16/03/2014 05:30 GMT+7

Bình phong, quái thú và trái bóng trách nhiệm

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Lúc 9g sáng 15-3, tại trụ sở UBND thị xã Sơn Tây (Hà Nội) diễn ra cuộc họp có sự tham dự của nhiều bên liên quan đến vụ việc đặt thêm bình phong và quái thú trong di tích quốc gia lăng vua Ngô Quyền (xã Đường Lâm) gây bức xúc trong dư luận.

Đập bỏ bình phong trước lăng Ngô QuyềnĐục bỏ quái thú trước lăng Ngô QuyềnQuái thú chắn trước lăng vua

“Dựng bình phong là làm đúng luật!”. Đó là khẳng định của ông Phạm Hùng Sơn, trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, mở đầu cuộc họp.

“Đập bỏ bình phong cũng không sai luật!”

Để bảo vệ ý kiến của mình, ông Sơn đã viện dẫn rằng bản vẽ thiết kế thi công được thực hiện sau hai hội nghị họp dân, và có sự tư vấn của các nhà khoa học, trong đó có GS Trần Lâm Biền, đồng thời đại diện gia tộc họ Ngô đã ký vào văn bản đồng ý thêm hạng mục bình phong trước lăng. “Bản vẽ thiết kế thi công, trong đó có bức bình phong đã được Sở VH-TT&DL Hà Nội, Bộ VH-TT&DL phê duyệt, nên chúng tôi thực hiện như vậy là không trái luật!” - ông Sơn nói.

Đại diện gia tộc họ Ngô, ông Ngô Vui, cho biết: “Lúc đầu họ Ngô chúng tôi đã có nhiều cuộc họp bàn với nhân dân và Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm về việc có hay không dựng thêm bức bình phong trước lăng vua Ngô Quyền. Sau ba tháng với nhiều cuộc gặp vẫn không thống nhất được vấn đề này, vì chúng tôi không đồng ý việc thêm bình phong vào lăng. Nhưng vì không muốn “một chi tiết nhỏ” ảnh hưởng đến quá trình trùng tu, nên chúng tôi đã ký vào văn bản thống nhất việc thêm bình phong vào lăng, nhưng chưa quyết đặt ở đâu và thiết kế ra sao”.

Nói về việc chiều 13-3, đơn vị thi công tự ý đập bỏ bức bình phong trước lăng vua Ngô Quyền và hệ thống thoát nước phía sau lăng, ông Nguyễn Minh Khang, đại diện Cục Di sản văn hóa, cho rằng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã không tuân thủ văn bản pháp lý. “Lăng vua Ngô Quyền là di tích lịch sử quốc gia, nên việc Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và đơn vị thi công tự ý đập bỏ bình phong, hệ thống thoát nước sau lăng, sửa lại màu sơn lòe loẹt trên hai con rồng trong lăng là làm trái Luật di sản. Nếu muốn đập bỏ bình phong hay bất cứ một hạng mục nào thuộc quần thể di tích lăng Ngô Quyền đều phải làm văn bản, trình Cục Di sản và Bộ VH-TT&DL, chứ không được tùy tiện như vậy” - ông Khang nói.

Ông Nguyễn Văn Minh, phó bí thư Thị ủy Sơn Tây, cũng cho rằng: “Lăng vua Ngô là di tích quốc gia chứ không phải của riêng nhân dân Đường Lâm, hay riêng dòng họ Ngô nên không thể muốn làm thì làm, muốn phá thì phá”.

Tuy nhiên, ý kiến của ông Khang lập tức bị ông Phạm Hùng Sơn phản bác: “Chúng tôi không làm sai luật! Vì hạng mục đó chúng tôi chưa nghiệm thu, nên việc đập bỏ ấy được coi là sự điều chỉnh do đơn vị thi công làm chưa đạt. Chứ không phải chúng tôi tự ý đập bỏ hạng mục công trình trong di tích quốc gia”.

Trách nhiệm... không thuộc ai cả?

Ông Phạm Hùng Sơn đã phủ nhận trách nhiệm của Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm trong việc xây thêm bình phong rồi lại tự ý đập bỏ. Ông Nguyễn Minh Khang lại cho rằng không thể nói trách nhiệm thuộc về Cục Di sản được. Vì trước khi trình Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản đã tham khảo tài liệu trong và ngoài nước về việc dựng bình phong trước lăng tẩm. Sau khi giải thích về mặt truyền thống tâm linh, về pháp lý, ông Khang viện dẫn khoản 3, điều 32 Luật di sản rằng: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó”. Nên việc có thêm bình phong trước lăng Ngô Quyền là chấp nhận được, theo lời ông Khang. (Nhưng ông Khang không trích dẫn đoạn sau của khoản 3, điều 32 này nói rằng: “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”).

Cuộc họp kéo dài hơn hai giờ nhưng những bức xúc của báo chí và dư luận vẫn chưa được giải đáp một cách thấu đáo, việc trùng tu lăng vua Ngô Quyền với kinh phí dự kiến gần 30 tỉ đồng vẫn chưa có phương hướng giải quyết cụ thể, trách nhiệm của những đơn vị và cá nhân liên quan chưa được làm rõ.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên