![]() |
Một chiếc xe đạp biến thành xe đạp điện sau khi được lắp cụm sản phẩm cơ điện tử hoàn chỉnh |
Sau ba năm nghiên cứu và phát triển, các chuyên gia tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công động cơ điện một chiều không chổi than dùng cho xe đạp điện. Với thiết kế gọn nhẹ, loại động cơ này còn có thể được lắp vào các loại xe đạp mini thông dụng đang lưu hành trên thị trường.
Trong thời gian qua, đã có hàng chục người cao tuổi mang xe đạp mini tới Bộ môn gia công vật liệu và dụng cụ công nghiệp, Khoa Cơ khí yêu cầu các chuyên gia lắp cho loại động cơ điện một chiều này. Sau khoảng 60 phút, công việc lắp ráp hoàn tất và xe đạp bình thường của họ đã biến thành... xe đạp điện.
ThS Trần Xuân Thái, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết để biến một chiếc xe đạp bình thường như thế thành xe đạp điện, ngoài động cơ điện một chiều không chổi than (150W) còn phải lắp bộ điều khiển động cơ, cơ cấu điều khiển tốc độ (tay vặn điện tử), bộ điều khiển trung tâm, bộ nguồn nạp ắc quy tự động. Tất cả những bộ phận trên cấu thành nên cụm sản phẩm cơ điện tử hay kit xe đạp điện hoàn chỉnh, do ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế, chế tạo.
Làm chủ công nghệ
Với cụm sản phẩm này, cộng với 2 bình ắc-quy 24V, một chiếc xe đạp có thể đi được 30km, tốc độ tối đa 25km/g mà không cần nạp điện, nếu chở một người. Chi phí mỗi lần nạp là 500 đồng. Các cuộc thử nghiệm trên một số loại xe đạp điện cho thấy hệ thống trên đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn nước ngoài, phù hợp với khí hậu và đường sá của VN.
Để hệ thống trên ra đời, nhóm nghiên cứu đã phải tự thiết kế, chế tạo các môđun cơ khí, điện từ, điện tử và đo lường điều khiển. Đặc biệt là họ phải chế tạo hàng chục bộ khuôn mẫu chính xác, chẳng hạn như các khuôn ép nhựa, khuôn đúc áp lực vỏ động cơ, khuôn dập cao tốc lá thép silic, trên các hệ thống máy móc hiện đại tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Với thành công này, đây là đơn vị đầu tiên ở VN chế tạo được động cơ điện một chiều không chổi than dành cho xe đạp điện.
![]() |
Đang chế tạo xtato cho động cơ điện một chiều không chổi than tại ĐHBK HN |
Ngoài ra, trên nguyên tắc cơ bản của cụm sản phẩm này có thể phát triển thành các ứng dụng cho xe vui chơi giải trí trong công viên, xe hầm mỏ... Trung tuần tháng 3 vừa qua, một hợp đồng ứng dụng cụm sản phẩm này để sản xuất xe lăn cho người tàn tật đã được ký kết giữa ĐH Bách khoa Hà Nội với Công ty cổ phẩn người tàn tật Hà Nội 18-4.
Giá của cụm sản phẩm khoảng 2,8 triệu đồng/bộ, kể cả bình ắc quy, rẻ hơn so với các sản phẩm ngoại nhập. Mong muốn của nhóm nghiên cứu là chuyển giao hoàn toàn công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện trong nước hoặc tìm được đối tác để hợp tác chế tạo hệ thống.
Nhưng vẫn phải... chờ!
Đa số các xe đạp điện "made in Vietnam" hiện mang trên mình động cơ và các cụm chi tiết ngoại nhập. Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe đạp điện trong nước tiếp cận, nội địa hoá sản phẩm, phát huy tối đa các nguồn lực khoa học-công nghệ trong nước để nâng cao chất lượng và hạ giá thành.
Tuy nhiên, mong muốn của nhóm nghiên cứu khó trở thành hiện thực trong tương lai gần bởi cả nước hầu như không còn sản xuất xe đạp điện!
![]() |
Xe lăn điện sử dụng động cơ điện một chiều không chổi than của Trung tâm tự động hoá, ĐHBK HN |
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, ông Tuấn đưa ra bốn nguyên nhân chính. Thứ nhất, giá thành của xe đạp điện còn cao, trung bình khoảng 3,5-4,5 triệu đồng/chiếc. Thứ hai, sử dụng về mặt kỹ thuật chưa phù hợp với người VN nên dễ xảy ra trục trặc, buộc phải thay thế phụ tùng khá tốn kém. Thứ ba, ưu điểm của xe đạp điện chưa nổi bật so với xe gắn máy và xe đạp.
Cuối cùng, ý thức về bảo vệ môi trường ở VN chưa cao, nên việc sử dụng xe đạp điện chưa được khuyến khích hoặc nhiều người quan tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận