04/01/2019 12:25 GMT+7

Biến nước biển thành nước đá lỏng

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Đó là đề tài nghiên cứu khoa học vừa được Bộ Công thương nghiệm thu để làm mô hình giảng dạy trong các trường thuộc bộ.

Biến nước biển thành nước đá lỏng - Ảnh 1.

ThS Huỳnh Minh Hoàng bên mô hình thiết bị sản xuất đá lỏng từ nước biển - Ảnh: DUY THANH

Tác giả của nghiên cứu này là 4 giảng viên Trường CĐ Công thương miền Trung (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) gồm TS Trần Kim Quyên - hiệu trưởng, chủ nhiệm đề tài cùng các thành viên là TS Lê Kim Anh - phòng quản lý chất lượng và nghiên cứu khoa học, ThS Huỳnh Minh Hoàng và ThS Lê Thành Nhân ở khoa điện - tự động hóa. 

Nhóm tác giả cho hay việc triển khai đề tài thành dự án sản xuất thử nghiệm, tiến tới ứng dụng vào thực tiễn.

ThS Hoàng cho biết nhóm thực hiện đã sử dụng các thiết bị chính thuộc lĩnh vực điện lạnh, điện cơ để chế tạo thiết bị này. Công suất của thiết bị là 1 giờ "biến" 5 lít nước biển (có nồng độ muối 3-5%) thành 5 lít nước đá lỏng (còn gọi là đá sệt) có nhiệt độ -3 đến -50C. 

"Nếu nồng độ muối trong dung dịch nước biển càng cao thì nhiệt độ của đá lỏng càng thấp" - ông Hoàng cho hay.

Sáng chế ra thiết bị này, nhóm nghiên cứu cho biết trước hết là tạo được mô hình thực tiễn để giảng dạy cho học sinh, sinh viên, giúp các bạn trẻ hiểu được có loại thiết bị, nguyên lý hoạt động của nó để khi làm việc không bỡ ngỡ. 

"Cái quan trọng hơn là từ đề tài này hoàn toàn có thể phát triển thành một dự án sản xuất thử nghiệm máy sản xuất đá lỏng từ nước biển, phục vụ việc bảo quản thủy hải sản của ngư dân hiệu quả hơn" - TS Anh chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện ngư dân đánh bắt xa bờ thường sử dụng đá cây xay nhỏ để ướp lạnh giữ cá dài ngày. Những viên đá rắn này có cạnh, đổ ướp cá thường làm trầy xước, gây hỏng da cá; đá lạnh xay cũng làm lạnh chậm và không đồng đều giữa các lớp cá với nhau, khiến cá bị giảm phẩm cấp khi đưa vào đến bờ.

Thiết bị biến nước biển thành đá lỏng sệt là những tinh thể đá lạnh rất nhỏ từ 0,1-1mm, mịn, có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách trong hầm chứa, giúp vừa làm lạnh nhanh vừa không làm hư hỏng da cá, giữ được chất lượng cá tốt hơn.

"Nước biển là nguyên liệu có sẵn. Khi tàu chạy từ bờ ra khu vực đánh bắt có thể sử dụng máy nổ hay máy phát điện trên tàu để sản xuất nước đá lỏng này thay vì phải tốn tiền mua đá cây, tốn tiền nhiên liệu để chở hàng tấn đá lạnh, rồi phải nổ máy để xay nhuyễn. Thiết bị hiện tại của chúng tôi chỉ tiêu tốn điện năng 700W/h" - ThS Hoàng cho hay.

Còn phải tiếp tục nghiên cứu

Tuy đã thành công với mô hình nhỏ nhưng theo TS Anh, cần phải nghiên cứu, tìm tòi thêm nguyên liệu sản xuất máy để chống ăn mòn trong điều kiện hoạt động dài ngày ở môi trường biển. Thêm nữa, trên tàu cần phải có người hiểu biết về điện lạnh, điện cơ để khi máy có trục trặc thì biết cách khắc phục tại chỗ.

"Bên cạnh đó, cần phải có sự đầu tư vốn của Nhà nước hoặc liên kết với doanh nghiệp liên quan đến hoạt động thủy sản thì chúng tôi mới đủ lực tiếp tục nghiên cứu sản xuất thử nghiệm chiếc máy này được" - TS Anh chia sẻ.

Máy lọc nước biển thành nước ngọt đến Trường Sa Máy lọc nước biển thành nước ngọt đến Trường Sa

TTO - Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2018 đã mang món quà quý là máy lọc nước biển thành nước ngọt đến với đảo Phan Vinh A, thuộc quần đảo Trường Sa.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên