21/03/2011 07:22 GMT+7

Bin Hammam khó "lật đổ" Blatter?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Cuối tuần trước, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) người Qatar Mohamed Bin Hammam tuyên bố ông sẽ ra tranh cử chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Đối thủ duy nhất của ông Bin Hammam trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 1-6 tới tại Zurich (Thụy Sĩ) là đương kim chủ tịch FIFA 75 tuổi Sepp Blatter.

TT - Cuối tuần trước, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) người Qatar Mohamed Bin Hammam tuyên bố ông sẽ ra tranh cử chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Đối thủ duy nhất của ông Bin Hammam trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 1-6 tới tại Zurich (Thụy Sĩ) là đương kim chủ tịch FIFA 75 tuổi Sepp Blatter.

Ông Bin Hammam đánh giá tỉ lệ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với ông Blatter là 50-50. Tuy nhiên, không ít chuyên gia bóng đá cho rằng ông Bin Hammam lạc quan quá mức.

Lãnh đạo FIFA suốt 13 năm qua, ông Blatter dù không hòa hợp với toàn thể 24 thành viên Ủy ban điều hành FIFA vẫn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều trong tổng số 208 liên đoàn bóng đá thành viên trực thuộc FIFA.

Lần gần đây nhất ông Blatter bị cạnh tranh chức chủ tịch FIFA là năm 2002. Khi đó, ông đã đánh bại lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF) Issa Hayatou với tỉ lệ bỏ phiếu cách biệt 139-56.

Đó là một chiến thắng vang dội nếu xét đến tình cảnh FIFA thời điểm ấy đang đối đầu với hàng loạt cáo trạng tham nhũng và quản lý tài chính yếu kém. Sau khi đối tác là tiếp thị Công ty Thể thao và giải trí quốc tế (ISL) sụp đổ, FIFA gần như vỡ nợ.

Tình hình hiện tại có chút gì đó giống năm 2002. Một lần nữa Ủy ban điều hành FIFA đối mặt với các cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng, hai thành viên đã bị đình chỉ trước kỳ bỏ phiếu lựa chọn nước đăng cai World Cup 2018 và 2022 do bị tình nghi nhận hối lộ.

Dù không trực tiếp dính líu vào vụ xìcăngđan này, ông Blatter vẫn bị chỉ trích vì sự thiếu minh bạch và mờ ám trong hoạt động của FIFA. Quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar cũng đã gây rất nhiều tranh cãi.

Giống như ông Hayatou gần 10 năm trước, ông Bin Hammam cũng vận động tranh cử với hình ảnh “người trong sạch”.

Theo Hãng tin CNN, ông cam kết sẽ thay thế Ủy ban điều hành FIFA bằng một hội đồng 41 thành viên để các liên đoàn bóng đá khu vực có thêm đại diện. Ông Bin Hammam cũng cho biết nếu trúng cử ông sẽ phân quyền hoạt động của FIFA, biến tổ chức này trở nên minh bạch hơn. Ông cũng khẳng định sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho liên đoàn bóng đá các quốc gia nghèo một cách hào phóng hơn để thu hẹp khoảng cách với các nền bóng đá phát triển.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của ông Bin Hammam là thuyết phục 208 liên đoàn bóng đá thành viên FIFA rằng ông là người xứng đáng thay thế ông Blatter, nhất là khi FIFA vừa thu về 1,28 tỉ USD tiền lãi sau thành công của World Cup 2010 tại Nam Phi.

Hãng tin BBC cho biết từ năm 2007-2011 doanh thu của FIFA tăng 59%, giúp tổ chức này có mức thặng dư lên tới 631 triệu USD.

Phần lớn số tiền đó được chia sẻ cho 208 liên đoàn thành viên thông qua dự án Goal thành lập năm 1999, một năm sau khi ông Blatter lên làm chủ tịch FIFA. Báo cáo tài chính 2010 của FIFA cho thấy liên đoàn mỗi quốc gia nhận khoảng 550.000 USD. Đối với liên đoàn các nước nghèo, đó là số tiền rất lớn.

Thêm vào đó, dù là thành viên AFC nhưng ông Bin Hammam cũng không hẳn được toàn bộ châu Á ủng hộ bởi ở đây uy tín của ông Blatter rất cao. Vai trò của các liên đoàn Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribê, đặc biệt là châu Âu sẽ rất quan trọng đối với kết quả cuộc tranh cử. Và vai trò của chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Platini sẽ có ảnh hưởng rất lớn.

HIẾU TRUNG

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên