
Ông Nguyễn Hoài Anh - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận - chủ trì một kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo Tỉnh ủy Bình Thuận, hướng dẫn nêu rõ nguyên tắc chung của việc bố trí nhân sự phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật.
Cán bộ phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm và tinh thần trách nhiệm.
Các huyện, thị, thành ủy được giao toàn quyền sắp xếp, nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo sát sao của tỉnh ủy.
Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu ưu tiên bố trí cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số và cán bộ có chuyên môn khoa học - công nghệ, đồng thời không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Đối với tổ chức đảng cấp xã, mỗi đảng ủy sẽ có 3 cơ quan chuyên trách: văn phòng, ban xây dựng Đảng và ủy ban kiểm tra.
Các địa phương có trung tâm chính trị cấp huyện sẽ bổ sung thêm trung tâm chính trị là đơn vị sự nghiệp của đảng ủy.
Đảng ủy đặc khu là đảng ủy cấp trên trực tiếp có tổ chức cơ sở đảng được thành lập tối đa 4 cơ quan tham mưu giúp việc là: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Dân vận, Cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy.
Định hướng khoảng 15-17 biên chế. Ở những nơi có trung tâm chính trị bố trí không quá 20 biên chế.
Về phía chính quyền, UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn; HĐND cấp xã có 2 ban chuyên trách.
Mỗi đơn vị hành chính cấp xã mới được định hướng bố trí bình quân khoảng 32 biên chế. Các trường học và trạm y tế sẽ do cấp xã quản lý trực tiếp.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, tổ chức mặt trận và các đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo hướng hợp nhất, tinh gọn...
Việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy các xã mới sẽ được triển khai theo quy trình ba bước. Đó là xây dựng và thông qua phương án nhân sự.
Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ hiện có, từ đó tham mưu phương án nhân sự và trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định.
Tỉnh ủy sẽ có phương án nhân sự cấp xã mới thành lập, bao gồm cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, phân công về cấp xã và cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Trong đó, cán bộ làm bí thư đảng ủy có thể là tỉnh ủy viên. Trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm bí thư đảng ủy.
Tỉnh ủy Bình Thuận cũng hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện tổ chức đơn vị hành chính mới.
Theo đó cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được bố trí công tác ở đơn vị hành chính mới thì tiếp tục được hưởng lương theo ngạch, bậc và các chế độ phụ cấp lương hiện tại trong thời gian 6 tháng.
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp mà có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc rà soát, đánh giá, thực hiện theo quy định. Việc này bảo đảm giữ được người có năng lực nổi trội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trường hợp cán bộ, công chức ở cấp huyện và cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới thì xây dựng lộ trình giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận