Thông tư của Bộ Công thương bị nhiều DN kêu gây khó khăn, tốn kém. Trong ảnh: sản xuất dệt may tại một DN ở Hà Nội - Ảnh: C.V.K. |
Nhóm chuyên gia dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết thông tư 37/2015 của Bộ Công thương quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm… trong sản phẩm dệt may là trái luật.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, có khá nhiều khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phát hiện, phản ảnh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được các bộ, ngành có liên quan quan tâm giải quyết.
Về thông tư 37/2015 của Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt trước khi được thông quan hàng hóa nhập khẩu, bà Thảo cho rằng dù thông tư này đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn… chưa đáp ứng đúng yêu cầu nghị quyết 19/2015 của Chính phủ; chưa giải quyết được vấn đề, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo nhóm chuyên gia của GIG và CIEM, trước đó Bộ Công thương đã có thông tư số 32/2009 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã tạo ra nhiều bất cập cho doanh nghiệp. Ngày 30-10-2015, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 37/2015 để thay thế.
Tuy nhiên, qua rà soát các văn bản pháp lý liên quan cho thấy việc Bộ Công thương ban hành thông tư 37 là trái luật. Vì theo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ Công thương chỉ được ban hành các quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may nếu sản phẩm dệt may thuộc sản phẩm, hàng hóa trong trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương.
Tuy nhiên, tại chính thông tư số 08/2012 về “Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương” thì sản phẩm dệt may lại không có trong danh mục này. Như vậy, việc ban hành thông tư 37 của Bộ Công thương là trái Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngày 24-11-2015, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 41/2015/TT-BCT (thay thế thông tư số 08/2012). Trong thông tư số 41, Bộ Công thương đã bổ sung sản phẩm dệt may vào danh mục. Tuy nhiên, đáng lưu ý là thông tư 41 ban hành và có hiệu lực sau thông tư 37.
“Việc Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may là không đủ cơ sở pháp lý. Trong 7 năm qua, quy định này đã gây tốn kém rất lớn về thời gian và chi phí của doanh nghiệp” - thông báo của nhóm nghiên cứu nêu.
Trước đó, rất nhiều lần các doanh nghiệp đã đưa thông tư này của Bộ Công thương ra phân tích về thiệt hại, tốn kém thời gian cũng như chi phí nhưng đến nay, các vấn đề của doanh nghiệp chưa được giải quyết.
Nhóm nghiên cứu của GIG và CIEM kiến nghị “Bộ Công thương bãi bỏ ngay thông tư 37 do ban hành thiếu cơ sở pháp lý”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận