02/04/2011 04:42 GMT+7

"Biệt đội sát thủ" Mỹ ở Afghanistan

HIẾU TRUNG (Theo Rolling Stone, Washington Post, Der Spiegel)
HIẾU TRUNG (Theo Rolling Stone, Washington Post, Der Spiegel)

TT - Đầu năm 2010, một nhóm lính Mỹ ở Afghanistan nảy ra “trò vui”: sát hại thường dân vô tội để “giải trí”. Những kẻ giết người hàng loạt mặc quân phục đã tự đặt cho mình là “biệt đội sát thủ”. Vụ việc bị Lầu Năm Góc ém nhẹm mãi đến khi bị rò rỉ cho báo chí.

SiVTI2eV.jpgPhóng to
Hạ sĩ Jeremy Morlock nắm tóc nạn nhân 15 tuổi Gul Mudin và cười đùa - Ảnh: Rolling Stone

Ngày 14-2-2010, ông Christopher Winfield ở Florida nhận được tin nhắn trên mạng của con trai 21 tuổi Adam Winfield, đang đóng quân tại căn cứ quân sự Ramrod ở quận Mayward, tỉnh Kandahar, Afghanistan. Adam nói không thể gọi điện cho cha mà sẽ trò chuyện qua Facebook. “Con đang bị đe dọa - Adam kể với cha - Một số người trong trung đội của con giết người vô tội và cả trung đội đều thấy chuyện này là ổn. Riêng con không cho là thế. Con muốn làm điều gì đó nhưng không biết tin ai bây giờ”.

Người cha đã gọi điện đến đường dây nóng của quân đội Mỹ. 10 tháng sau, Adam Winfield bị đưa ra tòa án binh trong vai trò vừa là thủ phạm, vừa là nhân chứng tố cáo vụ xìcăngđan đẫm máu này. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã mô tả hành vi tàn ác của “biệt đội sát thủ” Mỹ ở căn cứ Ramrod là đáng xấu hổ và đáng lên án hơn cả vụ lính Mỹ tra tấn tù binh ở nhà tù Abu Ghraib tại Iraq sáu năm về trước.

Giết người vô tội vì buồn chán!

Cuối năm 2009, tâm trạng của các lính Mỹ tại lữ đoàn Striker ở căn cứ Ramrod sa sút trầm trọng. Liên tục bị quân Taliban tấn công, 3.800 quân của lữ đoàn này bị tổn thất khá nhiều. Vào thời điểm này, hạ sĩ Calvin Gibbs, 26 tuổi, được đưa đến lữ đoàn để thay một hạ sĩ khác bị mất chân do giẫm phải mìn.

Các binh sĩ lữ đoàn Striker muốn tìm diệt quân Taliban nhưng chẳng tìm thấy ai. Thất vọng và buồn chán đến mức khi trung đội 3 thuộc đại đội Bravo của lữ đoàn Striker tình cờ bắt gặp thi thể một quân Taliban bị trực thăng bắn chết hồi tháng 11-2009, một binh sĩ đã rút dao đâm vào xác chết.

Khi đó hạ sĩ Gibbs cầm một cái kéo và hỏi đồng đội: “Liệu tao có thể cắt một ngón tay của thằng này không nhỉ?”. Sau đó, Gibbs nảy ra một ý tưởng rùng rợn để thổi luồng sinh khí mới vào trung đội 3. Hắn nói với các đồng đội là không nên thụ động trước các cuộc tấn công của quân Taliban, mà phải chủ động tấn công vào các thị trấn có cảm tình với Taliban.

“Gibbs nói với mọi người rằng dân Afghanistan chỉ là bọn man rợ và cách duy nhất để báo thù cho các đồng đội đã chết hoặc bị thương là giết” - một binh sĩ trung đội 3 sau này khai trước tòa án quân sự. Đề tài giết người Afghanistan được thảo luận sôi nổi trong trung đội suốt vài tuần lễ.

Và điều gì đến đã đến. Ngày 15-1-2010, một nhóm binh sĩ trung đội 3, trong đó có Gibbs, lái tám xe quân sự tới làng La Mohammad Kalay gần căn cứ quân sự Ramrod. Hạ sĩ Jeremy Morlock, 21 tuổi, và binh nhất Andrew Holmes, 19 tuổi, phát hiện một nông dân trẻ đang lang thang trên ruộng. Sau này, Morlock thừa nhận người nông dân này tên là Gul Mudin, 15 tuổi, không phải là mối đe dọa. Morlock và Holmes ném lựu đạn về phía Mudin rồi nổ súng, bắn nát đầu nông dân trên và hô hoán rằng đó là một tay súng Taliban, rằng Mudin đã ném lựu đạn.

Đại úy Patrick Mitchell ở gần đó lấy làm lạ tại sao một tay súng Taliban đơn độc lại dám tấn công lính Mỹ. Nhưng rồi Mitchell ra lệnh cho hạ sĩ Kris Sprague “đảm bảo rằng mục tiêu đã chết”. Sprague giương súng bắn hai phát. Cha cậu bé xuất hiện, gào khóc, tố cáo chính lính Mỹ ném lựu đạn nhưng đại úy Mitchell phớt lờ.

Các binh sĩ trung đội 3 bắt đầu chụp ảnh nhau ăn mừng. Hạ sĩ Gibbs đùa cợt bên xác chết và cắt một ngón tay nạn nhân đưa cho Holmes. Đó là chiến lợi phẩm của việc giết “bọn man rợ Afghanistan”, như sau này một binh sĩ khai Holmes luôn giữ ngón tay đó trong túi.

4QsuKOUF.jpgPhóng to
Hai nạn nhân Afghanistan bị bắn chết và bị trói cùng nhau bên lề đường - Ảnh: Rolling Stone

Giữ ngón tay nạn nhân trong tất

Người nhà nạn nhân Mudin đến căn cứ Ramrod cáo giác nhưng trung tá David Abrahams, phó chỉ huy lữ đoàn Striker, kết luận: lời khai của các binh sĩ trung đội 3 là hợp lý và vụ việc được bỏ qua. Chỉ huy trung đội 3 là đại úy Mathew Quiggle cũng chẳng có ý kiến gì.

Được đà, các binh sĩ trung đội 3 cho rằng có thể tiếp tục giết người thoải mái, miễn là sắp xếp súng không rõ nguồn gốc ở hiện trường, cạnh xác các nạn nhân để chứng tỏ họ là quân Taliban. Tìm cách lân la, làm quen với một số sĩ quan trong lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan, hạ sĩ Gibbs đã trao đổi sách báo đồi trụy với họ để đổi lấy súng phóng lựu, đạn dược, lựu đạn, súng AK-47...

Đêm 27-1-2010, nhóm binh sĩ trung đội 3 lại đi tuần tra và bắn chết một người đàn ông không có vũ khí. Sau này, một số binh sĩ khai nạn nhân là người tâm thần hoặc bị điếc, do đó đã không nghe thấy tiếng súng bắn cảnh cáo trước đó. Hạ sĩ Michael Wagon đã nhặt một mẩu xương sọ nạn nhân làm chiến lợi phẩm.

Và nhóm binh sĩ đã đặt một khẩu AK-47 cạnh xác nạn nhân làm “bằng chứng” cho thấy đó là quân Taliban. Ngày 22-2, Gibbs bắn chết một thường dân khác và cũng đặt cạnh xác nạn nhân một khẩu AK-47. Gia đình nạn nhân đến tố cáo và khẳng định ông này là một giáo sĩ tận tụy, không bao giờ sử dụng súng. Nhưng vụ việc tiếp tục bị các sĩ quan chỉ huy căn cứ Ramrod phớt lờ.

Ngày 2-5-2010, Gibbs, Morlock và Adam Winfield ném lựu đạn và bắn chết một thường dân khác. Gibbs cắt và cất giữ “chiến lợi phẩm” là mẩu ngón tay của các nạn nhân trong một chiếc tất. Nhóm binh sĩ trung đội 3 tự đặt cho mình là “biệt đội sát thủ” và truyền cho khắp trung đội xem các bức hình ghê rợn chụp ảnh nạn nhân.

Chiến dịch ém nhẹm của Lầu Năm Góc

Nỗ lực tố cáo của ông Christopher Winfield ở Mỹ đã không có kết quả do những thủ tục hành chính nhì nhằng. Adam Winfield sau đó cũng cầu xin cha mình kín miệng vì sợ bị đồng đội xử. Tuy nhiên, binh nhất Justin Stoner, người có tham gia các vụ giết chóc, trong một phút tâm lý căng thẳng đã khai với một trung sĩ về một vụ sát hại và xin giấu tên. Ngay hôm sau, ngày 6-5-2010, Gibbs và sáu binh sĩ thuộc “biệt đội sát thủ” đã đến phòng Stoner tấn công Stoner. Gibbs còn lấy những mẩu ngón tay gí trước mặt Stoner và cảnh cáo nếu còn mở miệng, anh ta cũng có kết cục tương tự “bọn man rợ Afghanistan”.

Stoner chấp nhận im lặng, nhưng một bác sĩ quân đội phát hiện các vết thương do bị đánh đập trên người anh ta, lại còn thấy hai dòng chữ xăm trên lưng: “Thì sao nếu tôi không phải là người hùng? Thì sao nếu tôi là kẻ xấu?”. Các nhân viên điều tra quân đội Mỹ có mặt và Stoner đã khai tất cả. Các binh sĩ trong trung đội 3 bị thẩm vấn và Morlock khai toàn bộ vụ việc. Tuần trước, ngày 23-3-2011, Morlock đã bị xử tù 23 năm, hạ sĩ Robert Stevens lãnh 9 tháng tù. Các nhân vật khác vẫn đang bị xét xử trong khi Gibbs khăng khăng khai chỉ giết người khi giao tranh hợp pháp.

Tòa án quân sự Mỹ không xét xử các sĩ quan chỉ huy đại đội Bravo dù cả đại đội này đều biết về các vụ giết chóc. Lầu Năm Góc cũng dùng đủ mọi thủ đoạn để ém nhẹm vụ việc. Quân đội Mỹ cấm các binh sĩ đại đội Bravo trả lời báo chí, các thủ phạm bị cảnh cáo nếu nói chuyện với báo giới sẽ bị trừng phạt nặng nề. Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Afghanistan là tướng Stanley McChrystal và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã xem ảnh chụp các nạn nhân của “biệt đội sát thủ” hồi tháng 5-2010.

Và quân đội Mỹ đã mở chiến dịch ém tin. Các nhân viên điều tra quân đội lục lọi máy vi tính của hàng chục binh sĩ đại đội Bravo để xóa các bức ảnh bằng chứng. Quân đội Mỹ còn cử điều tra viên đến nhà các binh sĩ bị cáo buộc để tẩy xóa các bức ảnh. Thông điệp của Bộ Quốc phòng Mỹ là: “Những gì xảy ra tại Afghanistan không lọt ra ngoài Afghanistan”.

Nhưng vụ việc đã rò rỉ ra báo chí. Một lần nữa quân đội Mỹ bị ám ảnh bởi một xìcăngđan còn rùng rợn hơn vụ nhà tù Abu Ghraib.

HIẾU TRUNG (Theo Rolling Stone, Washington Post, Der Spiegel)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên