14/09/2016 11:40 GMT+7

Bỏ bạc triệu thuê vẽ tranh, tạc tượng chân dung làm quà

QUANG THI
QUANG THI

TTO - Ông Nguyễn Văn Hải (61 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đặt vợ chồng điêu khắc gia Nguyễn Sang - Kim Thanh năm bức tượng bằng đồng đỏ, chi phí cả trăm triệu đồng. Ông đặt tạc hai bức chân dung cha mẹ, hai bức chân dung cha mẹ vợ và một bức của ông.

Điêu khắc gia Kim Thanh nặn tượng của một khách hàng - Ảnh: HỮU KHOA
Điêu khắc gia Kim Thanh nặn tượng của một khách hàng - Ảnh: HỮU KHOA

Khi không còn thỏa mãn với những bức ảnh, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để tạc tượng, vẽ tranh báo hiếu cha mẹ, làm quà tặng người thân... Các họa sĩ, điêu khắc gia cũng “phục vụ khách hàng” từ Nam chí Bắc.

Tượng, tranh đi vào nhà nhiều người

Ông Hải bùi ngùi tiếp chuyện: “Tôi quan niệm cha mẹ vợ cũng như cha mẹ mình, hai vai cho đều. Công ơn sinh thành của cha mẹ khi còn sống chưa kịp báo đáp, nay các cụ đã khuất núi thì cũng muốn làm tượng để thờ cúng các cụ. Sử dụng ảnh một thời gian có thể bị hư, nên tôi nghĩ tạc tượng để lưu chân dung các cụ lâu dài với con cháu”.

Còn người thương binh nổi tiếng Trần Duy Phương quyết định tạc tượng mẹ qua sự giới thiệu của người bạn.

Bà kể: “Bạn tôi có làm tượng mẹ và tượng chồng, nên “xúi” tôi làm tượng mẹ đi. Tôi thấy hay hay nên cũng đặt chị Kim Thanh một bức tượng bằng đồng đỏ. Khi xem tượng, bạn bè ai cũng khen. Tuy mẹ tôi không nói ra nhưng tôi biết bà rất hài lòng”.

Làm nghề tạc tượng cho khách hàng hơn 10 năm nay, vợ chồng điêu khắc gia Nguyễn Sang - Kim Thanh kể mỗi bức tượng đồng đỏ làm cho khách hàng có giá từ 20-25 triệu đồng.

Những “đơn đặt hàng” này không tới tấp nhưng cũng đều đặn. Theo chị Kim Thanh, khách hàng của chị đặt tượng thường cho mục đích báo hiếu cha mẹ, đặt ngoài mộ, trên bàn thờ, hoặc chỉ là sở thích làm tượng mình, tượng người thân...

Nhu cầu này có từ Bắc chí Nam. Chị kể: “Có người khách sau khi đã ưng ý với cách làm tượng của tôi, họ đặt vé máy bay, khách sạn cho vợ chồng tôi bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để làm tượng cho họ. Rồi cũng có những người ở Thanh Hóa, Nam Định, Lào... mời tôi đến để làm tượng như vậy”.

Với điêu khắc gia Lâm Quang Nới thỉnh thoảng cũng có những người tận Hà Nội vào Sài Gòn đặt làm tượng người thân. Anh giải thích: “Tôi không chuyên làm tượng cho khách lắm, nhưng cũng có những người mình khó chối từ”.

Bên cạnh nhu cầu tạc tượng, các khách hàng cũng có nhu cầu vẽ tranh. Thường thì làm tượng đòi hỏi những điêu khắc gia chuyên nghiệp, qua nhiều công đoạn từ nặn tượng đến đúc đồng nên giá cả cố định. Còn vẽ tranh thì giá cả linh động hơn, tùy thuộc rất nhiều vào tên tuổi họa sĩ.

Nói về giá cả những bức tranh vẽ chân dung khách hàng, họa sĩ Nguyễn Anh Đào - chủ gallery Thảo Mộc trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) - nói “còn tùy độ khó”.

Độ khó ở đây được họa sĩ giải thích là vẽ nhiều người sẽ khó hơn một người, hoặc có những tư thế dễ vẽ, tư thế khó vẽ... tùy theo đó mà tính giá tiền tranh.

Theo họa sĩ Nguyễn Anh Đào, khách hàng vẽ tranh thường là thích hoặc muốn tặng người thân, gần đây là những bạn trẻ thích chụp ảnh cưới rồi vẽ lại bằng chân dung sơn dầu... Thường nhu cầu này tăng mạnh vào dịp tết, khi những người thân ở nước ngoài về đoàn tụ với gia đình.

“Tôi nhận thấy thường những người từng chơi tranh, mua tranh sẽ tiến tới đặt vẽ tranh. Số lượng khách hàng này luôn đông hơn người chưa hề chơi tranh” - họa sĩ Đào nhận xét.

Khi vẽ tranh, thường giá tranh được tính như bức vẽ thông thường. Ở các gallery, giá từ 1,5-4 triệu đồng, bằng giá một bức tranh thông thường bán ở gallery. Còn với một họa sĩ chuyên nghiệp, giá sẽ được tính ngang giá một bức tranh của họ nên thường không có một khung giá cố định nào.

Một buổi triển lãm ở TP.HCM - Ảnh: HS cung cấp
Một buổi triển lãm ở TP.HCM - Ảnh: HS cung cấp

Nghề tay trái nuôi nghệ thuật

Xưa nay việc vẽ tranh, tạc tượng chân dung được xem như một “đặc quyền” của những người nổi tiếng hoặc những người có tình thâm với các họa sĩ, điêu khắc gia. Nếu không quen biết, rất dễ bị từ chối dù mức tiền đề nghị có là bao nhiêu.

Nhưng với cuộc sống hôm nay, việc vẽ tranh, tạc tượng chân dung đã được một số họa sĩ, điêu khắc gia chấp nhận như một dịch vụ. Họa sĩ Phương Quốc Trí giải thích:

“Nhiều người ngại vẽ tranh chân dung vì sợ chưa hiểu, chưa nắm bắt được để lột tả hết những tính cách, thần thái, nội tâm của người được vẽ. Nhưng tôi vẽ vì nghĩ mình vẽ chân dung một ai đó là bộc lộ cái cảm tình đầu tiên của người vẽ với người được vẽ mà thôi”.

Còn điêu khắc gia Kim Thanh cho rằng nặn tượng cho khách hàng là lấy ngắn nuôi dài, phục vụ cho những sáng tạo chân dung danh nhân của vợ chồng chị. Vì làm cho khách hàng nên phải thỏa mãn yêu cầu duy nhất của khách hàng là làm giống thật.

“Trong sáng tạo nghệ thuật có thể nhấn nhá, thêm bớt về hình khối, mảng miếng... để lột tả nhân vật. Nhưng với khách hàng thì họ không chấp nhận. Cái gì không giống là họ đòi bỏ ngay”.

Trần Phong - một người vẽ chân dung khách hàng cho các gallery trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.HCM) - cũng xác nhận như vậy. Yêu cầu của khách hàng luôn luôn là giống thật. Anh kể có đôi vợ chồng đem đến bức ảnh kỷ niệm thời họ còn mặn nồng yêu nhau, đi chơi ở Đà Lạt.

Bức ảnh chủ yếu chụp rừng núi, còn gương mặt họ chỉ nhỏ như ngón tay út, nên Trần Phong vẽ thế nào cũng bị chê là... không giống! Sửa qua sửa lại cả tháng trời, cuối cùng Trần Phong đành hoàn tiền vì vẫn không thể vẽ giống.

Nhưng có khi làm tượng giống vẫn không được... trả tiền. Đó là trường hợp của những khách hàng phụ nữ. Điêu khắc gia Kim Thanh kể lại một bà khách hàng tuổi cỡ 70, tay đeo đầy hột xoàn, túi lúc nào cũng có tiền đôla đồng ý cho chị tạc tượng. Nhưng khi nhìn bức tượng thật, gương mặt hằn vết thời gian của tuổi tác, cụ bà thủng thẳng:

“Mấy em làm qua giống lắm, nhưng làm giống vậy qua không có thưởng tiền. Phải làm chân dung qua như thế này nè, qua mới thưởng tiền!”. Nói rồi bà rút ra trong túi một tấm hình đã chuẩn bị sẵn, chụp bà khi còn độ tuổi đôi mươi, trẻ trung...

Với khách hàng, vẽ tranh có một ưu thế là hai người tuy ở cách xa nhau, không thể chụp ảnh với nhau thì họ vẫn có thể bên nhau trong một bức tranh được vẽ sống động như thật. Anh Lê Hoàng Công Duy, ở Q.Tân Bình, là một trong những khách hàng có nhu cầu như vậy.

Anh kể: “Tôi có một người ở xa, không thể cùng chụp ảnh. Nếu dùng kỹ thuật ghép ảnh tôi thấy cũng không đạt yêu cầu. Vì vậy, tôi đưa ảnh của tôi cùng người bạn ra gallery đặt hàng họ vẽ và thấy hài lòng”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên