Lễ hội Katê của người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn ở Bình Thuận diễn ra hằng năm tại các đền, tháp. Tại các đền tháp chính sẽ diễn ra hai ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7 Chăm lịch. Sau đó diễn ra tại các nhà làng và gia đình người Chăm.
Lễ hội Katê có ý nghĩa lớn của cộng đồng
Theo tỉnh Bình Thuận, Katê là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng, tác động nhiều mặt đến tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo… của cộng đồng người Chăm theo tôn giáo Bàlamôn.
Đây còn là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm, phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội.
Lễ hội phản ánh những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng, thể hiện sự thành kính và biết ơn công lao của các vị thần linh, ông bà, tổ tiên đã tạo dựng, bảo bọc và chở che cho con cháu. Lễ hội đến nay cơ bản vẫn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn.
Tỉnh Bình Thuận đã đưa vào danh mục các lễ hội tiêu biểu cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát huy lễ hội gắn với quảng bá du lịch
Từ ý nghĩa như trên, tỉnh Bình Thuận cho rằng việc bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm, phục vụ phát triển du lịch là vấn đề cấp thiết.
So với các lễ hội khác trong tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Katê có quy mô lớn, kéo dài ngày, diễn ra ở nhiều không gian và thời gian khác nhau, đối tượng tham gia lễ hội khá đa dạng…
Tuy nhiên, lễ hội còn một số mặt hạn chế nhất định trong công tác quản lý và tổ chức như: môi trường cảnh quan, không gian các đền, tháp, nhà làng - nơi diễn ra chưa được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng tầm tương xứng.
Vì vậy, đề án sẽ chú trọng gìn giữ phần lễ từ không gian, thời gian, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng, thành phần tham gia, cách thức thực hành các nghi lễ, nội dung lời khấn, các bài thánh ca của các chức sắc, trang phục truyền thống…
Còn phần hội, địa phương sẽ duy trì và nâng tầm các hội thi, hội diễn, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao mang tính truyền thống của cộng đồng. Trong đó có các phần nổi bật như: trưng bày lễ vật, thổi kèn saranai, trình diễn nghề thủ công truyền thống, làn điệu dân gian... tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp và hấp dẫn.
Tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp đẩy mạnh quảng bá. Ngoài nguồn lực Nhà nước, tỉnh sẽ tăng cường huy động từ xã hội để tu bổ, tôn tạo các đền, tháp và cải tạo môi trường cảnh quan.
Ngoài ra, các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân, trí thức, bậc cao niên người Chăm có am hiểu và nắm giữ vốn văn hóa phi vật thể nói chung và Lễ hội Katê nói riêng sẽ quan tâm, chú trọng đến việc trao truyền, hướng dẫn cách thức thực hành các nghi lễ trong lễ hội cho thế hệ trẻ.
Việc này sẽ tạo nên một sự kết nối trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, tránh nguy cơ bị thất truyền, mai một, biến thể hoặc mất đi trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận