Nhà VN tại Expo 2015 với ngôi nhà tre được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế - Ảnh: Nguyễn Thị Kiều Oanh |
Trước đó, Nhà VN tại Expo 2015 bị một số khách du lịch đến Milan, báo chí lên tiếng về việc để xảy ra tình trạng nhếch nhác, không góp phần quảng bá hình ảnh VN, thậm chí gây phản cảm về thái độ phục vụ, nông sản khô héo, ẩm thực toàn thức ăn nhanh...
Nhiều đề cử không thuyết phục
Cuộc bình chọn 10 sự kiện VH-TT&DL tiêu biểu là sự kiện diễn ra hằng năm của Bộ VH-TT&DL. Cuộc bình chọn nhằm tôn vinh các sự kiện tiêu biểu trong các lĩnh vực trên. Người tham gia cuộc bình chọn là các phóng viên, biên tập viên chuyên theo dõi lĩnh vực VH-TT&DL do ban tổ chức mời. Năm nay, ban tổ chức cuộc bình chọn đưa ra danh sách 15 sự kiện để các nhà báo bình chọn.
Tuy nhiên, lướt qua danh sách các đề cử, rất nhiều nhà báo đã bày tỏ sự không đồng tình bởi nhiều đề cử thiếu thuyết phục.
Trong số đó, Nhà VN tại Expo 2015 khiến giới báo chí phản ứng nhiều nhất. Nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi vì sao Nhà VN tiêu tốn 3 triệu USD nhưng dư luận, báo chí phản ánh Nhà VN nhếch nhác, bán đồ nông sản khô héo, ẩm thực thì toàn đồ ăn nhanh không đặc trưng cho VN... nhưng lại được đề cử?
Ông Trần Đăng Khoa - tổng biên tập báo Văn Hóa, trưởng ban tổ chức cuộc bình chọn - phản bác: “Chúng tôi có kiểm soát lại tất cả thông tin nói về Nhà VN tại Expo 2015, nhưng có rất ít thông tin chê mà lại có nhiều thông tin đánh giá tốt về hiệu quả đạt được. Chúng tôi dựa nhiều vào thông tin từ TTXVN tại Ý và các đoàn VN sang bên đó về cũng như báo chí quốc tế đều nói về những kết quả tốt đẹp mà Nhà VN đạt được.
Không phải bỗng dưng các tạp chí kiến trúc nổi tiếng thế giới lại đưa nhà tre VN tại Expo 2015 ra trang bìa; lãnh đạo, chính khách của Ý, Anh đánh giá tốt đẹp về ngôi nhà tre của VN ở Expo 2015. Nhà VN tại Expo 2015 đã đón 5 triệu lượt khách tham quan.
Nếu nó không tương xứng thì có được 5 triệu lượt khách tham quan trong sáu tháng tại triển lãm hay không? Hay là du khách châu Âu dễ tính hơn du khách VN? Thời gian tồn tại sáu tháng tại triển lãm Expo đủ để người ta đánh giá cái hay, cái đẹp, cái xấu của ngôi nhà”.
PV Tuổi Trẻ đặt câu hỏi ban tổ chức giải thích như thế nào về văn bản của Nhà VN tại Expo 2015 báo cáo Bộ VH-TT&DL, thừa nhận Nhà VN có bày bán sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc và phải thu hồi toàn bộ; đồng thời kiểm điểm thái độ nhân viên vì có thiếu sót trong việc tiếp đón du khách?
Ông Trần Đăng Khoa trả lời: “Cũng nên thông cảm, vì sáu tháng ở triển lãm không phải lúc nào cũng như lúc nào được, còn trang phục được cho là có ảnh hưởng của thời trang Trung Quốc thật ra là trang phục của người Tày VN”.
Không chỉ đề cử Nhà VN bị phản đối, một số đề cử của ban tổ chức như năm thứ hai liên tiếp giải thưởng World Travel Awards trao danh hiệu Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới cho InterContinental Đà Nẵng cũng được báo chí cho rằng đề cử ít nhiều mang tính “cá nhân”, quảng bá cho đơn vị này.
Nhiều nhà báo phản ảnh một số đề cử về các chương trình nghệ thuật, triển lãm trong năm của Bộ VH-TT&DL thiếu thuyết phục vì có triển lãm làm to nhưng không có người đến xem, mang tính số lượng, hình thức là chính.
Sao phải cố bình chọn?
Cứ cuối năm là Bộ VH-TT&DL lại tổ chức cuộc bình chọn các sự kiện tiêu biểu trong năm. Tuy nhiên sự kiện tiêu biểu thì ít nhưng phải bình chọn đến 10 sự kiện, vì thế có cảm giác ban tổ chức vắt óc đề cử, nhà báo cố bầu cho đủ 10 sự kiện thành “tiêu biểu”.
Ban tổ chức cuộc bình chọn giới thiệu bốn sự kiện tiêu biểu của ngành thể thao trong năm 2015 để bình chọn là: SEA Games 28 là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử thể thao VN khi lần đầu tiên các môn Olympic đóng góp tới 87% tỉ lệ các môn đạt HCV; Ánh Viên vào top 5 nữ kình ngư xuất sắc nhất châu Á, được báo chí quốc tế vinh danh “cô gái thép”; Lần đầu tiên cử tạ VN giành ba vé chính thức dự Olympic; Ngày chạy Olympic thu hút sự tham gia của hơn 4 triệu người dân trên toàn quốc.
Tuy nhiên ngoài hai sự kiện đầu tiên được đánh giá tốt, hai đề cử phía sau có vẻ rất gượng ép. Vẫn biết việc giành ba vé tham dự Olympic Brazil 2016 là sự cố gắng của môn cử tạ, thế nhưng sự kiện này chưa thể nói là tiêu biểu cho ngành thể thao trong một năm được.
Tuổi Trẻ đặt câu hỏi vì sao phải cố đưa các sự kiện chưa xứng tầm vào cuộc bình chọn, nếu thấy không đủ số lượng bình chọn 10 sự kiện sao không hạ xuống bình chọn 5 sự kiện nhưng xứng đáng là tiêu biểu?
Ông Trần Đăng Khoa cho rằng không nhất thiết mỗi lá phiếu phải bầu 10 sự kiện, những lá phiếu bầu ít hơn số đó vẫn được công nhận hợp lệ.
Ông Khoa nói: “Tôi cũng thế, bởi vì tôi cũng có những cảm nhận của cá nhân tôi. Trong 15 sự kiện được đề cử ở đây thì có nhiều sự kiện chưa hẳn thuyết phục được tôi hoàn toàn”.
Đề nghị khôi phục bình chọn 5 sự kiện còn tồn tại Trong cuộc họp báo, một số nhà báo đã đề nghị Bộ VH-TT&DL nên có cuộc bình chọn cho năm vấn đề còn tồn tại của bộ hằng năm. Lý do bởi bên cạnh những sự kiện tiêu biểu, cần nhìn nhận những tồn tại chưa làm được. Một ví dụ tiêu biểu là năm nay ban tổ chức đưa phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh vào danh sách bình chọn sự kiện tiêu biểu năm 2015 vì đây là bộ phim đầu tiên được Nhà nước đầu tư, tư nhân sản xuất gây được tiếng vang. Thế còn nhiều bộ phim được đầu tư tiền tỉ từ ngân sách nhưng thu về được rất ít? Xem infographic: Phim Việt “đặt hàng” ngốn ngân sách tiền tỉ, thu về tiền triệu |
* Nhà Việt Nam tại EXPO 2015 vào top 15 sự kiện tiêu biểu
- Bạn đọc có ý kiến gì về việc mỗi năm "đến hẹn lại lên", ban tổ chức vắt óc đề cử, nhà báo cố bầu cho đủ 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch thành “tiêu biểu”? Bạn có tán thành việc cần bình chọn luôn những sự kiện còn tồn tại, chưa làm được? Xin vui lòng để lại ý kiến ở phần Bình luận bên dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận