Phóng to |
Người dân Hungary xuống đường phản đối bản hiến pháp mới - Ảnh: AFP |
Theo AFP, trung tâm thành phố Budapest chật cứng người biểu tình. Họ cầm cờ trắng và đỏ, hô vang những khẩu hiệu phản đối: “Viktorator” (chơi chữ từ Viktor, tên của Thủ tướng Orban và dictator - độc tài), và “rác” (nhắc tới đánh giá mức tín nhiệm của tín dụng Hungary). Họ cáo buộc bản hiến pháp mới sẽ giúp đảng Fidesz cầm quyền làm suy yếu các thể chế dân chủ và tích tụ quyền lực.
Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 được quốc hội thông qua ngày 18-4-2011 với 262 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Đảng cầm quyền với 2/3 số ghế trong quốc hội đã có thể thúc đẩy thông qua bản hiến pháp dù Đảng Xã hội đối lập và đảng Xanh LMP theo đường lối cánh tả đều tẩy chay.
Tích tụ quyền lực
Hiến pháp Hungary, còn gọi là luật cơ bản, thay đổi quốc hiệu từ “Cộng hòa Hungary” thành “Hungary”. Nó đưa ra một loạt đạo luật bao trùm các lĩnh vực tư pháp, truyền thông, ngân hàng trung ương, tôn giáo, các tổ chức xã hội, hệ thống bầu cử với mục tiêu “hiện đại hóa Hungary và chuyển tiếp hoàn toàn sang chế độ dân chủ”. Các nội dung cụ thể bao gồm hạn chế quyền của tòa án tối cao đối với các vấn đề ngân sách, tổng thống có quyền giải tán quốc hội nếu quốc hội không thông qua dự thảo ngân sách hằng năm.
Hiến pháp mới cũng quy định cơ chế đa số 2/3 số phiếu ủng hộ của quốc hội trong các quyết sách liên quan đến lương hưu, thuế và quản lý ngân hàng. Hiến pháp mới yêu cầu chính phủ phải đảm bảo một lượng dư ngân sách trong trường hợp nợ công của Hungary vượt quá 50% GDP. Giới quan sát nhận định với bản hiến pháp mới, các chính phủ Hungary sau này khó có thể hủy bỏ các cải cách của đảng Fidesz cầm quyền.
Tổng thống Pal Schmitt cho rằng người Hungary có thể tự hào với hiến pháp mới. Tuy nhiên Liên minh châu Âu, Mỹ và các tổ chức quốc tế đã chỉ trích bản hiến pháp mới và yêu cầu Hungary hủy bỏ nó.
Hiến pháp mới bị chỉ trích vì củng cố quyền lực của đảng Fidesz cầm quyền. Chuyên gia luật của Hungary Peter Hack nhận định tất cả cơ quan từng hoạt động độc lập sẽ đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của đảng cầm quyền. “Dân chủ đã biến mất ở Hungary, thậm chí họ còn đánh cắp cả nền cộng hòa” - AFP dẫn lời công dân Tamas Kollar, 56 tuổi, nói khi nhắc về tên quốc gia Cộng hòa Hungary nay chỉ còn Hungary.
Thách thức cho đảng cầm quyền
Người biểu tình khẳng định muốn gửi thông điệp rõ ràng tới chính phủ. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Petr Konya thuộc Phong trào đoàn kết Hungary khẳng định: “Chúng ta muốn nền pháp trị trở lại và nền cộng hòa trở lại. Ông thủ tướng đã quên rằng quyền lực thuộc về nhân dân, về chúng ta. Chúng ta sẽ lấy lại”. Ông Laszlo Majtenyi, cựu quan chức truyền thông của Hungary, nói: “Thủ tướng đã thề sẽ bảo vệ hiến pháp nhưng lại đạp đổ nó”.
Các lực lượng chỉ trích cho rằng chưa bao giờ kể từ năm 1989, quyền lực lại tập trung trong tay đảng cầm quyền như hiện nay. Điều đó sẽ gây phương hại về lâu dài đối với nền dân chủ.
Giám đốc Viện nghiên cứu Political Capital ở Budapest Peter Kreko cho biết vào tháng 5-2010, khoảng 45% cử tri ủng hộ đảng Fidesz. Nhưng các khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 20% cử tri tiếp tục ủng hộ đảng này. Điều đó thể hiện sự thất vọng lớn lao của người dân đối với chính trường Hungary hiện nay.
Kinh tế u ám Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Hungary sẽ suy thoái trong năm 2012. Ngân hàng Trung ương Hungary cho biết nợ công Hungary đã lên tới gần 23.000 tỉ forint (94 tỉ USD), tương đương 82% GDP. Thủ tướng Orban cam kết sẽ giảm nợ công xuống dưới 70% GDP vào năm 2012 và 60% GDP năm 2014. Tình trạng kinh tế khó khăn đã buộc Hungary đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ tín dụng 15-20 tỉ euro vào tháng 12-2011. Nhưng IMF và EU tạm hoãn thảo luận gói giải cứu sau khi Chính phủ Hungary thông qua luật hạn chế tính độc lập của ngân hàng trung ương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận