29/09/2013 09:50 GMT+7

Bình tĩnh tạo khoảng không khi lái xe

Ông Peter Hackett
Ông Peter Hackett

TT - So với năm năm trước, tôi thấy lượng xe máy và ôtô ở TP.HCM và các thành phố lớn của VN ngày càng nhiều. Theo quan sát chủ quan của tôi, tỉ lệ người điều khiển xe tại TP.HCM tuân thủ các biển báo giao thông đã tăng lên, mặc dù vẫn còn thấy những trường hợp vượt đèn đỏ, chạy xe ngược chiều...

0vGtrDT1.jpgPhóng to
Peter Hackett(người Úc, huấn luyện viên trưởng lái xe phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Hãng xe Mercedes-Benz) - Ảnh: L.NAM

"Phải thay đổi cách suy nghĩ khi lái xe: chia sẻ thêm khoảng không cho nhau mới là cách giải tỏa stress, bớt bực mình, bớt va chạm... khi lưu thông trên đường"

Khi trao đổi kinh nghiệm lái xe với tài xế lái ôtô ở VN, đặc biệt là TP.HCM, họ luôn hỏi tôi làm thế nào để có thể di chuyển an toàn, thoải mái trong điều kiện đường sá quá chật hẹp, xe cộ chen ngang loạn xạ như ở TP.HCM. Câu trả lời của tôi luôn là “hãy bình tĩnh xử lý và tạo thêm cho mình nhiều khoảng không”. Tôi biết điều này là rất khó thực hiện ở một thành phố có đặc trưng xe cộ đông đúc, xe máy thường chạy chen ngang vào làn đường ôtô và leo lên các vỉa hè...

Nhưng thật sự là nếu bạn tạo thêm khoảng không càng nhiều khi lưu thông trên đường thì bạn càng có thời gian để xử lý các khả năng có thể xảy ra tai nạn. Tất nhiên nếu dự báo được nhiều phương án có thể xảy ra với tình trạng xe cộ đang diễn ra trước mắt thì với khoảng không này bạn càng xử lý tốt và an toàn hơn.

Ở các nước phát triển, dòng xe di chuyển trên đường liên tục, nối đuôi nhau thì có thể dành khoảng không phía trước như thế nào để trong thời gian 1,5-2 giây xe sau mới chạm xe phía trước. Tại TP.HCM, lý thuyết này là không thể vì đường phố chật hẹp. Với điều kiện đường sá ở TP.HCM, khoảng không từ xe của bạn với xe phía trước sẽ hẹp hơn. Theo tôi, trong điều kiện này khi lái ôtô tài xế nên để ghế ngồi thấp và phóng tầm mắt nhìn xa, dự đoán được nhiều tình huống hơn thay vì cứ dán mắt vào trước mũi xe và không quan sát các bên.

Thật ra chuyện khi lái xe bạn cứ chừa khoảng không là có xe khác lọt vào không chỉ xảy ra tại TP.HCM hay VN mà nơi nào cũng có. Ở TP.HCM có nhiều xe máy thì khả năng này càng nhiều và bạn cũng không nên bực mình với người chạy xe máy làm gì. Họ cũng muốn có khoảng không để di chuyển về nhà với gia đình, đi làm không trễ giờ... Cách tốt nhất là bạn đi sớm hơn một chút so với thời gian dự định, thay vì tính toán tới nơi cần đến 15 phút, bạn hãy cho mình thêm thời gian. Thời gian càng dài bạn càng an toàn, tinh thần càng thoải mái. Nếu bạn vội vã, căng thẳng khi xe chen ngang vào bạn sẽ dễ giận dữ, mất bình tĩnh khiến va chạm có thể xảy ra...

Bạn lái ôtô đi một quãng đường dài 30 phút, giả sử cứ 30 giây là có xe máy chạy cắt ngang đầu xe thì suốt quãng đường này chỉ có 60 xe chen vào. Nếu mỗi xe “lấy” của bạn 2 giây thì cả quãng đường bạn chỉ mất thêm có 120 giây, tức 2 phút. Chỉ hai phút thôi mà bạn bực mình, cáu gắt, cau có... để làm gì? Phải thay đổi cách suy nghĩ khi lái xe: chia sẻ thêm khoảng không cho nhau mới là cách giải tỏa stress, bớt bực mình, bớt va chạm... khi lưu thông trên đường.

Vừa qua, tôi cũng biết có chuyện đánh nhau giữa tài xế xe tải và tài xế taxi mà báo Tuổi Trẻ phản ánh. Tôi nghĩ ai từng lái xe (ôtô hoặc xe máy) ít nhất cũng có vài lần va chạm... Vấn đề đặt ra là có lần nào bạn tự hỏi đó có phải lỗi của mình không? Phần lớn sẽ trả lời mình không có lỗi. Đây là “căn bệnh” chung trên toàn thế giới. Rất ít ai bước ra khỏi xe và nói “xin lỗi, đây là lỗi của tôi”. Thành thử bạn cố gắng bình tĩnh khi chẳng may có tai nạn, quan trọng nhất là con người nên trước hết phải xem có ai bị thương không để lo sơ cứu họ. Sau đó hãy đưa xe vào chỗ trống, thương thảo với nhau cách giải quyết thay vì lớn tiếng chửi nhau hoặc thượng cẳng chân hạ cẳng tay...

Ở một số nước, khi đã có giấy phép lái xe thì người học lái phải có 120 giờ thực hành lái xe. Trong phạm vi giấy phép này, người học lái buộc lái xe cùng với một người đã có bằng lái đầy đủ (người thân, bạn bè...). Người học lái có thể lái trên tất cả loại đường nhưng với tốc độ hạn chế (tối đa là 80km/giờ). Trong thời gian 120 giờ này, người học lái sẽ được người có bằng lái đầy đủ chia sẻ, truyền đạt lại văn hóa lái xe, văn hóa ứng xử, cách thức xử lý các tình huống... Người học lái xe cũng được khuyến cáo nên lái xe ở nhiều điều kiện đường sá khác khau (như đường mưa trơn trượt, đường đô thị, đường xa lộ) để có kinh nghiệm cầm lái và xử lý tình huống trước khi trở thành một người lái xe thực thụ (đã qua thi tuyển)...

Ông Peter Hackett
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên