11/02/2015 16:44 GMT+7

Cho tăng giá điện để bù thua lỗ cho... doanh nghiệp độc quyền

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TTO - Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), sáng 11-2 về việc Bộ Công thương đồng ý tăng giá điện.

Theo ông Cung, không thể có tuyên bố mang tính thách đố, như: không tăng giá EVN phá sản. Trong ảnh: nhân viên EVN vận hành trạm biến áp cấp điện cho Hà Nội
Theo ông Cung, không thể có tuyên bố mang tính thách đố như: không tăng giá EVN phá sản. Trong ảnh: nhân viên EVN vận hành trạm biến áp cấp điện cho Hà Nội

Sáng 11-2, lễ công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 (đánh giá toàn bộ chính sách năm 2014 của VN và nêu triển vọng 2015) được tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, mức độ phát triển kinh tế thị trường ở VN còn thấp, đang đứng thứ 147 trong các quốc gia được đánh giá, trong khi Lào có vị trí 144, Campuchia cũng cao hơn (108)...

Các nước phát triển hàng đầu về thị trường đều có điểm từ 75-91, VN chỉ có khoảng 51 điểm. Trong khi đó thực tế, theo ông Cung, có quan hệ thuận giữa mức phát triển của thị trường với tăng thu nhập bình quân đầu người.

Lấy ví dụ về tính thị trường ở VN, ông Nguyễn Đình Cung nêu trường hợp giá điện của EVN: “Vấn đề không phải tăng giá bao nhiêu, mà là cách thức họ tăng giá”.

Cho rằng đang có nhận thức không đúng, ông Cung nêu Bộ Công thương đang bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN.

Ông Cung cũng cho rằng  Bộ Công thương đang đồng ý cho tăng giá để...  bù thua lỗ cho doanh nghiệp.

Cùng những lý do trên, theo ông Cung, thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Bộ Công thương lại đang bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.

Về cách thức hợp lý trước mắt, Bộ Công thương cần phải giám sát độc quyền, rà soát, đánh giá chi phí sản xuất của EVN một cách độc lập, tham vấn người tiêu dùng, chuyên gia, các bên liên quan xem đề xuất tăng giá của EVN có hợp lý không, chứ không phải bảo vệ đề xuất này.

Qua đó, bộ sẽ kiểm soát giá điện để bảo vệ lợi ích chung người tiêu dùng chứ không phải bảo vệ lợi ích EVN.

Đặc biệt, theo ông Cung, không thể có tuyên bố mang tính thách đố như không tăng giá EVN phá sản. Bởi theo ông Cung, nếu với phá sản sáng tạo, có thể EVN phá sản thì ngành điện sẽ phát triển hơn chứ không kéo theo sự sụp đổ ngành điện.

Về trung hạn, ông Cung đề xuất phải tách EVN thành nhiều phần như tách khâu sản xuất, phân phối, Nhà nước chỉ giữ độc quyền truyền tải điện để đảm bảo kết nối công bằng các bên.

Ông Cung nhấn mạnh cần tách Cục Điều tiết Điện lực ra khỏi Bộ Công thương, thành cơ quan độc lập...

Ngoài ra, ông Cung nêu có hiện tượng các siêu thị nước ngoài tạo rào cản khiến doanh nghiệp VN khó đưa hàng vào siêu thị.

“Các cơ quan nhà nước cần vào xem các siêu thị có đặt ra rào cản quá cao không” - ông Cung đề nghị.

“Vấn đề không phải hạn chế nhà bán lẻ nước ngoài, mà cần yêu cầu họ đối xử công bằng, thậm chí có thể có chính sách yêu cầu ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN, có như vậy mới cho tham gia thị trường” - ông Cung nói.

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên