17/11/2014 11:03 GMT+7

​Bộ Công thương “đánh đố” doanh nghiệp

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Với một thông tư quy định nhập khẩu phân bón (urê, NPK) phải xin giấy phép, yêu cầu một loạt giấy tờ gần như không thể thực hiện, Bộ Công thương khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng hoạt động...

Sản xuất phân bón NPK tại Công ty TNHH Hoàng Long Vina, Phú Yên - Ảnh: Vũ Sinh

Đưa ra lý do phân bón sản xuất trong nước (chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn do Bộ Công thương quản lý) đã đáp ứng đủ nhu cầu, có tồn kho, ngày 15-10 Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 35/2014 yêu cầu các doanh nghiệp khi nhập khẩu phân bón (urê, NPK) phải xin cấp “giấy phép nhập khẩu tự động”.

Gọi là “tự động” nhưng quy trình lại rất thủ công và nhiều doanh nghiệp đang “chết sững” với thông tư này khi thời hạn thông tư có hiệu lực (1-12-2014) đang đến gần...

Các quy định nghe cũng đơn giản nhưng thực tế lại rất khó thực hiện. Đặc biệt, thông tư quy định rất chi tiết

hồ sơ doanh nghiệp phải nộp, nhưng lại... không nêu tiêu chí thế nào thì được cấp phép. Điều này không minh bạch, dễ tạo điều kiện xin cho, cửa quyền

Ông Vũ Duy Hải

Đẻ thêm thủ tục

Ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam, một nhà nhập khẩu phân bón - cho biết từ khi thông tư được ban hành, doanh nghiệp không biết làm cách nào đáp ứng được các điều kiện cấp phép để tiếp tục hoạt động nhập khẩu phân bón, kinh doanh.

Lý do, thông tư yêu cầu bộ hồ sơ để được cấp phép “quá khó”: phải có đơn đăng ký, hợp đồng nhập khẩu, hóa đơn thương mại, tín dụng thư (L/C) hoặc chứng từ thanh toán, thậm chí cả... vận tải đơn.

Ông Hải cho rằng thực hiện quy định trên có nghĩa buộc doanh nghiệp phải mua và đưa hàng lên tàu... mới được đi xin phép nhập khẩu.

“Điều này khuyến khích doanh nghiệp làm trái pháp luật, vì quy định là mặt hàng cần giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy phép mới được tiến hành nhập khẩu” - ông Hải nói.

Đặc biệt nếu làm đúng quy trình của thông tư này, doanh nghiệp sẽ đối diện nguy cơ thiệt hại rất lớn.

Cụ thể, ông Vũ Duy Hải nêu khi mua hàng, chất lên tàu, doanh nghiệp mới gửi hồ sơ qua đường bưu điện và chờ Bộ Công thương xem xét cấp phép trong bảy ngày. Sau đó, Bộ Công thương cũng chỉ trả giấy phép qua đường bưu điện.

“Như vậy, tính cả thời gian chờ thư từ bưu điện có thể phải đợi đến 15 ngày, lúc đó hàng có khi đã về đến cảng nhưng doanh nghiệp vẫn không thể nhận, phải chịu phí rất lớn. Chưa kể trường hợp Bộ Công thương không đồng ý cấp phép, doanh nghiệp bị đẩy vào thế phải cầm dao đằng lưỡi, rủi ro mất tiền” - ông Hải đặt vấn đề.

Cùng chung mối lo, ông Nguyễn Quang Luận - giám đốc điều hành Công ty Việt Hóa Nông (Viet Agro) - cho biết từ khi Bộ Công thương ra thông tư trên, công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác chưa dám ký tiếp hợp đồng, phải chờ xem thực tế Bộ Công thương cấp phép như thế nào.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thực tế điều kiện cấp phép trong thông tư trên, bà Dương Hương Thảo - cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương - cho rằng hiện trong nước đã đảm bảo nguồn cung phân urê, NPK. Hai loại này về VN chủ yếu nhập từ Philippines, Trung Quốc, Nga...

Trong đó, Trung Quốc đang giảm thuế xuất khẩu “nên giá phân bón nhập rất cạnh tranh so với giá trong nước”. Vì vậy, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng thấy cần có biện pháp duy trì sản xuất trong nước nên Bộ Công thương đã ra thông tư trên.

“Nếu đáp ứng đủ hồ sơ thì chỉ trong bảy ngày làm việc, chúng tôi sẽ cấp phép, không tạo ra rào cản. Các chứng từ trong hồ sơ đều là những chứng từ cơ bản trong xuất nhập khẩu. Việc cấp phép thực chất chỉ kiểm soát đăng ký số lượng, không tạo ra rào cản nhập phân bón” - bà Thảo nói.

Nông dân chịu thiệt, đề nghị bãi bỏ

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy - chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN, thông tư 35/2014 của Bộ Công thương thực tế đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện hiệp hội đang làm văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị thay đổi nội dung của thông tư, thậm chí bãi bỏ thông tư này.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông sản (Apromaco), cho biết doanh nghiệp ông không chịu ảnh hưởng nhiều nhưng thực tế, quy định của Bộ Công thương là quá ngặt nghèo.

Nhà nước có thể dùng hàng rào kỹ thuật như các nước áp đặt tiêu chuẩn chất lượng, hay cấm chất có thể ảnh hưởng đến môi trường. Việc hạn chế chung mặt hàng nhập khẩu như thế, theo ông Dũng, khiến nông dân giảm sự lựa chọn.

Ông Vũ Duy Hải cũng đặt câu hỏi các doanh nghiệp phân bón trong nước đầu tư thế nào, sản xuất ra sao để bị khó khăn, tồn kho, sau đó lại đòi hạn chế nhập khẩu để người dân phải mua hàng của họ.

Ông Hải cho rằng việc hạn chế nhập khẩu là đi ngược lại chủ trương hỗ trợ nông dân vì như thế giá phân bón trong nước có khả năng giữ ở mức cao hơn giá thật nếu không có sự cạnh tranh mạnh.

Cho rằng thông tư 35/2014 của Bộ Công thương thậm chí có thể đã trái với quyết định của Thủ tướng về bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu phân bón, ông Hải đề nghị nên xem xét bãi bỏ thông tư trên.

Là chủ doanh nghiệp mỗi năm nhập tới 300.000 tấn NPK, ông Nguyễn Quang Luận nêu thực tế phân bón có thể ký hợp đồng trước cả quý, nên nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng trước thời điểm Bộ Công thương ban hành thông tư nhưng hàng lại về sau thời điểm thông tư có hiệu lực. Như thế họ sẽ không biết phải xin phép như thế nào và có thể thiệt hại lớn.

“Nên gia hạn thời điểm có hiệu lực hoặc tốt nhất là bãi bỏ thông tư”, bởi theo ông Luận, thông tư 35/2014 của Bộ Công thương sẽ khiến không thể nhập được cả các loại phân bón phức hợp chất lượng cao vốn rất cần cho bà con trồng cà phê, hồ tiêu. Điều này khiến cả doanh nghiệp và nông dân đều chịu thiệt...

“Đẩy nông dân vào tình thế khó khăn hơn”

“Thông tư 35/2014 của Bộ Công thương đã đẩy toàn bộ sự bị động và bất lợi cho nhà nhập khẩu và là cánh cổng đóng lại với việc nhập phân urê và NPK để bảo hộ một số doanh nghiệp sản xuất trong nước. Chắc chắn với việc thông tư có hiệu lực cùng quy định về thuế mới đây, giá các loại phân bón urê, NPK sẽ tăng.

Như vậy, ta đã đẩy nông dân vào tình thế khó khăn hơn trong khi giá nông sản, đặc biệt là lương thực, đang giảm sâu. Mặt khác, nếu không tăng kiểm tra, tăng mức xử phạt các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả, kém chất lượng thì hàng rào kỹ thuật bằng giấy phép sẽ là cơ hội sản xuất hàng giả, kém chất lượng phát triển vì khoảng cách lợi nhuận tăng...” - trích công văn Công ty cổ phần Vinacam gửi Hiệp hội Phân bón.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên