09/06/2013 10:39 GMT+7

Bịt các lỗ hổng lãng phí

NGUYÊN LÂM
NGUYÊN LÂM

TT - Nếu nhìn vào chương trình kỳ họp Quốc hội, có thể nhận thấy thật ra phòng chống lãng phí sẽ hoàn toàn khả thi nếu biết cách bịt các lỗ hổng không cho lãng phí, giống như không cho nước chảy tràn lan vậy.

Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nước không ban hành Luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng tại các luật chuyên ngành đều quy định các cơ chế, biện pháp cụ thể nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí ngân sách nhà nước, vốn, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động, tài nguyên...

Chẳng hạn, phiên thảo luận về sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012 đã cho thấy những lỗ hổng đó nằm ở đâu, ai tạo ra chúng, bịt như thế nào, ai bịt. Việc phân bổ ngân sách, thực hiện ngân sách, quyết toán ngân sách, các luật thuế, Luật đấu thầu, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư... nếu được thiết kế chặt chẽ, thực hiện nghiêm ngặt thì sẽ chặn được các nguồn gây lãng phí, tạo những cơ chế để phát hiện lãng phí, xử lý cá nhân gây lãng phí. Ví dụ, cần kiểm soát ngay từ khâu quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư, phân bổ ngân sách đảm bảo tập trung, không dàn trải.

Hoặc như Hiến pháp có liên quan đến phòng chống lãng phí không? Thưa, có đấy. Đó là các quy định trong Hiến pháp về tài chính công, ngân sách nhà nước, giám sát của Quốc hội về tài chính - ngân sách. Chẳng hạn như quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp “Các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định” đã ràng buộc chặt chẽ hơn, nhằm không để tình trạng có những khoản thu, chi nằm ngoài dự toán ngân sách nhà nước, tức là nằm ngoài vòng giám sát của Quốc hội.

Chỉ điểm qua vài ví dụ cũng đã thấy, nói cho cùng, dù lãng phí gì thì cũng quy về tiền ngân sách nhà nước. Vì vậy, xem ở đâu có tiền thì có nguy cơ lãng phí, tiền càng nhiều thì nguy cơ lãng phí càng cao, càng phải chú ý tập trung soi cho kỹ. Mà như vậy thì vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội lại càng lớn. Như một đại biểu Quốc hội phát biểu, ít nhất cũng chỉ ra bộ, ngành nào, ông chủ tịch UBND nào lãng phí; hoặc như đại biểu khác yêu cầu cần nêu bao nhiêu trăm tỉ đồng, bao nhiêu ngàn tỉ đồng bị lãng phí... Còn nhiều nhất, lãng phí phải là một yếu tố để xem xét trách nhiệm chính trị trước Quốc hội hoặc HĐND tùy theo cấp độ, ví dụ như giải trình, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

NGUYÊN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên