15/01/2014 06:37 GMT+7

Biểu tình ở Thái Lan giảm nhiệt

THANH TUẤN (từ Bangkok)
THANH TUẤN (từ Bangkok)

TT - Người biểu tình Thái Lan tiếp tục chiến dịch “đóng cửa” bằng cách xông vào một loạt tòa nhà của chính phủ trong ngày 14-1. Nhưng số người tham gia biểu tình đã giảm đi.

Người biểu tình Thái Lan thề chiếm BangkokThái Lan: súng nổ chết người trong ngày đăng ký ứng cửThủ lĩnh biểu tình Suthep đe dọa bắt nữ thủ tướng Yingluck

Thủ lĩnh phe biểu tình, ông Suthep Thaugsubab, tuyên bố đoàn biểu tình sẽ nhắm tới thủ tướng và các thành viên của chính phủ với đe dọa sẽ bao vây nhà, thậm chí là bắt giam họ nếu cần. “Hãy từ chức, nếu không chúng tôi sẽ bắt các vị” - ông Suthep cảnh báo trong bài phát biểu tại giao lộ Asok. Ông cho biết trong ngày hôm nay (15-1) đích thân đi cùng đoàn biểu tình “đóng cửa” một số bộ.

Trong ngày, tại một loạt bộ và cơ quan chính phủ, người biểu tình đã ngăn chặn các nhân viên và quan chức làm việc với hi vọng gây áp lực buộc Thủ tướng Yingluck phải thoái nhiệm. Theo đoàn gần 3.000 người biểu tình từ nút La Phrao cùng khoảng hơn 20 xe bán tải, PV Tuổi Trẻ trưa qua đã tới trụ sở Bộ Giao thông chứng kiến họ gây áp lực đòi cảnh sát và bảo vệ phải mở cửa.

Hàng ngàn người ở ngoài hò hét, huýt còi inh tai trong khi bên kia cánh cổng, ba ông phó tổng cục trưởng cùng hơn chục lính bảo vệ đứng nhìn với khuôn mặt lo lắng. Hai bên được phân cách bởi cánh cổng với hai chiếc khóa xích.

Một chiếc micro từ xe tải lớn được đưa vào để người phụ trách an ninh và ông Watana Phattharachan - phó tổng cục trưởng - đàm phán. Sau hơn nửa giờ nói chuyện, ông Watana phải chấp nhận mở cửa để khoảng 30 người đại diện nhóm biểu tình vào trụ sở kiểm tra coi đúng là Bộ Giao thông đã “ngưng hoạt động” hay chưa.

Ông Watana sau đó nói với PV Tuổi Trẻ: “Nhân viên tôi đã nghỉ hai ngày nay rồi. Chúng tôi vẫn chưa biết còn phải dừng việc đến lúc nào nữa”. Đoàn người biểu tình sau khi kiểm tra không phát hiện gì thì hò reo ăn mừng trước khi trở lại điểm tập kết.

Khoảng vài ngàn người biểu tình khác cũng đã đến Cục Hải quan của Thái Lan để chặn nhân viên ở đây không cho làm việc. Tại ủy ban Kinh tế xã hội và phát triển nhà nước, khoảng 100 nhân viên ở đây đã buộc phải ngưng việc khi đoàn biểu tình đến. Người biểu tình đồng thời bao vây các bộ Thương mại, Lao động và Thông tin - truyền thông trong ngày.

Nhiều giao lộ lớn ở Bangkok vẫn tiếp tục bị phong tỏa bởi hệ thống sân khấu, rào chắn và lô cốt do lực lượng biểu tình dựng lên. Một số nhóm cứng rắn thậm chí đe dọa sẽ bao vây sàn chứng khoán và cơ quan kiểm soát không lưu nếu bà Yingluck không từ chức. Bộ trưởng giao thông Chadchart Sittipunt đã phải kêu gọi người biểu tình “hãy nghĩ đến đất nước” và yêu cầu họ không được chiếm cơ quan không lưu. “Chuyện này là vượt quá quyền thể hiện ý kiến trong xã hội dân chủ rồi” - Bộ trưởng Sittipunt chỉ trích.

Nhưng có thể thấy rõ là số lượng của người biểu tình đã giảm so với ngày đầu tiên của “đóng cửa”. Tại các điểm giao lộ mà PV Tuổi Trẻ có mặt, dòng người dù vẫn lên tới hàng ngàn nhưng không còn nhiều áp đảo như một ngày trước đó.

Phó thủ tướng Surapong Tovichakchaikul khẳng định chính phủ vẫn hoạt động bình thường. Theo ông, “đóng cửa” dự kiến sẽ chỉ diễn ra trong vòng một tuần và ông kêu gọi lãnh đạo phe đối lập nên tham gia đối thoại để tìm lối thoát.

Hôm qua, Thủ tướng Yingluck Shinawatra một lần nữa bác bỏ yêu sách của người biểu tình đòi bà từ chức. Phát biểu trước báo giới, bà khẳng định: “Tôi tiếp tục nắm quyền không phải để duy trì vị thế chính trị của mình mà để bảo vệ nền dân chủ”. Liên quan đến việc Ủy ban bầu cử đề nghị hoãn cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 2-2, bà Yingluck cho biết việc này sẽ được thảo luận tại một cuộc họp của các quan chức chính phủ hữu quan và các cơ quan độc lập vào ngày hôm nay.

THANH TUẤN (từ Bangkok)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên