Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Bình Dương khi tiến hành lấy mẫu trong cộng đồng thì cần đưa những người có test nhanh dương tính COVID-19 điều trị ngay mà không cần chờ kết quả PCR.
Bình Dương phải thành lập các trạm y tế lưu động có bác sĩ, điều dưỡng, oxy và thiết bị y tế để điều trị sớm cho các ca F0, tránh để bệnh nhân chuyển biến nặng gây quá tải cho các tuyến trên.
Chậm nhất 15-9 phải kiểm soát được dịch
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Bình Dương xem xét kinh nghiệm của Bắc Giang, nếu thấy cần thiết có thể di tản bớt dân tại các nhà trọ, chỗ ở chật hẹp, đông người tới các khu vực khác có điều kiện rộng rãi, tốt hơn để giảm mật độ, tránh tập trung đông người, tránh lây nhiễm chéo.
“Thậm chí như kinh nghiệm của Bắc Giang là có thể di dời doanh trại quân đội, bộ đội có thể hành quân đi chỗ khác để nhường chỗ cho người dân.” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng đánh giá tốt khi Bình Dương đã chuyển biến được 4 huyện đảm bảo tiêu chí “vùng xanh”. Hiện nay công tác chống dịch tập trung vào ba đô thị phía nam là Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, trong đó đặc biệt là tại 15 phường đang được “khóa chặt, đông cứng”.
Thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chuẩn bị tốt các trạm xá lưu động, các trung tâm an sinh xã hội và lấy các xã, phường để làm “pháo đài” chống dịch. Trong đó, cần có các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân một cách kịp thời.
Thủ tướng đề nghị Bình Dương phấn đấu chậm nhất đến 15-9 phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đã nhận lời và hứa với Thủ tướng sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên.
Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỉ đồng chi phí chống dịch
Báo cáo với Thủ tướng, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết hiện số ca COVID-19 của tỉnh đã tới 86.050 ca và tỉnh chuẩn bị kịch bản cho 150.000 ca. Với số ca F0 cực lớn thì Bình Dương thiếu rất nhiều thứ, từ nhân lực, thiết bị, vắc xin và cả kinh phí.
UBND tỉnh Bình Dương ước tính cần tới 12.242 tỉ đồng chi phí chống dịch cho kịch bản có 150.000 ca F0.
Đây là một số tiền rất lớn, trong đó Bình Dương mới cân đối được gần một nửa nên kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ cho tỉnh 7.652 tỉ đồng.
UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị trường hợp cấp bách thì cho phép địa phương được điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển và nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng để bổ sung kinh phí kịp thời cho phòng chống dịch.
Thời gian tới, nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương kết thúc đợt hỗ trợ trong khi số ca COVID-19 đang tăng nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bình Dương cần 100 trạm y tế lưu động (mỗi trạm cần 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) để ứng cứu cho người dân nhưng đang thiếu nhân lực nên đề nghị Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các tỉnh, thành bạn chi viện.
UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Chính phủ phân bổ thêm vắc xin để đủ tiêm cho khoảng 2 triệu người ở các khu vực "vùng đỏ" và hỗ trợ thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và các trang thiết bị y tế khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận