Ai Cập sa thải 700 cảnh sát đàn áp người biểu tình
Phóng to |
Cảnh sát chống bạo động đã xịt hơi cay vào người biểu tình sau khi họ bị ném đá và chai lọ ở quận Abasseya vào ngày 23-7, gần trụ sở Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF), tổ chức nắm quyền điều hành đất nước kể từ lúc tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi tháng 2. AFP dẫn lời Bộ Y tế Ai Cập nói 231 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ, trong đó 39 người phải nhập viện.
Các nhân chứng kể lại rằng một khung cảnh hỗn loạn đã diễn ra ở khu vực biểu tình khi những người ủng hộ hội đồng quân sự, tất cả đều là dân thường, trèo lên mái các tòa nhà và ném đá về phía những người phản đối.
Vụ đụng độ nổ ra sau khi quân đội đang nắm quyền cáo buộc những người biểu tình khiến tình hình đất nước trở nên bất ổn. Những người phản đối chế độ hiện giờ đã đóng trại ở quảng trường Tahrir tại Cairo, với thành tố chính là phong trào Mùng 6 tháng 4, phong trào đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak.
Một người phát ngôn quân đội lên truyền hình khẳng định lực lượng vũ trang đã kiềm chế dù người biểu tình ở Tahrir ném đá và chai lọ về phía họ. Đây là lần thứ hai những người biểu tình tìm cách tiếp cận trụ sở SCAF. Vài giờ trước đó, tướng Hussein Tantawi, người đứng đầu SCAF và từng là bộ trưởng quốc phòng suốt thời gian dài dưới thời Mubarak, đã lên truyền hình hứa sẽ phục vụ nền dân chủ thông qua tuyển cử và một hiến pháp mới.
Ông Tantawi nói ông sẽ “mở đường cho những trụ cột của một nhà nước dân chủ, bao gồm thúc đẩy tự do, quyền công dân thông qua bầu cử quốc hội tự do và công bằng, một hiến pháp mới và bầu cử tổng thống trực tiếp”. Tantawi có bài phát biểu này sau khi SCAF cáo buộc phong trào Mùng 6 tháng 4 khiến tình hình đất nước bất ổn bằng cách “tạo ra sự đối đầu giữa người dân và quân đội”.
Trong một tuyên bố với truyền thông, phong trào này, gồm chủ yếu là thanh niên, phủ nhận các cáo buộc của quân đội. “Chúng tôi đều tưởng rằng cuộc cách mạng sẽ giúp thay đổi mọi việc theo hướng tốt đẹp hơn, nhưng chúng tôi rất buồn sau khi nhận xét đó được đưa ra - tuyên bố của phong trào viết - Chúng tôi chưa bao giờ tìm cách gây chia rẽ giữa quân đội và người dân. Chúng tôi nhắm sự chỉ trích chính trị vào hội đồng quân sự, tổ chức lẽ ra phải đáp ứng những yêu cầu của người dân Ai Cập”.
Bất chấp việc chính quyền cũ đã bị lật đổ, những người biểu tình tiếp tục xuống đường để phản đổi SCAF do quá trình cải cách diễn ra quá chậm chạp. Kể từ ngày 8-7, người biểu tình đã đóng trại ở quảng trường Tahrir và thề sẽ ở lại đó chừng nào các yêu cầu của họ chưa được đáp ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận