16/03/2013 07:31 GMT+7

Billy Kelly và ước nguyện cuối

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Những cuộc thảm sát thường dân, như cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, vẫn không ngừng ám ảnh các cựu binh Mỹ cho đến ngày nay, dù đã 45 năm trôi qua...

u2HeXvit.jpgPhóng to
Billy Kelly xắn tay xây một phòng khám ông tìm tài trợ giúp ở Mỹ Lai năm 2003 - Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi muốn khi chết sẽ được hỏa táng rồi rải tro quanh khu nghĩa địa đó” - Billy Kelly nói với tôi trong lần gặp gần đây nhất ở quán cà phê nhỏ trên đường Đặng Dung (TP.HCM). Người cựu binh Mỹ 70 tuổi từng chiến đấu ở Đức Phổ, Quảng Ngãi những năm 1968-1969, lại qua Việt Nam vào dịp tháng 3.

Hơn 15 năm nay, năm nào Kelly cũng trở lại Việt Nam dịp này. Lần hai tháng, lần năm tháng. Đi đâu thì đi, làm gì thì làm, đúng ngày 16-3 là ông có mặt ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vốn ăn mặc xuề xòa áo phông, quần jean hoặc quần soọc nhưng hôm đó ông sẽ mặc chiếc áo sơmi tử tế nhất với cà vạt nghiêm trang, quần thẳng li và bồng theo 504 đóa hồng.

Kelly có mặt để tưởng niệm những nạn nhân ở vụ thảm sát Mỹ Lai năm nào. Một người bạn Việt đã dạy ông nói bằng tiếng Việt câu mà ông cho rằng rất chân tình: “Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình”.

Sự trùng hợp

Kelly trở lại Sơn Mỹ vì ông đóng quân ngay khu vực đó chỉ vài tháng sau vụ thảm sát Mỹ Lai. William Calley, tên trung đội trưởng ra lệnh cho lính của mình bắn vào dân thường ở Mỹ Lai, có cách phát âm giống tên của ông, vốn đầy đủ là William Kelly (Billy là cách gọi thân mật của William).

Kelly ở đại đội C, tiểu đoàn 1/20, lữ đoàn 11 trong khi Calley “Mỹ Lai” kia ở tiểu đoàn 3/1 - chỉ khác nhau tiểu đoàn. Cả hai cùng mang hàm trung úy và đều là trung đội trưởng khi đó. Cả hai cùng ở khu vực có năm làng Việt Nam được lính Mỹ lần lượt đặt tên từ Mỹ Lai-1 tới Mỹ Lai-5. Tất cả đều được gọi là Pinkville, nơi có đông Việt cộng gộc mà không lính Mỹ nào muốn tới. Vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ Lai-4 hôm 16-3 cách đây đã 45 năm.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến Kelly thấy có trách nhiệm quay lại chiến trường xưa. Ngày báo đài Mỹ đưa tin tòa án binh tuyên án với William Calley, cả hai bà chị ông từ California hốt hoảng gọi từ sáng sớm để hỏi ông có bị gì không vì tưởng ông là người mắc tội.

Kelly mất mẹ từ sớm, cha thì nghiện rượu nên từ năm 12 tuổi ông đã ra sống ngoài đường. Ông giống như một thủ lĩnh trên đường phố, lang bạt khắp xó xỉnh của New York. Thế rồi ông cũng đến trường, cũng đi học và vào đại học.

Năm 25 tuổi Kelly đi lính. Tập luyện tốt, Kelly được tạo cơ hội đóng quân ở Đức nhưng cuối cùng ông tình nguyện đi Việt Nam - điểm nóng mà ai cũng muốn tránh lúc bấy giờ. “Khi đó tôi muốn làm người lính thật sự” - Kelly trầm ngâm.

Nhưng, như ông thuật lại, “tất cả chỉ thay đổi sau một giờ có mặt ở Việt Nam”. Cuộc chiến không như những gì ông hình dung từ phía bên kia bờ đại dương cách nửa vòng Trái đất. Những người dân địa phương nhìn binh lính Mỹ như “những sinh vật lạ”. Cuộc chiến ông được rao giảng là đem lại tự do cho người dân ở một đất nước xa xôi cuối cùng lại trở thành những đợt càn quét phá hủy đời sống của chính những người dân nơi này. Và đó không phải là điều chàng lính Mỹ mong muốn.

Hai lời hứa và một ám ảnh

Những ngày đầu đến Việt Nam, Kelly tự hứa sẽ làm hai điều. “Một là không để một đồng đội nào của tôi bị thương hoặc hi sinh. Hai là tránh tới mức thấp nhất các tổn thất gây ra cho làng mạc và con người Việt Nam”.

Điều hứa đầu tiên Kelly nói thực hiện được. Các đồng đội của ông đều lành lặn và toàn mạng trở về. Điều hứa thứ hai thì Kelly cố thực hiện bằng cách mỗi lần hành quân, ông đều đưa đồng đội đến những khu ít đụng độ và tránh dân lành. Phần lớn thì Kelly thành công với chiến thuật này.

Nhưng cũng có những lần nhóm Kelly bị phục kích. Trong một lần như vậy vào đầu năm 1969, Kelly nói ông đã nổ súng giết bốn người lính phía đối địch tại một khu ấp. Và là trung đội trưởng, Kelly thấy mình chịu trách nhiệm với những cái chết còn lại của ngày hôm đó.

“Khi đó tôi thấy hoàn toàn chết lặng. Tôi chỉ còn nhớ nỗi sợ hãi... - Billy ghi lại - Tôi luôn nhớ ngày đó. Đó là ngày tôi đã giết bốn người Việt Nam, và với tư cách là người chỉ huy, tôi biết mình còn chịu trách nhiệm với cái chết của nhiều người nữa”.

Ký ức ám ảnh đó được Kelly viết lại trong bài Bodies do count như một lời sám hối đối với sự giết chóc, một sự hối lỗi cho lời hứa ông không thực hiện được trọn vẹn. Bài viết được nhiều trang web của các cựu binh chống chiến tranh ở Mỹ đăng lại như một lời cảnh tỉnh về bộ mặt xấu xí thật sự của chiến tranh.

36 năm sau, năm 2004, sau bảy năm trời thường xuyên đến Việt Nam, Kelly vô tình gặp lại ngôi làng đó. Những ký ức của chiến tranh bỗng ùa về.

“Vẫn con đường nhỏ với ruộng lúa xung quanh - Kelly kể - Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh nơi đó dù đã mấy chục năm trôi qua”.

Trên đường, Kelly đi ngang một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ. Ông dừng lại và cẩn thận đếm. Có 584 ngôi mộ cả thảy.

“Khi tôi nhìn thấy cái tên đầu tiên với “cái ngày của tôi”, tôi như bị cú sét từ một đấng siêu phàm - Kelly ray rứt kể - Giờ tôi đã biết tên của những người mà tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ”.

Kelly kể năm đó cứ một, hai tuần ông lại bay ra Quảng Ngãi để đạp xe tới nghĩa trang đó. Ông cứ ngồi đó một mình trong khu nghĩa địa vắng lặng trước khi bay ngược về Sài Gòn huyên náo. Ông nói ông ngồi trò chuyện và xin lỗi những người đã khuất ở đó.

Còn những Mỹ Lai khác

Kelly và các cựu binh Mỹ tin rằng những chuyện ở Mỹ Lai còn xảy ra ở nhiều nơi. Bản thân Kelly từng từ chối thi hành lệnh đốt làng mà chỉ huy của ông đưa ra. Ông chỉ huy - trung tá William McCloskey - sau này đã bị kết án tại tòa án binh.

Đầu tháng 2 vừa qua, cuốn sách Động là giết: Cuộc chiến tranh thật sự của Mỹ tại Việt Nam (Kill anything that moves: The real American war in Vietnam) - bản hoàn chỉnh nhất của hành trình tìm kiếm sự thật kéo dài hơn mười năm về tội ác chiến tranh tại Việt Nam của sử gia Nick Turse - đã lọt vào danh sách những đầu sách bán chạy nhất tại Mỹ. Cuốn sách đã gây chấn động trong các cựu binh Mỹ và giới nghiên cứu chiến tranh Việt Nam khi khẳng định cuộc chiến không khác gì một cuộc thảm sát quy mô lớn (báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 7-2013 đã có bài chi tiết).

Kelly nói ông đã nhận được hơn 20 cuộc điện thoại và email của nhiều cựu binh từng tham gia các chương trình “tìm, diệt” như Phượng hoàng từ sau khi cuốn sách xuất bản. Có những cuộc gọi điện lúc nửa đêm và người cựu binh kể lại vanh vách những chuyện đã xảy ra. “Có nhiều cựu binh khóc vì những gì họ làm” - Kelly trầm ngâm.

____________

Kỳ sau: Những tháng ngày trốn chạy

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên