. Ở đồn không giàu có gì nhưng đồ ăn cũng đảm bảo được cá, thịt, trứng”.

Tầm 6g15, anh nuôi xúc cơm ra âu nhôm, chia phần thức ăn để một chiến sĩ mang cơm lên điểm trường Buốc Pát (thuộc Trường tiểu học Lóng Sập), có hôm thì gửi các thầy cô đi ngang mang lên giúp. Công việc đó diễn ra hằng ngày, bắt đầu từ tháng 9-2012.

Từ đồn lên trường chỉ khoảng 3km nhưng đường đồi dốc cứ lên cao, lên cao mãi. Đó là con đường đi xuyên qua bạt ngàn đồi ngô và lúa nương. “Hôm nào nắng thì khỏe chứ trời mưa cực lắm. Đường đất lại dốc nên lầy lội, trơn trượt. Có hôm không đi xe được, phải đi bộ. Lên xuống mất hơn một tiếng” - thiếu úy Đinh Văn Khải, người được phân công mang bữa ăn sáng lên cho các em học sinh, nói.

Điểm trường Buốc Pát nằm lưng chừng gần đỉnh đồi thuộc bản Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), có 21 học trò đều là người Mông với hai phòng học. Thấy chú bộ đội biên phòng mang cơm đến, những ánh mắt trẻ con háo hức nhìn ra ngoài hành lang. Như đã quá quen thuộc, thầy Lê Bá Thành (giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 4 và 5) gọi lớp trưởng Mùa Thị Xa và lớp phó Mùa A Chính ra chia cơm, đồ ăn cho các bạn.

21 năm dạy học ở đây, thầy Thành bảo nhiều bé có cha mẹ đang đi tù hoặc ở trong trại cai nghiện ma túy. Như cậu bé lớp phó Mùa A Chính (11 tuổi), cha mẹ đều đi tù vì tội vận chuyển ma túy, ông bà ngoại và ông nội không còn. Chính ở với bà nội đang oằn lưng nuôi chín đứa cháu lít chít.

Còn Mùa Thị Mo, học sinh lớp 5, bố đi tù cũng vì tội vận chuyển ma túy, mẹ Mo chật vật làm nương nuôi năm đứa con nhỏ. “Trước không có cơm sáng, thầy cô phải đi từng nhà vận động mời các em tới lớp. Từ khi có cơm sáng, các em chăm đến lớp hơn” - thầy Thành chia sẻ.

Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng - chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập - cho biết: “Bản chỉ có 14 hộ, hộ nào cũng khó khăn. Những người lớn dính vào buôn bán, tàng trữ hoặc sử dụng ma túy, người bị bắt đi tù, người đi trại cai nghiện. Nhiều ông bà già cũng nghiện. Có ông bà nuôi 7-8 đứa cháu”.

Không lẽ để tụi nhỏ bỏ học giữa chừng rồi lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, đi vào vết xe đổ như đời cha mẹ, ông bà, cô chú của chúng? Làm sao có bữa ăn sáng “dụ” tụi nhỏ đến lớp để chúng không bị mất một buổi học? Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng chính là người đã nảy ra ý tưởng nhân văn dành bữa ăn sáng cho trẻ thơ. Khi đó anh còn là chính trị viên phó. Anh đề xuất với ban chỉ huy đồn và được mọi người ủng hộ ngay.

Cách làm của bộ đội biên phòng cửa khẩu Lóng Sập rất đơn giản: cứ sáng thứ bảy và chủ nhật, cả đồn sẽ nhịn không ăn sáng và để dành được 5kg gạo. Hai ngày cuối tuần đó sẽ để dành được 10kg. Số gạo này chia đều cho năm ngày các bé đi học, mỗi bữa có thêm 2kg gạo nấu cùng với khẩu phần các chú bộ đội. Đồ ăn thì mỗi người nhín một ít để chia cho các cháu.

Ba năm nay, đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập nhận nuôi đỡ đầu sáu học sinh, trong đó có một bé người Lào, 500.000 đồng/tháng/bé, trích từ tiền lương của anh em cán bộ chiến sĩ trong đồn. Các bé được hỗ trợ đến khi học xong lớp 12 với điều kiện gia đình cam kết không để các bé bỏ học giữa chừng.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên