Mới đây, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi phát hiện, kiểm tra và lập biên bản thu giữ nhiều gốm sứ cổ mà ngư dân lặn vớt ở vùng biển xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Nhiều tàu cá lặn tìm cổ vật
Sáng 17-5, Đồn biên phòng Bình Hải (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi) phát hiện một nhóm tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi vây quanh khu vực biển cách bờ biển xã Bình Hải khoảng 3 hải lý về phía đông bắc. Những tàu cá này tụ tập khá đông, ngư dân sử dụng máy nén khí và dây hơi lặn.
Thấy sự bất thường, Đồn biên phòng Bình Hải báo cáo sự việc lên cấp trên. Khoảng 17h chiều 17-5, lực lượng tuần tra trên biển của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi gồm: Đồn biên phòng Bình Hải, Hải đội biên phòng 2 và các đơn vị nghiệp vụ cho tàu ra khu vực trên kiểm tra.
Nhiều tàu cá đã nhanh chóng rời đi, biên phòng Quảng Ngãi truy đuổi và ra hiệu lệnh yêu cầu tàu cá BĐ 105.46 dừng lại. Kiểm tra tàu cá, lực lượng tuần tra phát hiện trên tàu cất giấu 33 đĩa gốm sứ đường kính khoảng 20cm và 7 tô đường kính khoảng 15cm trong các khoang tàu.
Làm việc với biên phòng, ông Nguyễn Văn Triển (42 tuổi, trú huyện Phù Cát, Bình Định), thuyền trưởng tàu cá BĐ 105.46, khai báo số cổ vật trên do ngư dân lặn vớt được ở vùng biển thuộc xã Bình Hải.
Lực lượng tuần tra biên phòng nhận định tàu cá BĐ 105.46 có dấu hiệu khai thác cổ vật trái phép đã kiểm đếm, lập biên bản niêm phong và tạm giữ toàn bộ đồ vật để phối hợp với cơ quan chức năng xác minh làm rõ.
Coi chừng phạm luật
Ngay sau khi biên phòng thu giữ nhiều gốm sứ trên tàu cá BĐ 105.46, Huyện ủy Bình Sơn đã phát đi văn bản khẩn chỉ đạo nhiều đơn vị thông tin rộng rãi đến người dân quy định của pháp luật về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn giấu, vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.
Lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tàu cá để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc khai thác cổ vật trái phép. Phối hợp với các xã ven biển tuyên truyền pháp luật để ngư dân hiểu, không tham gia khai thác cổ vật.
Luật sư Trần Hậu, Đoàn luật sư Đà Nẵng, cho biết theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009), việc tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước là hành vi đào bới trái phép địa điểm khảo cổ.
Theo luật sư Hậu, người dân cần giao nộp hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để được thưởng và tránh những rắc rối về luật pháp.
Theo đó, quy định khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân giao nộp bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật... bị chìm đắm, vùi lấp, như sau: phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 30%; trên 10 triệu đồng - 100 triệu đồng là 15%; trên 100 triệu đồng - 1 tỉ đồng là 7%; trên 1 tỉ đồng - 10 tỉ đồng là 1%; trên 10 tỉ đồng là 0,5%. Giá trị thưởng được xác định sau khi trừ chi phí thăm dò, khai quật, trục vớt...
"Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin chính xác về cổ vật bị chìm đắm, chôn lấp tài, mức tiền thưởng bằng 50% của các mức thưởng nêu trên. Ngoài ra, còn các mức thưởng khác, trong các trường hợp khác cũng được quy định rõ trong luật", luật sư Hậu nói.
Luật sư Hậu cảnh báo việc phát hiện hoặc tìm thấy cổ vật mà không thông báo, giao nộp cho cơ quan chức năng, người có thẩm quyền ngoài không được thưởng, còn bị xử lý hành chính từ 40 - 50 triệu đồng.
Đồng thời bị tịch thu tang vật, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Bởi theo quy định tại khoản 3, điều 24 nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì hành vi đào bới, trục vớt trái phép cổ vật ở khu vực khảo cổ là vi phạm.
"Thậm chí, theo điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu không giao nộp di vật, cổ vật... do mình tìm được cho cơ quan chức năng sẽ bị phạt từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, để bảo vệ di sản tốt hơn, ngoài việc phổ biến pháp luật, ý nghĩa của việc cung cấp thông tin, bàn giao di sản, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị quý báu quốc gia cho người dân hiểu.
"Nhà nước cần có chính sách khen thưởng tương xứng công sức mà những người dân phát hiện, báo tin, trao di sản về cho Nhà nước để khích lệ họ. Từ đó, xóa bỏ tâm lý thà để di sản chìm đắm không thông báo hoặc trực vớt làm của riêng. Đó là giải pháp lâu dài để người dân chung tay bảo tồn di sản", luật sư Hậu nói.
Vì sao vùng biển Quảng Ngãi có nhiều cổ vật
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết có một hiện vật Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi gửi cho ông xem có chữ Càn Long Niên Chế. Qua đó, có thể khẳng định những gốm sứ ngư dân vừa lặn vớt trên biển Bình Hải là cổ vật.
Lý giải cho việc vùng biển Quảng Ngãi thường xuyên phát hiện tàu cổ và cổ vật, ông Vũ nói vị trí ngư dân vừa lặn vớt được gốm sứ trong lịch sử là Mũi tổng binh.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn từng đặt chân đến, chỉ huy cuộc thân chinh Nam tiến, thiết lập nên đạo Thừa thiên Quảng Nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay).
Đến thời vua Gia Long và Minh Mạng, khu vực này là tuyến phòng thủ biển, đặt rất nhiều súng thần công (đã từng khảo cổ trục vớt súng thần công ở khu vực này). Gần Mũi tổng binh có vạn nước ngọt, nơi các thuyền buôn thuở xưa vào lấy nước ngọt.
"Sau các cuộc khai quật, có thể thấy vùng biển Quảng Ngãi có nhiều eo biển, vịnh, thuyền buôn dễ ra vào. Vùng biển này là điểm giao thương sầm uất, trải qua nhiều thế kỷ. Các cổ vật khai quật có niên đại từ thời Nguyên Minh, Chăm - Việt, Càn Long... đã chứng minh điều đó", ông Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận