Khu vực quốc lộ 51 đoạn gần cầu Bà Đen, TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngập nặng vào mùa mưa nhiều năm nay - Ảnh: H.Mi |
Bắt đầu cuộc đối thoại, ông Nguyễn Phú Cường, bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cởi mở: “Cuộc đối thoại công khai, cầu thị, có chính quyền và các sở ngành lắng nghe nên tôi rất muốn nghe những góp ý thẳng thắn”.
Chết người có rồi. Nước trôi mất tài sản của dân cũng có rồi, nên tôi tha thiết mong bí thư tỉnh ủy lập đoàn khảo sát về đây mà xem |
Ông LÊ VĂN TÂM (P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa) nói về hậu quả ngập lụt trên quốc lộ 51 |
Mời lãnh đạo xuống thăm trường ngập
Là người thấu hiểu nỗi khổ lội nước của học trò, ông Phan Quang Vinh, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân), cho biết: “Trường có 1.100 học sinh và mỗi khi mưa xuống thầy trò phải chịu cảnh ngập nước. Có lúc phải nhờ bộ đội đến giúp đỡ, dọn dẹp. Từ khi quốc lộ 51 được nâng cấp thì trường ngày càng ngập nhiều hơn”.
Theo ông Vinh, mưa xuống nước không có chỗ thoát trên quốc lộ 51 và các nơi tràn về trường cùng khu dân cư ở gần đó đã gây ngập trường, ngập nhà dân.
“Năm 2015 trường bị ngập 12 lần, lần ngập nặng nhất nước dâng cao đến 60cm. Năm nay mùa mưa vừa đến đã ngập 2 lần nên tôi tha thiết mời lãnh đạo ghé thăm trường để chứng kiến cảnh ngập và tìm ra giải pháp giảm thiểu ngập cho học sinh, người dân ở vùng này” - ông Vinh nói.
Lý giải về chuyện ngập ở khu vực quốc lộ 51, người dân ở xã Phước Tân nói với bí thư tỉnh ủy rằng trong quá trình thi công nâng cấp quốc lộ 51, nhiều sông suối là chỗ thoát nước ở đây đã bị đơn vị thi công đổ đất đá, thu hẹp dòng chảy. Hoặc tình trạng khu dân cư ồ ạt mọc lên, người ta san lấp mặt bằng nhiều càng làm ngập nhiều hơn.
Ông Đoàn Ngọc Khanh (ấp Miễu, xã Phước Tân) nói: “Trước quốc lộ thấp nước còn tràn qua, nhưng nâng cao lên rồi thì nước không có chỗ thoát nên dân phải sống chung với ngập từ 2 - 2,5m”.
Tương tự, ông Lê Văn Tâm (trưởng khu phố 1, P.Long Bình Tân) dẫn chứng khi thi công quốc lộ 51, đoạn gần ngã tư Vũng Tàu có 3 cống thoát nước nhưng đơn vị thi công bịt mất 2 cống. Ngoài ra, ở đây có cầu Bà Đen để thoát nước nhưng thi công mở rộng cầu xong, móng cầu cũ vẫn còn nằm dưới làm bó hẹp dòng chảy của suối nên có lúc ngập cả mét.
Cuộc đối thoại được người chủ trì gợi ý là minh bạch, thẳng thắn nên người dân bị ngập ở gần 20 phường, xã của TP Biên Hòa được dịp bộc bạch những bức xúc.
Ông Bình (ở ấp Cầu Hang, xã Hóa An) cho hay: “Cả trăm hộ dân chúng tôi ở khu vực này phải chạy ngập 5-7 năm nay. Mưa xuống là ngập nên sống trong cảnh lo âu, phập phồng. Mưa xuống, khu công nghiệp ở bên thị xã Dĩ An xả nước thải công nghiệp ra suối Siệp khiến dân kêu cứu. Phải giải quyết ngay cho dân”.
Đến dự buổi đối thoại, người dân ở các phường: Tân Mai, Trảng Dài, Tân Phong, Tân Hiệp, An Bình, Hố Nai, Bửu Long, Tân Tiến... đều chỉ ra các điểm ngập ngay trung tâm của TP Biên Hòa.
Cụ thể như điểm ngập trên các đường: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, Võ Thị Sáu, Huỳnh Văn Nghệ, ngã 5 Biên Hùng, ngã tư Lạc Cường...
Bà con tha thiết mong chính quyền có giải pháp chống ngập giúp dân. “Nhà bị ngập phải bỏ việc để dọn dẹp. Mà ngập hoài, làm công nhân bỏ việc thì người ta đuổi. Nên tôi mong lãnh đạo xuống dòm ngó giúp dân nghèo, đừng để ngập úng nữa” - chị Mai ở P.An Bình mong mỏi.
Ông Triệu Thành Long đặt vấn đề vì sao làm hệ thống thoát nước rồi mà ngã 5 Biên Hùng (TP Biên Hòa) vẫn ngập nặng - Ảnh: H.Mi |
“Đổ ông trời, còn trách nhiệm của cán bộ?”
Ông Nguyễn Văn Hải - người dân ở xã An Hòa, TP Biên Hòa - đặt vấn đề: “Tôi nghe nhiều người đổ cho ông trời nhưng chưa ai nói đến trách nhiệm của cán bộ. Tôi nằm trong số 200 hộ dân vào khu tái định cư Sơn Tiên nhưng triều lên là ngập. Dân bỏ tiền ra nâng nền nhà vẫn ngập. Dân bức xúc, phản ảnh đến đại biểu Quốc hội nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đề nghị bí thư tỉnh ủy xem lại việc này, quy hoạch như vậy có đúng không?”.
Góp ý cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Triệu Thành Long (ngụ P.Trung Dũng) nêu thực tế khi làm hệ thống thoát nước rồi thì ngã 5 Biên Hùng vẫn ngập. Ông Long lý giải ngã 5 Biên Hùng là thung lũng và đề nghị tỉnh đừng nên để tốn tiền của dân vào những giải pháp không phù hợp, mà phải có giải pháp khoa học đưa nước ở khu vực này ra sông Đồng Nai.
Tiếp thu tất cả ý kiến của người dân, ông Nguyễn Phú Cường cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn ngập ở TP Biên Hòa. Đó là tầm nhìn quy hoạch, xả rác gây nghẹt cống rãnh, quản lý xây dựng chưa chặt chẽ...
Ông Cường yêu cầu sau buổi đối thoại này, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với chủ đầu tư thi công hạ tầng trên quốc lộ 51, quốc lộ 1, quốc lộ 1K, rà soát các điểm gây ngập mà dân phản ảnh để khắc phục ngay hệ thống cống thoát nước.
Đồng thời làm việc với chủ đầu tư dự án khu du lịch Sơn Tiên để khơi thông dòng chảy ở khu vực này, ổn định đời sống của người dân. Riêng TP Biên Hòa chỉ đạo ngay cho chính quyền các cấp tổ chức nạo vét cống rãnh tại các khu dân cư và tăng cường biện pháp xử lý nạn xả rác bừa bãi, nạn xây dựng lấn chiếm sông, suối.
“Việc chống ngập không thể một ngày, một bữa là xong. Nhưng tỉnh đang nỗ lực chỉ đạo kiểm tra, xử lý các điểm ngập cho bà con một cách nhanh nhất, chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả” - ông Cường nói.
Biên Hòa có 28 điểm ngập UBND TP Biên Hòa cho biết năm 2015 Biên Hòa có 25 điểm ngập, nhưng đến nay phát sinh 3 điểm ngập mới. Hiện TP Biên Hòa đã xử lý một số điểm để hạn chế ngập nhưng vẫn còn những điểm ngập nặng, như khu vực cầu Săn Máu (đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn qua P.Hố Nai và P.Trảng Dài), khu vực trước Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, ngã tư Lạc Cường, ngã 5 Biên Hùng và tại nhiều ấp ở xã Phước Tân. Ngoài ra, còn có những điểm ngập thuộc các dự án do Cục Đường bộ IV quản lý như: khu vực cống Lang Xèng (xa lộ Hà Nội), đường BOT quốc lộ 1K (đoạn xã Hóa An) và điểm ngập ở khu vực cầu Đen trên quốc lộ 51... Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết ngập thời gian tới, ông Phạm Anh Dũng, chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết: “Tỉnh đã bố trí vốn chống ngập cho một số dự án tại TP Biên Hòa nên chúng tôi đang dốc sức xử lý các điểm ngập tạm thời, đồng thời xử lý trọng tâm, khoa học các điểm ngập nặng để bớt gánh nặng cho dân”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận