Tay vợt 17 tuổi Lee Duck Hee là nhân vật khá đặc biệt của làng banh nỉ thế giới. Về tài năng, tay vợt người Hàn Quốc từng xếp số 1 trẻ thế giới nhưng ở đẳng cấp chuyên nghiệp, anh không phải tên tuổi quá lớn khi đang xếp hạng 252 thế giới. Sự lạ của Lee Duck Hee bởi anh là tay vợt chuyên nghiệp duy nhất hành tinh bị … điếc.
Không điều khoản nào của ATP cấm các tay vợt khuyết tật thi đấu chuyên nghiệp nhưng Lee Duck Hee là người duy nhất trên thế giới làm điều đó. Và khi đến VN tham dự Giải quần vợt quốc tế Vietnam Open 2015, Lee Duck Hee trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông và người hâm mộ.
Lee Duck Hee luôn máu lửa trên sân đấu. Ảnh T.P |
Chạm trán Fabbiano Thomas hơn hẳn về đẳng cấp, Lee Duck Hee đã chơi cống hiến. Dù bị đối thủ dẫn trước 1-4 ở ván đầu tiên, anh vẫn nỗ lực rút ngắn tỉ số còn 4-5 trước khi thua 4-6. Ở ván thứ hai, tay vợt hạng 171 thế giới Fabbiano Thomas cũng chỉ giành được phần thắng 6-4 ở những thời khắc quyết định cuối cùng trước Lee Duck Hee.
Phát biểu trong cuộc họp báo sau trận, Lee Duck Hee chia sẻ: “Lúc thi đấu, tôi vắt sức trong từng pha bóng để tìm chiến thắng. Điều quan trọng là tôi phải tiến bộ hơn sau mỗi trận đấu”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tay vợt Việt kiều Mỹ Daniel Nguyễn cho biết: “Trong quần vợt, khả năng nhìn-nghe-di chuyển cũng giống như không gian ba chiều. Khi mất trong một những yếu tố trên chắc chắn là bất lợi rất lớn”.
Vậy Lee Duck Hee làm thế nào để lấp khuyết tật của mình? Thời điểm là một trong những yếu tố tiên quyết trong quần vợt. Khả năng nắm bắt chính xác thời điểm sẽ cho ra những cú đánh nảy lửa, có quỹ đạo bay đúng ý đồ VĐV. Đó cũng là một tiêu chí quan trọng để các nhà tuyển trách phát hiện tài năng trẻ. Và điều tiên quyết để có phán đoán thời điểm tốt chính là nghe âm thanh. Để có pha đánh bóng hoàn hảo, hầu hết các tay vợt phải lắng nghe khi đối thủ chạm vợt vào bóng để đánh giá tốc độ, quỹ đạo bay của quả bóng để có đối sách.
Nhưng Lee Duck Hee chưa bao giờ nghe thấy những âm thanh đó. Lee Duck Hee nói: “Tôi không nghe được từ khi ra đời nhưng tôi không quan tâm nhiều đến nó. Tôi chơi quần vợt theo cách của mình ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp của tôi và phát triển nó thành phương pháp riêng. Vì không nghe được nên tôi cảm nhận bóng theo bản năng. Thị giác và cảm giác của cơ thể của tôi có thể bù đắp cho đôi tai".
Bằng những nỗ lực của bản thân, Lee Duck Hee đã vượt qua trở ngại khuyết tật để trở thành tay vợt chuyên nghiệp. Lee Duck Hee chia sẻ: “Mọi người cứ bảo rằng điếc là một khuyết tật. Nhưng tôi không quan tâm đến điều đó bởi theo cảm nhận của riêng mình, điếc lại là lợi thế rất lớn so với nhiều tay vợt khác. Đó là một món quà đặc biệt của tôi mà nhiều tay vợt bình thường không có được. Tôi chẳng bao giờ bị làm phiền bởi sự la ó của đối thủ, khán giả,.. trong suốt quá trình thi đấu. Tôi luôn có sự tập trung cao độ vào trận đấu và trái bóng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận