29/03/2015 09:56 GMT+7

​Biến lời nói thành hành động

TTXVN - LÊ KIÊN
TTXVN - LÊ KIÊN

TT - Đúng 20g ngày 28-3, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần 132 (IPU-132) đã khai mạc trọng thể tại nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phải) tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới Saber Chowdhury - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn khai mạc IPU-132 - Ảnh: TTXVN

Đại hội đồng IPU-132 có chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: biến lời nói thành hành động”, thu hút sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu đến từ hơn 160 nghị viện thành viên IPU, các thành viên liên kết, các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên sau 36 năm gia nhập Liên minh nghị viện thế giới, Việt Nam được tín nhiệm đăng cai Đại hội đồng IPU-132.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tại đại hội đồng lần này, chúng ta có trách nhiệm trao đổi kỹ về vai trò, nhiệm vụ và biện pháp của các quốc hội và nghị viện để “biến những lời nói thành hành động”, thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực của xã hội và người dân, huy động nguồn lực, ngân sách, tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ tin tưởng rằng đại hội đồng sẽ hoàn thành tốt đẹp các chương trình nghị sự đã đặt ra và thống nhất cao để đưa ra “Tuyên bố của IPU tại Hà Nội”, thể hiện các vấn đề lớn được trao đổi và thể hiện những cam kết của IPU và các nghị viện thành viên đối với việc thúc đẩy thực hiện chương trình phát triển sau năm 2015.

Trong bài phát biểu chào mừng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng.

Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong 36 năm qua, Việt Nam luôn sát cánh cùng các thành viên IPU nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác.

Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đi lên từ điểm xuất phát thấp, Việt Nam ngày nay đang từng bước trở thành đối tác phát triển với nền kinh tế năng động, quan hệ đối ngoại rộng mở và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các thành tựu quan trọng về tiến bộ xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, đã đạt được rất ấn tượng như: xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS và bình đẳng giới đã được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Trong thời gian tới, cùng với các thành viên IPU, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn sau năm 2015 và coi đây là trọng tâm ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách hành chính, kiện toàn tư pháp, đổi mới lập pháp, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng hội nghị lần này là hội nghị của hành động để biến các ý tưởng, những đề xuất thành những kết quả cụ thể và thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc có tính toàn cầu.

Trong thời gian Đại hội đồng IPU-132 từ ngày 28-3 đến 1-4, sẽ diễn ra khoảng 70 phiên thảo luận và 70 cuộc tiếp xúc song phương. Các phiên họp của đại hội đồng sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

 

TTXVN - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên