Một món quà từ tấm lòng cũng khiến cả người trao và người nhận ấm lòng. Trong ảnh: thành viên nhóm từ thiện Sao Khuê tặng quà tết cho một người lang thang trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.Định |
Những năm 1980, 1990 việc đi quà cấp trên thật nhẹ nhàng, là lãnh đạo của đơn vị nên nhiều lần tôi được phân công đi làm nhiệm vụ.
Ngày giáp tết, ngồi tính toán rồi mua mứt, bánh, hạt dưa... và một thứ không thể thiếu được là tập san của đơn vị. Đến nơi thăm viếng, anh em tay bắt mặt mừng, cả người tặng và người nhận quà ai cũng thấy vui vẻ.
Bây giờ cũng còn quà tết theo cách đó nhưng hiếm lắm, phổ biến là thiệp chúc tết và trong đó là... tiền! Ngày họp cuối năm của đơn vị cấp trên, cấp dưới đi họp là kết hợp, lo tính toán để có một khoản quà tết. Nhiều hay ít tùy vào chức vụ, “sếp” tổng là nhiều nhất rồi đến cấp phó và sau cùng là trưởng phó các phòng ban.
Trong số các phòng ban thì tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính phải nhiều hơn. Ngày họp, cấp dưới dù ở xa hay gần cơ quan cấp trên đều nhân ngày này “biếu quà tết” luôn. Không khí tấp nập, sau vài câu chúc lấy lệ là trao và nhận “thiệp”, nếu không gặp người cần tặng thì nhờ đưa hộ cũng được, chứ quên hoặc đưa ít có khi sẽ nhận được điện thoại nhắc nhở khéo.
Một số anh em cũng tâm tư với kiểu quà tết như thế này vì lẽ đưa thiệp nháo nhào, có vẻ mua bán sòng phẳng, người nhận xem như là đương nhiên, còn người đưa quà coi đó là bổn phận, nên tự an ủi ai cũng thế cả.
Đã có chỉ thị của trung ương về việc nhận quà tết nhưng xem ra ở cơ sở không chuyển biến là mấy. Càng áy náy hơn nữa khi ai cũng biết tiền trong thiệp không phải của chỉ cá nhân mà cắt xén của tập thể để... “kính biếu”.
Chưa kể tặng quà cho lãnh đạo ở xa thì nào là phải tốn thêm phương tiện đi lại, có khi đi cả bằng máy bay, rồi ăn nghỉ... tốn kém lắm! Rõ ràng đưa và nhận quà tết như vậy không thể tồn tại mãi được. Nhưng làm sao để chấm dứt việc tặng quà tết kiểu này?
Trước hết cần nhận thức chúc tết theo kiểu như trên là một dạng tham nhũng. Cần thực hiện nghiêm túc quy định về tặng quà, nhận quà, nhất là những dịp như tết.
Hai là sự làm gương của các lãnh đạo đơn vị, sự nhắc nhở thật tâm qua hướng dẫn bằng công văn những ngày trước tết, tổ chức cho các đơn vị chăm lo cho cán bộ, công chức, viên chức khó khăn hoặc làm từ thiện... Tiền cá nhân, phúc lợi tập thể được trích ra và đến đúng địa chỉ.
Ba là cấp dưới cần bản lĩnh, thực thi tốt nhiệm vụ được giao thì không gì phải e ngại. Cũng vì muốn xin - cho, tranh thủ sự chiếu cố, vì lợi ích cục bộ của đơn vị, địa phương mình và cả cá nhân mình nữa nên mới tranh thủ dịp tết để “đưa thiệp”.
Bốn là về mặt cơ chế cần công khai minh bạch các lĩnh vực như kế hoạch tài chính, tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, thi đua khen thưởng, xây dựng cơ bản... Nếu những lĩnh vực này mà mọi người đều biết, được đối xử bình đẳng, bộ máy làm việc minh bạch thì việc “chạy chọt” vì thế hạn chế được đáng kể.
Ngày tết, được nghỉ ngơi bên gia đình, vui chơi giải trí, thăm viếng thân hữu với những phong tục truyền thống thật đẹp, ý nghĩa. Mọi người đều mong muốn được yên vui ăn tết - chơi tết. Vì thế những toan tính lợi dụng xin hãy bỏ đi, hạnh phúc là tại tâm đấy thôi.
Chúa xuân đang về khắp nơi rồi đó!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận