25/01/2015 05:38 GMT+7

Bình thường & bất thường quanh "hiện tượng" HAGL

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TT - Khán giả tràn xuống sân Pleiku, CĐV xếp hàng rồng rắn, thậm chí xô xát chỉ để có thể có một chiếc vé xem các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thi đấu, rồi chuyện soi mói đời tư một số cầu thủ ngôi sao của đội HAGL... Thua liền ba trận nhưng đội HAGL vẫn “sôi sùng sục” như cách nói của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Sau đây là những cái nhìn về “hiện tượng” HAGL:

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông NGUYỄN VĂN TUYẾT - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - đã nói về sự bình thường và bất thường của chủ đề này.

* Đang có điều gì đó bất thường xảy ra vượt ngoài giới hạn bình thường của thể thao xung quanh lứa cầu thủ trẻ HAGL. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

- Đúng là trong thời gian qua có hiện tượng các phương tiện truyền thông đề cập thông tin liên quan đến đội tuyển U-19 VN và đội HAGL với mật độ dày đặc. Tôi nghĩ đây cũng là hiện tượng bình thường, đặc biệt trong bối cảnh những năm gần đây có nhiều xìcăngđan xảy ra trong bóng đá như bán độ, dàn xếp tỉ số... thì việc các cầu thủ U-19 của Học viện bóng đá HAGL thi đấu đẹp mắt trong màu áo tuyển U-19 VN lẫn HAGL đã gây được ấn tượng rất lớn đối với khán giả. 

Trong các bài viết tôi đã đọc, có không ít bài cổ vũ cho cách đầu tư bài bản, cách làm bóng đá của bầu Đức và phong cách chuyên nghiệp bước đầu của đội tuyển U-19 VN. Nhiều người coi họ như một luồng gió mới, đem đến sự hấp dẫn vốn có của bóng đá. Trong bối cảnh đó, giới truyền thông đã góp phần làm cho người hâm mộ tin tưởng, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp cho bóng đá VN. 

Tuy nhiên, một số cơ quan truyền thông, một số bài báo đã đi quá giới hạn của chức phận và đạo đức khi sa đà vào câu chuyện đời tư cầu thủ, bới móc những chuyện ngoài chuyên môn nhằm giật gân câu khách như chuyện yêu đương, gia cảnh của cầu thủ Công Phượng. Không ai cấm các nhà báo đưa tin về trận đấu, phân tích chuyên môn, nhìn nhận khán giả, nhưng việc bới móc quá mức vào đời tư, vào quyền riêng tư của cầu thủ hoặc bình luận theo cách quy chụp thì hoàn toàn không nên. Còn với hiện tượng vỡ sân, đánh nhau để giành vé xem như thời gian qua thì hoàn toàn nằm ngoài vấn đề chuyên môn của đội bóng, không phải là lỗi của cầu thủ cũng như giới truyền thông, mà đó là vấn đề của ban tổ chức và ý thức của người hâm mộ.

* Sau khi HAGL thua liền ba trận, bầu Đức và HLV trưởng HAGL Guillaume Graechen đều phát biểu như cầu xin giới truyền thông buông tha cho các cầu thủ trẻ của họ để họ được sống bình thường và bình yên. Có ý kiến cho rằng các tài năng trẻ bị ảnh hưởng tâm lý không đá được bóng là do lỗi rất lớn của báo chí. Ý kiến của ông thế nào?

- Với góc nhìn của một người xem bóng đá, tôi thấy việc bại trận của HAGL hết sức bình thường bởi đây là đội bóng đang trong quá trình cải tổ, với thành phần chủ yếu là các cầu thủ trẻ. Việc HAGL thua liền ba trận nhưng khán giả vẫn đến sân chật kín, với tôi, cũng là điều bình thường và rất đáng mừng. Như trên tôi đã nói, nếu không vì tình yêu với môn thể thao “vua” này và niềm tin đối với một thế hệ cầu thủ trẻ chơi bóng chuyên nghiệp, hồn nhiên, cống hiến, nói như ngôn ngữ bóng đá là các cầu thủ trẻ đang “đá thật”, thì chắc chắn là không có sức hút, sự lôi kéo khán giả đến sân đông như thế.

Trong hoàn cảnh như vậy, tôi cho rằng truyền thông đã tung hô quá mức các em khi các em đạt được một chút thành công, và mổ xẻ, soi mói, tạo áp lực nhiều vấn đề khi các em thất bại. Đặc biệt là báo chí xoáy sâu vào những vấn đề đời tư như tuổi tác, gia cảnh, tình yêu, gây ra áp lực quá lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần thi đấu, đến chuyên môn của các em khi ra sân. Nên nhớ rằng nhiều cầu thủ HAGL chỉ ở độ tuổi 18-19, tức là mới bước qua lứa tuổi học trò mà ở TP không ít em cùng lứa tuổi vẫn còn sống trong sự bao bọc của gia đình, cha mẹ. Các cầu thủ HAGL còn thiếu kinh nghiệm cả trong và ngoài sân cỏ nên những áp lực như vậy sẽ gây ra tổn thương không hề nhỏ, thậm chí có em không vượt qua được. Trong trường hợp này, cần lưu tâm đặc biệt đến đạo đức nghề nghiệp của những người cầm bút viết về thể thao.

Mặt khác, tôi cũng suy nghĩ rằng chúng ta đang hướng đến việc xây dựng một nền thể thao chuyên nghiệp, trong đó có bóng đá. Vì vậy, trong công tác đào tạo bóng đá trẻ, bản thân các cầu thủ cũng cần được đào tạo, rèn luyện về tâm lý, cách ứng xử, ứng phó với truyền thông và dư luận để làm sao các tác động tiêu cực ít ảnh hưởng nhất đến chất lượng chuyên môn khi thi đấu.

Chúng ta thấy rằng với những cầu thủ nổi tiếng như Ronaldo, Messi... có đến hàng tỉ người hâm mộ quan tâm đến cuộc sống của họ cả trong và ngoài sân cỏ, báo chí thế giới cũng thường xuyên khai thác chuyện tình trường của Ronaldo, đặt vấn đề việc Messi có trốn thuế hàng triệu USD... nhưng các cầu thủ đó trước áp lực kinh khủng của dư luận vẫn hành xử và thi đấu rất chuyên nghiệp. Cũng cần phải nói thêm trong các nền bóng đá chuyên nghiệp có mức độ thương mại hóa cao, các đội bóng đều có đội ngũ bác sĩ tâm lý và luật sư rất giỏi để hỗ trợ cầu thủ trong trường hợp cần thiết để họ tránh những ảnh hưởng tác động của bên ngoài.

Cuối cùng, với tư cách một người hâm mộ, yêu bóng đá, tôi tha thiết đề nghị báo chí, dư luận hãy để cho các cầu thủ có thời gian thể hiện mình, không vì yêu quý, kỳ vọng quá mà tạo áp lực cho họ.

* Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Báo chí phải chịu trách nhiệm trước sự hỗn loạn của dư luận

Việc báo chí đề cập quá mức khiến dư luận “sôi sùng sục” với tuyển U-19 VN, đội HAGL và cầu thủ Công Phượng đã cho thấy sự nghèo nàn của báo chí VN. Trong trường hợp này tôi thấy nhiều tòa soạn báo chạy theo đám đông và vì sự nghèo nàn ấy nên báo chí đã khai thác quá đà, thậm chí là vi phạm pháp luật, có trường hợp thông tin sai sự thật và xâm phạm đời tư của cầu thủ. Tôi cho rằng chính báo chí đã tạo ra sự hỗn loạn của dư luận. 

Vì vậy, báo chí phải chịu trách nhiệm trước sự hỗn loạn của dư luận vừa qua. Nếu các phương tiện truyền thông nhìn sự việc theo hướng tích cực, phân tích những khía cạnh tích cực, góp phần thúc đẩy bóng đá phát triển lành mạnh, tôi cho rằng dư luận cũng sẽ có cái nhìn như vậy. Tôi đọc còn thấy có những trường hợp ngay trong một tờ báo nhưng người này viết kiểu này, người kia viết kiểu kia, thậm chí cùng một người viết nhưng hôm nay thì khen và vài ngày sau lại chê tơi bời mà bản thân họ thấy vô can, không chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra. Tôi nghĩ Hội Nhà báo cần phải lên tiếng trước những hiện tượng như vậy.

L.K. ghi

* Cựu tuyển thủ quốc gia LÊ THẾ THỌ:

Xem đá đẹp hơn là xem chiến thắng

Với tôi, không có lứa cầu thủ nào ở tuổi U-19 lại đá hay, đẹp, nhuần nhuyễn, bài bản và có văn hóa như các cầu thủ HAGL. Và khi đã đào tạo được một lứa cầu thủ tốt, việc bầu Đức đưa toàn bộ các cầu thủ lứa U-19 lên đá V-League cũng là chuyện hết sức bình thường, bởi ông Đức không muốn tách một tập thể đã ăn, tập và gắn kết với nhau trong nhiều năm và sẵn sàng chấp nhận thất bại để lo cho tương lai vài năm nữa của CLB, bóng đá VN.

Do đó, việc CLB HAGL thua liên tiếp trong ba trận gần đây là điều nhiều người hâm mộ và cả ông Đức biết trước và chấp nhận. Theo tôi, người hâm mộ ùn ùn kéo đến sân để xem đội HAGL thi đấu cũng phản ánh tâm lý muốn được xem lối đá đẹp, mới lạ, kỹ thuật của HAGL chứ chưa hẳn đến để xem HAGL giành chiến thắng.

* Anh LÊ ĐÌNH THẮNG (thành viên hội CĐV VFS): 

Mê HAGL vì họ “trình diễn” bóng đá

Lâu nay bóng đá VN thiếu đội bóng có lối chơi kỹ thuật, cống hiến và lối hành xử văn hóa. Do đó, khi các cầu thủ trẻ HAGL xuất hiện, ngay lập tức họ trở thành hiện tượng được dư luận chú ý. Vì vậy, dù HAGL đang thua và vẫn có thể thua nữa nhưng tôi tin những người yêu và có niềm tin vào thứ bóng đá đẹp sẽ vẫn đến sân cổ vũ HAGL. Tôi ở Hà Nội nên rất chờ mong ngày HAGL đá trên sân Hàng Đẫy để đến cổ vũ đội bóng. Sau Tết âm lịch, dù bận công việc nhưng tôi sẽ sắp xếp thời gian để đi cổ vũ các trận đấu HAGL đá trên sân khách. Với những CĐV như tôi, đến sân không phải để xem HAGL đá thắng đối thủ mà là được xem các cầu thủ “trình diễn” bóng đá.

K.XUÂN ghi

Sướng và tự sướng

Lâu lắm rồi các sân bóng ở VN mới sốt vé đến mức phe vé còn phải vác gạch phang nhau để giành quyền mua như ở sân Lạch Tray tuần vừa rồi. Cú sốt xình xịch ấy đến từ HAGL, từ hiệu ứng U-19 được đào tạo bởi công nghệ Arsenal của bầu Đức.

Phải thừa nhận, và phải cảm ơn ông Đoàn Nguyên Đức đã mang lại một luồng sức sống mới cho bóng đá Việt. Khán giả xem HAGL cùng những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường... với sự sung sướng đến tột độ, sung sướng ngoài mức tưởng tượng bởi kể cả khi đội bóng ấy thua liên tiếp ba trận, khán giả vẫn dang tay ra đón nhận, bảo bọc họ, vẫn tự tìm lý do biện minh cho thất bại của họ và vượt trên hết, vẫn tin tưởng chắc chắn rằng lứa cầu thủ này rồi sẽ làm nên chuyện. Có thể nói, HAGL đã không chỉ chinh phục thành công khán giả mà còn chinh phục thành công một thứ khó khăn hơn ngàn lần. Ấy chính là lòng kiên nhẫn của người hâm mộ, thứ vốn dĩ rất dễ đổ vỡ nếu phải chứng kiến một chuỗi kết quả không hay.

Nhưng thực tế thì bầu Đức và những người làm bóng đá ở Gia Lai (thậm chí là cả một vài nhân vật ở VFF) có sướng không? Họ không sướng thật sự nếu như cứ thua hoài như thế. Họ khổ thì đúng hơn, khổ vì áp lực và khổ vì chính mình phải gồng lên tự sướng để chứng minh rằng mình đang đúng hoàn toàn.

Thực chất, cách làm bóng đá của ông Đức là đúng nhưng ở đời không có gì đúng hoàn toàn cả.

Việc ném một lứa cầu thủ non kinh nghiệm vào sân chơi đòi hỏi sự dày dạn nhất quốc gia mà không có bất kỳ trợ giúp nào từ những nhân tố đàn anh không khác gì một canh bạc tất tay sai lầm, bất chấp ông Đức từng tuyên bố “Xuống hạng cũng không sợ”. Chẳng ai làm chủ một đội bóng và thấy bình thản khi nó xuống hạng cả. Nhưng ông Đức vẫn phải tuyên bố như thế bởi đã đâm lao thì phải theo lao. Đã trót đề cao thứ bóng đá “sạch sẽ, đẹp mắt và tử tế” thì không thể nào cảm thấy ân hận vì nó cả và càng không thể thay đổi quyết sách chính mình khăng khăng đề cao chỉ để cứu vãn tình thế.

Cái khổ của ông Đức chính ở chỗ đó. Đấy chính là cái khổ của kiểu tự sướng quá đà. Và chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhận xét ông Đức (và những người cùng thuyền với ông) đã tự sướng không phải là nhận xét quá đà. Đơn giản, những người tử tế không bao giờ rao giảng về những hành vi tử tế của mình. Người có tâm làm từ thiện thật sự không quảng bá các hoạt động từ thiện của họ. Và người làm bóng đá sạch, đẹp sẽ quan tâm đến lối chơi sạch, đẹp, văn minh thay vì quan tâm đến đánh bóng hình ảnh sạch, đẹp kia theo kiểu tự sướng.

Sẽ có người thắc mắc rằng truyền thông mới là kẻ đánh bóng HAGL nhiều nhất chứ không phải là êkip của ông Đoàn Nguyên Đức. Nhưng ai là những người đưa truyền thông vào cuộc, thậm chí chui cả vào nhà tắm của đội bóng? Câu hỏi đó không khó để trả lời.

Tự sướng đang là một trào lưu trong xã hội khi chiếc điện thoại thông minh không chỉ là điện thoại mà còn là máy chụp ảnh, là công cụ tham gia mạng xã hội hữu hiệu. Tự sướng thành công là bởi nó đánh đúng vào tâm lý chung của đám đông, tâm lý cái gì của mình cũng là nhất, tâm lý con hát mẹ khen hay, tâm lý chỉ có tôi mới sạch sẽ, tử tế, còn tất cả các anh đều cặn bã cả. Và câu chuyện của HAGL thật ra không mới. Nó chỉ ở định dạng khác của xã hội mà thôi.

HÀ QUANG MINH

Tất cả phải cùng điều chỉnh

Không nghi ngờ gì nữa, câu chuyện của lứa cầu thủ trẻ của HAGL tham gia V-League đã trở thành một hiện tượng. Hiện tượng ấy có vẻ không chỉ là câu chuyện của thể thao, của bóng đá. Hiện tượng ấy ban đầu thì vui nhưng ngày càng có vẻ trở thành chuyện không hay và không khéo là hủy hoại cả một lứa cầu thủ mà ai cũng thừa nhận tốt.

Tôi đọc rất kỹ tất cả các báo mạng, báo giấy, theo dõi cả Facebook về những gì liên quan đến hiện tượng đội HAGL năm nay và xin đúc kết thế này: Bầu Đức có vẻ cũng bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm, nên mới phát biểu trên báo chí kêu gọi dư luận hãy để cho các cầu thủ của ông được phát triển một cách bình thường, tự nhiên. Vị HLV Guillaume của HAGL sau trận thua Hải Phòng cũng nhấn đi nhấn lại rằng dư luận đừng quá đề cao Công Phượng. Trên Facebook, nhiều người tán thành ý kiến của bầu Đức, ông Guillaume và hàm ý cho rằng mọi chuyện diễn biến bất thường hiện nay là do truyền thông khi tập trung khai thác lứa cầu thủ này quá dữ dội, vượt quá giới hạn khi soi mói đến đời tư của cầu thủ...

Nhưng ngược lại, cũng có nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường. Cứ nhìn các nước mà xem, những tài năng mới chớm cũng được khai thác không chừa một chuyện gì. Chúng ta nhớ lại Owen, Messi, Ronaldo, Rooney... có khác gì những diễn biến xoay quanh Công Phượng không? Hay mới nhất là câu chuyện cầu thủ tuổi 16 Martin Odegaard vừa được Real Madrid mua về, cũng đã được gọi là “thần đồng”, “siêu anh hùng”, “Messi mới”... đấy thôi. Dĩ nhiên, cũng có “thần đồng” té ngã trên đường đời và có “thần đồng” đi đến đích vinh quang. Nhưng chả ai trách truyền thông về chuyện các “thần đồng” vấp ngã cả. Thậm chí, người ta còn cho rằng nếu là “thần đồng” thứ thiệt thì phải vượt qua được mọi sóng gió. Khả năng vượt sóng gió đó là tố chất của “thần đồng”, là kết quả một bộ máy hỗ trợ “thần đồng” từ gia đình, CLB...

Chưa kể cũng có người cho rằng đừng buộc báo chí thể thao phải chỉn chu, nghiêm túc như một ông thầy giáo, biết chê biết khen đúng lúc đúng chỗ. Trong thế giới bóng đá, ai chẳng thừa nhận tờ France Football (Pháp) là tờ báo uy tín hàng đầu. Thế nhưng cứ nhìn cái vụ họ chê bai tuyển Pháp vào đầu World Cup 1998 đến độ PV báo này bị cấm cửa, nhưng khi tuyển Pháp vô địch thì ca ngợi ngất trời thì thấy cũng đừng quá khắt khe với giới báo chí thể thao.

Vậy thì tôi theo phe nào? Tôi theo cả hai phe! Không phải tôi ba phải, mà vì bên nào cũng có cái đúng, cái sai, con người Việt Nam chúng ta sống theo cảm tính nhiều hơn là lý tính.

Nhưng tôi cũng không đồng tình với bầu Đức khi “đổ tội” cho truyền thông. Nên nhớ ai là những người “bơm” lứa cầu thủ trẻ này lên mây trước, khi cho rằng sẽ không để họ chơi chung với các cầu thủ đàn anh vì sợ lây nhiễm tật xấu? Ai là người nói như “hắt nước vào mặt” các CLB khiến các đội bóng dự V-League hiện nay đều hạ quyết tâm phải thắng HAGL? Chưa kể một số vị quan chức cao cấp của VFF còn “bơm” lứa cầu thủ trẻ HAGL lên mây chứ nào chỉ có truyền thông...

Trong bối cảnh này, nếu có ai đó kêu gọi thì tôi nghĩ nên kêu gọi tất cả - từ bầu Đức, lãnh đạo VFF cho đến truyền thông, người hâm mộ và cả các đội bóng - cùng nhau điều chỉnh suy nghĩ, hành động, phát ngôn của mình về lứa cầu thủ này.

TRƯỜNG HIỂN (TP.HCM)

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên